Thủ tướng yêu cầu xử lý dứt điểm FID và triển khai Dự án khí Lô B đúng tiến độ

Kinh tế - Ngày đăng : 17:00, 10/08/2023

(BKTO) - Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về tiến độ triển khai Chuỗi dự án khí Lô B.
lo-b-2-.jpg
Chuỗi dự án khí Lô B - Ô Môn. Ảnh minh họa

Cần xử lý dứt điểm những khó khăn để có quyết định đầu tư cuối cùng

Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo Bộ Công Thương, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và các cơ quan liên quan xử lý dứt điểm để có quyết định đầu tư cuối cùng (FID) và triển khai Dự án khí Lô B đúng kế hoạch, tiến độ, bảo đảm hài hòa lợi ích các bên.

Đồng thời, giao Bộ trưởng Bộ Công Thương, Chủ tịch HĐTV và Tổng Giám đốc PVN khẩn trương chỉ đạo, thực hiện đàm phán dứt điểm để có FID, không để chậm trễ, kéo dài gây phát sinh khó khăn, phức tạp.

Dự án khí Lô B là Chuỗi dự án khí - điện có quy mô lớn tại Việt Nam với sản lượng khai thác khí dự kiến khoảng 5,06 tỷ m3/năm trong giai đoạn ổn định cho khoảng 20 năm.

Dự án sẽ đóng vai trò chiến lược cung cấp nguồn năng lượng quan trọng để phát triển kinh tế xã hội cho khu vực miền Tây Nam bộ, đồng thời mang về nguồn thu lớn và ổn định cho Chính phủ cũng như các nhà đầu tư Việt Nam.

Hiện tại, về tình hình gói thầu EPCI, gói thầu quan trọng nhất của dự án thượng nguồn, nhà thầu EPCI đang gặp nhiều khó khăn do chậm trễ trao thầu.

Nếu không trao thầu trước ngày 01/8/2023 thì nhà thầu không thể thực hiện cam kết trong bản chào thầu, không đảm bảo tiến độ First Gas vào cuối năm 2026 cũng như ảnh hưởng đến giá trị gói thầu và khả năng triển khai dự án.

Về tình hình đàm phán Hợp đồng mua bán khí (GSPA), trong thời gian vừa qua, các Bên bán khí (là phía Chủ mỏ, gồm: PVN/PVEP/MOECO/PTTEP) và Bên mua khí (PVN) đã có nhiều buổi làm việc về Hợp đồng GSPA tại Tokyo, Bangkok và Hà Nội.

Tuy nhiên, các bên đã không đạt được thống nhất về điều kiện FID của các đối tác nước ngoài, cụ thể là tại thời điểm FID phải có cam kết tiêu thụ khí của ít nhất 3 nhà máy điện kèm theo thời điểm nhận khí của các nhà máy này.

Theo PVN, Tập đoàn chỉ có thể ký kết Hợp đồng GSPA mang tính ràng buộc sau khi đã đàm phán xong các Hợp đồng mua khí (GSAs) với các nhà máy điện. Vì vậy, PVN yêu cầu Hợp đồng GSPA để mở khả năng “đàm phán lại” nếu khác biệt so với GSAs.

Tuy nhiên, theo MOECO, nhà đầu tư thượng nguồn, không thể đầu tư xây dựng công trình khai thác ngoài khơi khi chưa có cam kết tiêu thụ khí. Theo nhà thầu này, việc cam kết tiêu thụ khí là điều kiện bắt buộc trước khi trao thầu hợp đồng EPCI và không thể thực hiện FID dự án với một hợp đồng GSPA “không ràng buộc”. Nếu vấn đề cam kết tiêu thụ khí vẫn không được giải quyết, dự án không thể đưa ra quyết định FID và trao thầu EPCI.

Tại báo cáo cập nhật mới nhất về chuỗi dự án Lô B - Ô Môn, SSI Research đã đưa ra nhận định: Quyết định FID của chuỗi dự án khí, điện Lô B - Ô Môn có thể chỉ được phê duyệt trong nửa cuối năm nay thay vì tháng 6/2023. Dự kiến, các doanh nghiệp dầu khí liên quan đến xây dựng và khai thác các dự án thương nguồn và trung nguồn sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ chuỗi Dự án này.

