Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp Thống đốc Đặc khu Thủ đô Jakarta
Đối ngoại - Ngày đăng : 14:30, 07/08/2023
Chủ tịch Quốc hội bày tỏ ấn tượng trước sự phát triển của Thủ đô Jakarta - đô thị lớn nhất, có dân số chỉ chiếm 3% nhưng đóng góp tới 20% cho GDP của Indonesia.
Chủ tịch Quốc hội chia sẻ, Thủ đô Hà Nội sau khi mở rộng địa giới hành chính cũng đã trở thành một đầu tàu phát triển của cả nước, dân số chiếm khoảng 8% nhưng đóng góp hơn 17% vào GDP Việt Nam. Chủ tịch Quốc hội mong muốn Thủ đô hai nước tăng cường hợp tác, trao đổi kinh nghiệm phát triển, nhất là khi giữa Hà Nội -Jakarta dự kiến sẽ sớm có đường bay thẳng.
Việt Nam cũng vừa thông qua việc nâng thời hạn visa điện tử từ 30 ngày lên 90 ngày, thời gian lưu trú cho người nhập cảnh tăng từ 15 ngày lên 45 ngày. Đây là điều kiện rất thuận lợi để doanh nghiệp, doanh nhân và người dân hai bên qua lại du lịch, đầu tư sản xuất, kinh doanh.
Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chia sẻ, các cơ quan của Quốc hội Việt Nam và Thủ đô Hà Nội trong quá trình xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) mong muốn tham khảo kinh nghiệm của Jakarta, nhất là về các chính sách đặc thù của Jakarta
Thống đốc Đặc khu Thủ đô Jakarta Heru Budi Hartono nhất trí với các ý kiến của Chủ tịch Quốc hội. Thống đốc Jakarta cho biết, Hà Nội và Jakarta kết nghĩa từ năm 2004; mong muốn Hà Nội và Jakarta tăng cường trao đổi kinh nghiệm, hợp tác trong lĩnh vực giao thông, quản trị thành phố, công nghiệp dịch vụ và nhiều lĩnh vực khác.
Trước đó, vào sáng 06/8, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn công tác đã tới thăm Văn phòng FPT tại thủ đô Jakarta.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao nỗ lực của FPT là một trong những doanh nghiệp tiên phong, đi đầu trong đầu tư sang Indonesia. Tuy mới đầu tư sang Indonesia được 5 năm, nhưng FPT Indonesia đã đạt được doanh thu khá, có mạng lưới kinh doanh tại đây; điều đó chứng tỏ năng lực, uy tín của FPT.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, chuyển đổi số liên quan đến xây dựng hệ sinh thái về chuyển đổi số, hạ tầng cứng, hạ tầng mềm, nguồn nhân lực; liên quan đến niềm tin số, chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, giao dịch xuyên biên giới, an toàn an ninh mạng… Vì vậy, cần chủ động phối hợp để tham gia vào sân chơi chung mà không phải gánh chịu những rủi ro không đáng có.
Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025 nền kinh tế số sẽ đạt 25% GDP, đến năm 2030 sẽ đạt 30% GDP. Đây là thách thức rất lớn và chúng ta không thể “một mình một đường”.
Đây cũng là lý do Quốc hội Việt Nam quyết định đăng cai, phối hợp cùng Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) tổ chức Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 với chủ đề "Vai trò của giới trẻ trong việc thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo".
Cho rằng, Indonesia là quốc gia có rất nhiều sáng kiến lớn mang tầm khu vực, chẳng hạn Indonesia đang đề xuất thành lập một trung tâm QR code cho cả khu vực ASEAN; Chủ tịch Quốc hội mong FPT nghiên cứu để chủ động tham gia. Đồng thời, đề nghị FPT chú trọng phát huy vai trò là đầu mối, tích cực tham gia quảng bá, kết nối doanh nghiệp 2 nước đầu tư vào thị trường của nhau.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản pháp luật, hoàn thiện khung khổ pháp lý phục vụ chuyển đổi số, công nghệ thông tin cùng nhiều văn bản pháp luật có liên quan, như vấn đề visa điện tử…
Điều đó sẽ tạo thêm nhiều thuận lợi cho các doanh nghiệp công nghệ phát triển; mong các doanh nghiệp công nghệ nói chung, FPT nói riêng tiếp tục đạt được nhiều thành công mới, đóng góp vào việc thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch thương mại giữa hai nước../.