Thúc đẩy đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp: Hoàn thiện thể chế, chính sách là yêu cầu cấp bách!

Đầu tư - Ngày đăng : 09:05, 06/08/2018

(BKTO) - Ngày 30/7, tại tỉnh Lâm Đồng, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì “Hội nghị toàn quốc Thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp” nhằm lắng nghe những vướng mắc, khó khăn, những bất cập về chính sách để tháo gỡ trong thời gian tới.


Nông nghiệp có bước tiến vượt bậc
Thực tiễn 30 năm đổi mới cho thấy, Việt Nam từ một nước nông nghiệp lạc hậu, phải nhập khẩu lương thực đã chuyển sang một nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa, không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước mà còn trở thành quốc gia xuất khẩu nông sản thuộc nhóm hàng đầu trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp thời gian qua vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của quốc gia và chưa thực sự bền vững, hiệu quả.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng đã nhấn mạnh 5 vai trò của các DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp Việt Nam những năm qua. Cụ thể, các DN nông nghiệp đã và đang tạo thêm việc làm, cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho người nông dân, người lao động; tích cực chuyển đổi mô hình sản xuất, ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ; thực hiện đầu tư, nâng cao giá trị hiệu quả sử dụng đất; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu sản xuất trong nông nghiệp, là yếu tố then chốt gia tăng liên kết chuỗi giá trị nông nghiệp; có vai trò trọng yếu trong xuất khẩu nông sản, tạo dựng thương hiệu Việt trên thị trường quốc tế và đóng góp lớn cho NSNN.
Thực tế hiện nay, Việt Nam đã trở thành một nước xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới với 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Các mặt hàng như: cá basa, cá ngừ, tôm, cà phê, hạt điều… đã có vị thế khá vững chắc trên thị trường, chiếm ưu thế và trở thành thực phẩm rất quen thuộc với người tiêu dùng các nước trên thế giới.
Tính đến nay, cả nước có khoảng hơn 49.600 DN đầu tư vào nông nghiệp, chiếm 8% tổng số DN đang hoạt động trên cả nước. Nông nghiệp hiện là lĩnh vực đứng thứ 11 trong số 19 ngành kinh tế thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Số lao động đang làm việc tại các DN nông nghiệp trên cả nước chiếm khoảng 32% tổng số lao động trong toàn bộ khu vực DN với mức thu nhập bình quân hiện nay khoảng hơn 5 triệu đồng/người/tháng.
Trước những thành tựu của khoa học và công nghệ (KH&CN) hỗ trợ đắc lực cho phát triển nông nghiệp thế giới, Việt Nam cũng luôn coi KH&CN là giải pháp then chốt tạo đột phá về năng suất, chất lượng hàng nông sản và năng suất, hiệu quả lao động trong nông nghiệp. Những điểm nhấn quan trọng là đến năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã quy hoạch 22 khu nông nghiệp công nghệ cao; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã công nhận 35 DN nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các địa phương công nhận 3 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Nhưng còn nhiều vấn đề cần giải quyết
Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, số lượng DN đầu tư vào nông nghiệp còn rất hạn chế và hiệu quả hoạt động của nhiều DN chưa cao, chứa đựng bên trong đó là cả những nguyên nhân chủ quan và khách quan. Theo đó, tại Hội nghị, lãnh đạo các Bộ, ngành đã thẳng thắn chỉ ra những vấn đề cần giải quyết để thúc đẩy đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có những vấn đề nổi cộm như: số lượng DN và cơ cấu DN đầu tư vào nông nghiệp, hình thức tổ chức sản xuất, nguồn vốn, hiệu quả sản xuất kinh doanh...
Đại diện của các DN, Hiệp hội cũng mạnh dạn chia sẻ nhiều khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ, nhất là trong việc tiếp cận đất đai, tín dụng; thuế và phí chưa hợp lý; công nghiệp cơ khí hỗ trợ cho nông nghiệp còn nhiều hạn chế; khó khăn về giống cây trồng, vật nuôi; thị trường tiêu thụ không bền vững; chuỗi liên kết với các nhà phân phối bán lẻ lớn còn chưa chặt chẽ; còn nhiều rào cản đối với việc công nhận và đưa ra thị trường các sản phẩm công nghệ ứng dụng trong nông nghiệp; hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp chưa phát triển làm tăng chi phí vận chuyển, bảo quản hàng nông sản.
Cùng với đó, các DN cũng cho biết, hiện vẫn chưa có tổ chức, cơ quan hỗ trợ DN về phân tích, dự báo thị trường, khuyến nghị về sản lượng và giá bán; nhiều thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh trong nông nghiệp còn bất hợp lý, chính sách hỗ trợ cho DN phát triển chưa được thực thi một cách nghiêm túc ở một số địa phương; vấn đề chồng chéo trong quản lý, kiểm tra chuyên ngành vẫn chưa được giải quyết triệt để và những ưu đãi về đầu tư công nghệ trong nông nghiệp chưa đủ mạnh...
Lắng nghe các ý kiến tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, việc hoàn thiện thể chế, chính sách để thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp là yêu cầu cấp bách khi mà nông nghiệp Việt Nam còn dư địa phát triển rất lớn. Ngay sau Hội nghị này, Bộ KH&ĐT sẽ xây dựng, hoàn thiện Chỉ thị về thúc đẩy đầu tư vào nông nghiệp để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Nhấn mạnh nông nghiệp Việt Nam còn nhiều tiềm năng và cơ hội có thể khai thác, nhất là trong Cách mạng công nghiệp 4.0, Thủ tướng đề nghị, Chính phủ và cộng đồng DN cần chung sức để đưa Việt Nam vươn lên vị trí hàng đầu thế giới về nông sản. “Tại Hội nghị này, tôi đặt hàng cho ngành nông nghiệp trong 10 năm tới phải đứng vào Top 15 nước có nền nông nghiệp phát triển nhất thế giới, trong đó, lĩnh vực chế biến nông sản đứng vào Top 10 thế giới. Nông nghiệp Việt Nam phải là một trung tâm chế biến sâu của nông nghiệp thế giới, là một trung tâm logistics của thương mại nông sản toàn cầu”.
Hiện thực hóa tầm nhìn trên, Thủ tướng cho rằng, cốt lõi của sự phát triển chính là các DN đầu tư trong ngành nông nghiệp. Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt các chính sách, đặc biệt là Nghị định số 57/2018/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn vừa ban hành tháng 4/2018.

QUỲNH ANH
Theo Báo Kiểm toán số 31 ra ngày 02/8/2018