Triển lãm thương mại điện tử xuyên biên giới

Kinh tế - Ngày đăng : 09:15, 14/08/2023

(BKTO) - Triển lãm thương mại điện tử xuyên biên giới lần đầu tiên vừa được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh, doanh nghiệp (DN) nhất là các DN nhỏ và vừa nắm bắt cơ hội gia tăng xuất nhập khẩu, mở rộng thị trường tiêu thụ, tạo ra nguồn thu lớn.
cac-chuyen-gia-cho-rang-can-hoan-thien-dong-bo-hanh-lang-phap-ly-ve-tmdt-anh-(1).jpg
Tọa đàm "Cải cách hải quan, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới". Ảnh: Nguồn tphcm.chinhphu.vn

Trong khuôn khổ Triển lãm thương mại điện tử xuyên biên giới đã diễn ra Tọa đàm với chủ đề "Cải cách hải quan, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới".

Thương mại điện tử đang là một trong những lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, tạo động lực phát triển kinh tế và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Năm 2022, theo điều tra, khảo sát của Bộ Công Thương, doanh thu thương mại điện tử bán lẻ tại Việt Nam ước tính cả năm tăng trưởng 20% so với năm trước, đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% doanh thu bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng cả nước. Số lượng người tiêu dùng tham gia mua sắm trực tuyến là trên 54,6 triệu người, giá trị mua sắm trực tuyến của một người đạt gần 270 USD/năm.

6 tháng đầu năm 2023, doanh số thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam đạt 10,3 tỷ USD, tăng khoảng 25% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 7,7% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước. Dự báo trong giai đoạn 2022 - 2025, kinh tế Internet Việt Nam sẽ có tốc độ tăng trưởng dẫn đầu khu vực đạt khoảng 31%/năm.

Theo các chuyên gia, thương mại điện tử xuyên biên giới đem lại nhiều cơ hội và thách thức cho các DN Việt Nam như: các vấn đề liên quan pháp lý, quản lý vận chuyển, chính sách và thủ tục hải quan, thuế và chính sách thương mại quốc tế. DN cần có kiến thức và hiểu biết sâu về các quy định, quy trình thương mại quốc tế để đảm bảo tuân thủ đúng và tận dụng tối đa cơ hội kinh doanh.

Mặc dù Việt Nam chưa có quy định riêng về quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử, chưa có đủ cơ sở thống kê đầy đủ lượng hàng hóa này, nhưng qua công tác quản lý hải quan cho thấy số lượng giao dịch thương mại điện tử phát triển nhanh, nhất là hàng giao dịch điện tử gửi qua dịch vụ bưu chính, dịch vụ chuyển phát nhanh.

Việt Nam đang phát triển nhanh chóng và nhanh nhất Đông Nam Á. Để phát triển hơn nữa về phát triển thương mại điện tử các đại biểu đề xuất, cần cải thiện tốc độ giao hàng logistics; khuyến khích phát triển các nền tảng thương mại điện tử; đẩy nhanh xây dựng các mô hình thương mại điện tử mới, tích cực đào tạo nhân lực.

Cùng sự phát triển tích cực của thương mại điện tử, tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ được rao bán tràn lan trên các sàn thương mại điện tử, các trang mạng xã hội là vấn đề nhức nhối của xã hội, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng, môi trường đầu tư kinh doanh, gây thất thu ngân sách, có thể rất đơn giản khi tìm kiếm mua những mặt hàng này trên các sàn thương mại điện tử.

Chính sách và hành lang pháp lý hiện vẫn còn sơ sài, chưa chặt chẽ; chưa điều chỉnh, hoàn thiện kịp thời; chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế trong quản lý thương mại điện tử.

Dự báo thời gian tới việc ứng dụng khoa học, công nghệ thông tin, thương mại điện tử trong kinh doanh là xu hướng tất yếu và ngày càng phát triển phong phú, đa dạng, các đối tượng sẽ lợi dụng các nền tảng, ứng dụng thực hiện hành vi buôn lậu, gian lận thương mại với phương thức, thủ đoạn mới, ngày càng phức tạp, tinh vi.

Sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử trong nền kinh tế số dẫn đến sự ra đời của nhiều mô hình, phương thức kinh doanh mới (như tiền kỹ thuật số, mô hình kinh doanh ứng dụng blockchain, trí tuệ nhân tạo AI) đang đặt ra những thách thức không nhỏ về tính thích ứng của hành lang pháp lý.

Thương mại điện tử là lĩnh vực có sự giao thoa của nhiều hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cũng như chức năng quản lý ngành của nhiều đơn vị quản lý nhà nước, bao gồm: Các quy định về quản lý thị trường, quản lý doanh nghiệp, quản lý thuế, quản lý hải quan, quản lý an toàn an ninh mạng. Hệ thống pháp luật làm nền tảng cho các giao dịch thương mại, các quy định về giao dịch điện tử. Chính vì vậy, hệ thống pháp luật về thương mại điện tử không những phải theo kịp sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử mà còn phải đảm bảo tính đồng bộ và nhất quán, tạo môi trường thông thoáng cho doanh nghiệp và người dân ứng dụng thương mại điện tử hiệu quả, bền vững.

Để thực hiện hiệu quả thương mại điện tử, cần những giải pháp đồng bộ từ cơ quan chức năng và doanh nghiệp. Các cơ quan chức năng, triển khai hiệu quả Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 23/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Đề án Chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025. Doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về thương mại điện tử./.

TRẦN HUYỀN