Giai đoạn cuối năm, những yếu tố nào chi phối tỷ giá?
Ngân hàng - Tín dụng - Ngày đăng : 10:17, 12/08/2023
Có một số yếu tố có thể gây sức ép lên tỷ giá trong nửa cuối năm 2023. Ảnh: TL |
Nửa đầu năm ổn định
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá USD tháng 7/2023 tăng 0,53% so với tháng trước; giảm 1,71% so với tháng 12/2022; tăng 1,04% so với cùng kỳ năm trước. Diễn biến trên cho thấy tỷ giá vẫn đang ở trạng thái khá ổn định, trong đó, một trong những yếu tố đảm bảo sự ổn định cho tỷ giá là cán cân thương mại hàng hóa vẫn đang ở trạng thái thặng dư. Tháng 7/2023 ước tính xuất siêu 2,15 tỷ USD. Tính chung 7 tháng năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 15,23 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 1,34 tỷ USD).
Đánh giá về hoạt động điều hành tỷ giá thời gian qua, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biết, NHNN tiếp tục điều hành tỷ giá linh hoạt, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với các công cụ chính sách khác cũng như các biện pháp quản lý ngoại hối nhằm ổn định thị trường ngoại tệ, củng cố vị thế VND, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Theo ông Tú, NHNN vẫn đang triển khai các giải pháp quản lý thị trường nhằm hạn chế các hành vi vi phạm trong hoạt động thanh toán, chuyển tiền ra nước ngoài; thực hiện quản lý các giao dịch vãng lai... Hoạt động trên thị trường ngoại tệ về cơ bản diễn ra thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được các tổ chức tín dụng đáp ứng.
Vừa qua, một số văn bản mới vừa được ban hành cũng kỳ vọng hỗ trợ quản lý dòng ngoại tệ tốt hơn. Trong đó, Thông tư 08/2023/TT-NHNN quy định về điều kiện vay nước ngoài không được bảo lãnh, có hiệu lực từ ngày 15/8/2023. Thông tư này quy định, bên đi vay nước ngoài dưới hình thức nhập khẩu hàng hóa trả chậm chịu trách nhiệm tuân thủ quy định hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với việc vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp, các quy định của pháp luật về thương mại, quản lý ngoại thương và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Ngoài ra, một văn bản mới nữa có thể kiểm soát các dòng ngoại tệ “ngầm” là Thông tư 09/2023-TT-NHNN về phòng chống rửa tiền. Thông tư này quy định về tiêu chí, phương pháp đánh giá rủi ro về rửa tiền của đối tượng báo cáo; quy trình quản lý rủi ro về rửa tiền và phân loại khách hàng theo mức độ rủi ro về rửa tiền. Thông tư 09 có quy định về chế độ báo cáo giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo, chế độ báo cáo giao dịch đáng ngờ, giao dịch chuyển tiền điện tử, chế độ báo cáo giao dịch chuyển tiền điện tử, hình thức và thời hạn báo cáo dữ liệu điện tử…
Vẫn có những tín hiệu cảnh báo
Mặc dù tính chung cho giai đoạn 7 tháng năm 2023 thì diễn biến tỷ giá là khả ổn định, nhưng một vài ngày gần đây, tỷ giá có thời điểm nhúc nhích tăng. Theo quan sát của Công ty chứng khoán VNDirect, áp lực tỷ giá gia tăng vào đầu tháng 8. Cụ thể, tỷ giá USD/VND liên ngân hàng giao dịch ở mức 23,761 tại ngày 03/8/2023 (tăng gần 0,8% so với thời điểm cuối tháng 6). Tính từ đầu năm 2023, tỷ giá USD/VND đã tăng khoảng 0,5%.
Các chuyên gia phân tích thuộc công ty chứng khoán này cho rằng, có một số yếu tố có thể gây sức ép lên tỷ giá trong nửa cuối năm 2023. Một trong các yếu tố có thể thấy là chênh lệch lãi suất giữa VND và USD tiếp tục thu hẹp do lãi suất điều hành của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) có thể duy trì ở vùng đỉnh đến cuối năm 2023 để kiềm chế lạm phát. Yếu tố thứ hai là lạm phát trong nước có thể tăng từ cuối quý III/2023 và yếu tố thứ ba là các thỏa thuận bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài dự kiến thực hiện trong nửa cuối năm 2023 sẽ làm tăng nguồn cung ngoại tệ.
“Nhìn chung, chúng tôi cho rằng tỷ giá có thể biến động mạnh hơn trong nửa sau năm 2023, tuy nhiên, tỷ giá USD/VND sẽ dao động không quá +/- 2,% so với đầu năm 2023” - chuyên gia phân tích thuộc VNDirect đưa nhận định.
Trong khi đó, lãi suất trong nước đang diễn ra theo xu hướng tiếp tục giảm. Lãi suất huy động bình quân kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại đã giảm về mức 6,4% vào cuối tháng 7/2023, tương ứng với mức giảm khoảng 0,2% so với cuối tháng 6 và giảm khoảng 1,43% so với cuối năm 2022. Ở kỳ hạn 3 tháng, lãi suất huy động bình quân của các ngân hàng thương mại cũng lùi về mức 4,24%. VNDirect đưa ra dự bán lãi suất tiền gửi bình quân kỳ hạn 12 tháng giảm xuống mức 6 - 6,2%/năm trong năm nay do 3 nguyên nhân.
Thứ nhất là tác động từ 4 đợt giảm lãi suất điều hành của NHNN, thứ hai là tăng trưởng tín dụng chậm chạp trong thời gian qua giúp giảm bớt áp lực huy động vốn. Một nguyên nhân nữa là Chính phủ sẽ đẩy mạnh hơn nữa đầu tư công và các chính sách tài khóa, từ đó bơm thêm tiền vào nền kinh tế. Với xu hướng lãi suất trong nước vẫn giảm và lãi suất trên thị trường quốc tế nếu vẫn tiếp tục tăng hoặc neo ở mức cao, chênh lệch lãi suất giữa đồng USD và đồng VND có thể sẽ vẫn tiếp tục thu hẹp hơn.
Kỳ vọng lãi suất cho vay giảm rõ rệt hơn VNDirect dự báo, lãi suất cho vay có thể giảm mạnh hơn trong những tháng tới do chi phí vốn của các ngân hàng thương mại đang giảm nhờ tác động từ các đợt cắt giảm lãi suất điều hành của NHNN trong nửa đầu năm 2023. Ngoài ra, NHNN ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN cho phép giãn trích lập dự phòng nợ xấu cũng phần nào có tác động làm mặt bằng lãi suất cho vay có thể giảm thêm. (Theo Thời báo Tài chính Việt Nam) |