Quyết tâm thực hiện có hiệu quả 4 Nghị quyết chuyên đề toàn khóa

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 10:20, 08/08/2023

(BKTO) - Đảng ủy Kiểm toán nhà nước (KTNN) yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng quyết tâm thực hiện có hiệu quả, tạo chuyển biến sâu sắc, toàn diện các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã nêu trong 4 Nghị quyết chuyên đề toàn khóa.
cntt-2.jpg
KTNN đã xây dựng và đưa vào sử dụng nhiều phần mềm ứng dụng góp phần tích cực vào việc nâng cao hiệu quả công tác quản lỷ , chỉ đạo điều hành và hoạt động kiểm toán. Ảnh: TL

Đảng ủy KTNN vừa ban hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ mười hai Ban Chấp hành Đảng bộ KTNN, nhiệm kỳ 2020-2025 về đẩy mạnh thực hiện 4 Nghị quyết chuyên đề toàn khóa gồm: Nghị quyết số 88-NQ/ĐU về “Lãnh đạo thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030”, Nghị quyết số 89-NQ/ĐU về “Lãnh đạo hoàn thiện hệ thống tổ chức bộ máy và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giai đoạn 2020-2025”, Nghị quyết số 90-NQ/ĐU về “Lãnh đạo đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào hoạt động của ngành giai đoạn 2020-2025”, Nghị quyết số 103-NQ/ĐU về “Lãnh đạo hoàn thiện thể chế về tổ chức và hoạt động của KTNN”.

Theo Đảng ủy KTNN, 3 năm qua, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp đã nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện 4 Nghị quyết và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Cụ thể, cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của KTNN không ngừng được hoàn thiện, góp phần nâng cao vị thế, vai trò của KTNN. Hệ thống tổ chức bộ máy phát triển khá toàn diện cả về số lượng, cơ cấu và chất lượng. 

KTNN phấn đấu kiểm toán hằng năm đối với quyết toán NSNN các bộ, cơ quan trung ương và quyết toán ngân sách các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; tăng cường kiểm toán hoạt động, kiểm toán chuyên đề, CNTT, môi trường đạt tỷ lệ 30% đến 40% số lượng các cuộc kiểm toán hằng năm. Chú trọng phát hiện các kẽ hở trong cơ chế, chính sách, pháp luật để kiến nghị hoàn thiện; nâng cao chất lượng và kết quả thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán.

Chất lượng kiểm toán ngày càng được chú trọng, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả kiểm toán. 

KTNN đã xây dựng và đưa vào sử dụng nhiều phần mềm ứng dụng góp phần tích cực vào việc cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo điều hành cũng như hoạt động kiểm toán.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc triển khai thực hiện các Nghị quyết vẫn còn bộc lộ một số hạn chế như: Một số quy định tại các luật chuyên ngành có liên quan đến hoạt động KTNN chưa có sự đồng nhất về chức năng, nhiệm vụ của KTNN. Công tác hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật, quy định về chuyên môn, nghiệp vụ  còn bất cập, chưa phù hợp thực tiễn.

Việc truy cập, kết nối chia sẻ thông tin, dữ liệu điện tử với các cơ sở dữ liệu quốc gia, hệ thống thông tin liên quan đến hoạt động kiểm toán của các bộ, cơ quan trung ương, đơn vị được kiểm toán còn gặp những khó khăn; dữ liệu điện tử thu thập thông qua cuộc kiểm toán chưa được lưu trữ tập trung. Chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đủ hấp dẫn đối với sinh viên tốt nghiệp xuất sắc vào làm việc.

Để tiếp tục thực hiện tốt 4 Nghị quyết chuyên đề toàn khóa của Ban Chấp hành Đảng bộ KTNN và khắc phục những hạn chế trong quá trình thực hiện thời gian qua, Đảng ủy KTNN yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng quyết tâm thực hiện có hiệu quả, tạo chuyển biến sâu sắc, toàn diện các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã nêu trong 4 Nghị quyết.

