Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư Việt Nam - Iran

Đối ngoại - Ngày đăng : 23:04, 09/08/2023

(BKTO) - Sáng 09/8, giờ địa phương, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Cộng hoà Hồi giáo Iran, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã dự và phát biểu tại Diễn đàn chính sách, pháp luật về thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư Việt Nam - Iran.
ct-pb-dien-dan.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: TTXVN

Phát biểu tại Diễn đàn, Chủ tịch Phòng Thương mại, Công nghiệp, Mỏ và Nông nghiệp Iran Hossein Selahvarzi cho rằng, hai nước có nhiều tiềm năng hợp tác kinh tế, thương mại. Thị trường Việt Nam và thị trường Iran có tính bổ sung cho nhau. Chính phủ, Quốc hội hai nước đều ủng hộ hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước.

Tuy nhiên, hợp tác kinh tế, thương mại hiện chưa tương xứng với quan hệ về chính trị, ngoại giao, đòi hỏi hai bên cần có nỗ lực nhiều hơn để tìm ra các giải pháp thúc đẩy hợp tác.

Quốc hội và Chính phủ Iran đều đang có giải pháp để tháo gỡ khó khăn. Iran đang có nhiều chương trình, kế hoạch nhằm thúc đẩy hợp tác với Việt Nam và chắc chắn sẽ xúc tiến thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa 2 nước.

Chủ tịch Ủy ban Công nghiệp và Mỏ Quốc hội Iran Talar Poshti

Phát biểu tại Diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, quan hệ Việt Nam -Iran này càng phát triển tốt đẹp thể hiện qua 3 yếu tố: dành tình cảm và sự tôn trọng lẫn nhau; phát triển nhiều mặt từ chính trị, ngoại giao cho đến kinh tế, thương mại, văn hóa; hai bên cùng hợp tác tích cực, tương hỗ lẫn nhau trên các diễn đàn đa phương.

Nhất trí với nhận định của các đại biểu, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Việt Nam và Iran có nền kinh tế hoàn toàn không cạnh tranh nhau một cách trực tiếp, mà bổ sung, hỗ trợ cho nhau. Việt Nam đánh giá rất cao vị trí vai trò của Iran trong khu vực, đặc biệt là tiềm lực của Iran về khoa học công nghệ, về quy mô nền kinh tế, dân số, về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Hai nước hoàn toàn có thể hợp tác với nhau để đưa quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư tương xứng với quan hệ chính trị, ngoại giao rất tốt đẹp của hai nước.

dien-dan-a4-1691573779346.jpg
Quang cảnh Diễn đàn. Ảnh: TTXVN

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, trước mắt, hai bên cần tháo gỡ các vướng mắc và khó khăn để sớm thực hiện mục tiêu tăng kim ngạch thương mại hai nước trong tương lai gần; tiếp tục hoàn thiện các khung khổ thế chế pháp lý đã có và tiếp tục làm mới để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư hai nước.

Hiện nay, hai bên đã xây dựng được một số khuôn khổ hợp tác quan trọng như: Ủy ban Hỗn hợp kinh tế thương mại với kỳ họp lần thứ 10 sẽ được tổ chức vào quý III năm nay nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc để hai nước vượt qua những khó khăn, sớm đưa kim ngạch thương mại tăng lên.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị, hai bên cần phải đẩy mạnh các nhóm công tác về trao đổi thương mại, thanh toán. Hai nước cũng đã ký được nhiều hiệp định về tránh đánh thuế hai lần, hỗ trợ tư pháp, hải quan, ghi nhớ về hợp tác công nghệ, giáo dục.

Trong khuôn khổ chuyến thăm lần này cũng có nhiều thoả thuận, bản ghi nhớ hợp tác được ký, nhất là thoả thuận hợp tác giữa cơ quan lập pháp hai nước; hợp tác về kiểm dịch động, thực vật; hợp tác trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng sản phẩm; hợp tác về văn hoá, giáo dục.

Chủ tịch Quốc hội tin tưởng, những khó khăn trước mắt và cả những nền tảng lâu dài cho hợp tác của doanh nghiệp hai nước sẽ được giải quyết từng bước một cách hiệu quả, góp phần đẩy nhanh sự phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp vào thành tựu chung của cả hai nước.

“Quốc hội hai nước sẽ cùng nhau hợp tác để thúc đẩy và giám sát Chính phủ trong việc hoàn thiện và thực thi các hiệp định đã được ký kết cũng như sẽ được ký kết trong thời gian tới để tăng cường hơn nữa quan hệ song phương trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Đ. KHOA