Vì Lô B - Ô Môn là đại dự án kết hợp các mỏ khí thượng nguồn, đường ống vận chuyển trung nguồn và các nhà máy điện hạ nguồn, do đó phải có hợp đồng GSPA, thoả thuận vận chuyển khí (GTA), hợp đồng GSAs cũng như hợp đồng bán điện cho lưới điện. Để FID được phê duyệt, tất cả các thành phần này cần được các bên liên quan thực hiện đồng thời.

Một số vấn đề lớn cần lưu ý

Theo SSI Research, tiến độ thực hiện chuỗi dự án Lô B - Ô Môn đang đối mặt với một số vấn đề.

Thứ nhất là vấn đề về gia hạn Hợp đồng chia sản phẩm (PSC). Hiện tại, do tiến độ của dự án chậm vài năm nên PSC đã ký trước đó có khả năng sẽ hết hạn trước vòng đời dự án (23 năm). Do đó việc gia hạn thời hạn hợp đồng đến năm 2049 (23 năm kể từ năm 2026 cho dòng khí đầu tiên) cần được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đây sẽ là cơ sở pháp lý để các bên tham gia dự án cam kết về việc cung cấp khí cho vòng đời dự án. Điều quan trọng là phải đảm bảo tính khả thi về tài chính cho tất cả các hợp phần của dự án, do đó sẽ phải được thực hiện trước khi có FID.

Thứ hai, vấn đề về đàm phán, ký kết GSPA, GSAs và GAT, giá bán khí tại miệng giếng và giá vận chuyển đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và thống nhất giữa các bên, nhưng sản lượng khí và điện mua của Nhà máy điện Ô Môn và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chưa được thống nhất (thông qua GSA với PVN).

Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu cần phải thực hiện trước FID vì việc thống nhất sản lượng và giá bán hàng năm có ý nghĩa quyết định đến tài chính và nguồn vốn của dự án. Để EVN thống nhất được lượng khí và điện mua hàng năm cho đến khi kết thúc dự án, Chính phủ cần phê duyệt cơ chế đặc thù để EVN bán điện cho lưới điện mà không cần quá quan tâm đến lợi nhuận.

Vì giá điện cuối cùng từ các nhà máy điện Lô B - Ô Môn sẽ cao hơn đáng kể so với các nguồn khác và có thể không được sử dụng hết trong khung pháp lý hiện hành. Mới đây, Bộ Công Thương đã cho phép tất cả các nhà máy điện Ô Môn được gián tiếp tham gia thị trường điện cạnh tranh (CGM) theo Thông tư 45/2018/TT-BTC của Bộ Công Thương.

Thứ ba, vấn đề đảm bảo nguồn vốn cho Nhà máy điện Ô Môn III và IV. Nhà máy điện Ô Môn III đã được UBND tỉnh Cần Thơ quyết định đầu tư, do EVN làm chủ đầu tư vào cuối năm 2022. Tuy nhiên, EVN gặp khó khăn trong việc sử dụng vốn ODA cho dự án do vướng mắc về mặt kỹ thuật.

Nếu không có nguồn vốn ODA, EVN sẽ phải sử dụng nguồn vốn thương mại với chi phí cao hơn trong khi nguồn tài chính của EVN bị ảnh hưởng lớn do khoản lỗ lớn từ việc bán điện. Do vấn đề về vốn, EVN chưa thể hoàn tất thủ tục đầu tư cho nhà máy Ô Môn III và IV, vốn rất quan trọng để đạt được FID.

Cuối cùng, vấn đề về các gói thầu EPC, các gói thầu này được xây dựng trong năm 2017 và có thể cần điều chỉnh theo lạm phát trước khi mở thầu. Các diễn biến gần đây cho thấy tất cả các bên đang nỗ lực đẩy nhanh Dự án trong bối cảnh căng thẳng nguồn cung điện như hiện nay và mục tiêu giảm phát thải khí carbon theo Quy hoạch Điện VIII./.

QUỲNH ANH