Đồng thời, cấp ủy, tổ chức đảng tập trung thực hiện các nhiệm vụ sau: Tiếp tục hoàn thiện hệ thống tổ chức, bộ máy, đảm bảo xây dựng KTNN chuyên nghiệp, liêm chính, hội nhập. Củng cố năng lực cho các đơn vị trực thuộc KTNN theo hướng phân công trách nhiệm, quyền hạn, nhiệm vụ rõ ràng, khắc phục tối đa việc chồng chéo chức năng, nhiệm vụ giữa các đơn vị.

KTNN xác định mục tiêu xây dựng đội ngũ công chức tinh gọn, đủ về số lượng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng và có cơ cấu hợp lý phù hợp với biên chế được Bộ Chính trị giao giai đoạn 2022-2026. Phấn đấu đến năm 2030, 100% kiểm toán viên nhà nước, công chức trực tiếp tham gia hoạt động kiểm toán, làm công tác kế hoạch, tổng hợp, thẩm định báo cáo, kiểm soát chất lượng kiểm toán; có khả năng phân tích, tổng hợp và đánh giá chính sách kinh tế vĩ mô, tương xứng với yêu cầu của nghề nghiệp kiểm toán, chuẩn mực quốc tế.

Phát triển đội ngũ công chức, kiểm toán viên đủ về số lượng, có cơ cấu hợp lý. Tăng cường công tác điều động, luân chuyển gắn với thực tiễn hoạt động của Ngành. Xây dựng, hoàn thiện các chương trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ công chức, kiểm toán viên; gắn lý luận với thực tiễn, kỹ năng xử lý trong từng lĩnh vực công tác; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, nâng cao ý thức đạo đức nghề nghiệp của kiểm toán viên; nâng cao kiến thức, trình độ, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin áp dụng trong hoạt động kiểm toán.

Bên cạnh đó, cấp ủy, tổ chức đảng tập trung nghiên cứu, cụ thể hóa đầy đủ và toàn diện quy định về KTNN trong Hiến pháp 2013, Luật KTNN hiện hành nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về KTNN. Chú trọng xây dựng, hoàn thiện Hệ thống Chuẩn mực KTNN đảm bảo chất lượng, tiến độ; bổ sung đầy đủ quy trình, quy chế, hệ thống hồ sơ mẫu biểu, hướng dẫn kiểm toán đảm bảo đồng bộ, thống nhất, phù hợp thực tiễn. Tổ chức rà soát, đề xuất nội dung sửa đổi, bổ sung Luật KTNN cho phù hợp với thực tiễn hoạt động của KTNN và thông lệ quốc tế.

Các đơn vị tập trung nâng cao chất lượng công tác khảo sát, xây dựng kế hoạch kiểm toán năm, chú trọng lựa chọn tổ chức kiểm toán các vấn đề, lĩnh vực được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Nâng cao chất lượng báo cáo kiểm toán, thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán; kết luận, kiến nghị kiểm toán đảm bảo khách quan, chính xác, phù hợp, tuân thủ quy định của pháp luật. Tăng cường kiểm tra thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán; áp dụng chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm Luật KNNN.

Đồng thời, rà soát, kiểm tra, đánh giá ứng dụng CNTT; duy trì công tác đánh giá, xếp hạng ứng dụng CNTT tại các đơn vị trực thuộc, từ đó xác định các hạn chế để khắc phục, có các giải pháp xây dựng và đưa vào sử dụng có hiệu quả các cơ sở dữ liệu, phần mềm ứng dụng trong toàn Ngành. Tăng cường đảm bảo an toàn thông tin, trong đó lấy việc bảo vệ dữ liệu làm trọng tâm, triển khai các chính sách và nâng cao nhận thức về an toàn thông tin, an ninh mạng cho cán bộ, công chức của KTNN.

Tiếp tục duy trì và tối ưu hóa lợi ích các mối quan hệ hợp tác song phương hiện có, đồng thời mở rộng quan hệ hợp tác với các đối tác song phương mới. Các đơn vị chức năng nâng cao chất lượng nhân sự tham gia các nhóm công tác hợp tác quốc tế; xây dựng các tài liệu tham khảo kinh nghiệm quốc tế theo từng chuyên đề đưa vào các chương trình tài liệu bồi dưỡng của KTNN; số hóa và xây dựng cơ sở dữ liệu về tài liệu kinh nghiệm quốc tế để khai thác trong toàn ngành./.

THÙY LÊ