VAMC hướng tới mục tiêu “cầm trịch” thị trường mua bán nợ xấu
Ngân hàng - Tín dụng - Ngày đăng : 09:35, 06/08/2018
(BKTO) - Với mô hình chưa có tiền lệ về xử lý nợ xấu và không được sử dụng NSNN, trong quá trình hoạt động, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (TCTD) Việt Nam (VAMC) đã gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, sau 5 năm hoạt động, VAMC đã thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ xử lý nợ xấu do Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giao, góp phần quan trọng trong việc đưa nợ xấu toàn ngành về mức dưới 3%.
Hơn 310.000 tỷ đồng nợ xấu được xử lý qua VAMC
VAMC ra đời vào tháng 7/2013, trong bối cảnh nợ xấu ngân hàng được ví như “cục máu đông” gây tắc nghẽn hệ thống, công tác xử lý nợ xấu được Chính phủ, ngành ngân hàng đặt ra như một nhiệm vụ cấp bách hàng đầu nhằm mục tiêu kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới 3%. Đây là một DN đặc thù có nhiệm vụ xử lý nợ xấu tập trung, hỗ trợ các TCTD trong việc xử lý nợ xấu thông qua cơ chế phân bổ chi phí xử lý nợ xấu, bảo đảm nguyên tắc không sử dụng trực tiếp NSNN cho việc xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD.
Sau 5 năm đi vào hoạt động, những vướng mắc về pháp lý trong công tác xử lý nợ xấu nói chung và hoạt động của VAMC nói riêng đã dần được tháo gỡ. Nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý đối với hoạt động xử lý nợ xấu, đẩy nhanh và có hiệu quả quá trình cơ cấu lại các TCTD, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD (Nghị quyết 42). Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1058/QĐ-TTg ngày 19/7/2017 phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020”.
Sau 5 năm thành lập, VAMC đã xử lý được hơn 310.000 tỷ đồng nợ xấu - Ảnh: TTXVN
VAMC cũng đã thực hiện mua nợ theo giá trị thị trường với tổng giá mua nợ đạt hơn 3.100 tỷ đồng. Riêng đối với các khoản nợ mua theo giá thị trường, sau khi mua nợ, Công ty đã triển khai ngay các giải pháp xử lý nợ, hỗ trợ hoàn thiện các thủ tục pháp lý liên quan đến chuyển nhượng dự án... Việc triển khai quyết liệt các giải pháp giúp VAMC thu hồi được cơ bản số tiền mua nợ theo giá thị trường (đạt hơn 2.900 tỷ đồng, tương ứng với hơn 90% tổng giá mua nợ của các khoản nợ đã mua theo giá thị trường năm 2017). Việc xử lý nợ xấu thông qua mua, bán nợ theo giá thị trường giúp cho việc xử lý nợ thực chất, hiệu quả hơn dựa trên nguyên tắc bảo toàn được nguồn vốn và đảm bảo hiệu quả.
Sau khi có Nghị quyết 42, VAMC đã ký thỏa thuận hợp tác và phối hợp chặt chẽ với một số TCTD có dư nợ xấu lớn, áp dụng nhiều giải pháp mạnh như thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý thu hồi nợ...
Chuyển dần sang mua bán nợ xấu theo cơ chế thị trường
Với kết quả đạt được, VAMC đã hoàn thành “sứ mệnh” góp phần đưa nợ xấu của toàn hệ thống về dưới 3%; đồng thời hỗ trợ các TCTD trong việc tái cơ cấu, lành mạnh hóa tài chính, đặc biệt trong việc khơi thông và thúc đẩy mở rộng tín dụng cho nền kinh tế một cách an toàn, hiệu quả.
Ông Nguyễn Tiến Đông - Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC - cho biết, dự kiến trong năm 2018 và các năm sắp tới, VAMC sẽ giảm dần việc mua nợ xấu bằng phát hành trái phiếu đặc biệt, chuyển dần sang hình thức mua đứt bán đoạn theo cơ chế thị trường. Theo đó, VAMC đặt mục tiêu mua nợ xấu lũy kế đến năm 2020 đạt 330.000 tỷ đồng, trong đó, mua nợ xấu theo giá trị thị trường đạt tối thiểu 20.000 tỷ đồng; đối với mua nợ thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt, từ năm 2018, chỉ mua nợ xấu của các TCTD nhằm đảm bảo an toàn, an ninh hệ thống theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Hiện nay, VAMC đang triển khai phần mềm mua bán nợ theo thị trường trên cơ sở bổ sung thông tin, xây dựng các hệ thống dữ liệu về nợ xấu. Khi công khai thông tin về nợ xấu, ai quan tâm có thể vào đó tìm hiểu, giao dịch trên cơ sở thuận mua vừa bán. Đây là cơ sở để hình thành thị trường mua bán nợ xấu trong tương lai cũng như là giải pháp để tận dụng nguồn lực bên ngoài của cả khu vực trong nước lẫn nước ngoài tham gia vào hoạt động mua bán nợ xấu. VAMC đặt mục tiêu sẽ "cầm trịch" đối với thị trường mua bán nợ xấu và là trung tâm mua bán nợ xấu của nền kinh tế, ngành ngân hàng.
Để làm được điều này, cùng với sự vào cuộc hiệu quả của các Bộ, ngành liên quan, VAMC kiến nghị NHNN cấp bổ sung đủ vốn điều lệ cho Công ty đạt mức 5.000 tỷ đồng đến hết năm 2018 và mức 10.000 tỷ đồng đến hết năm 2020 theo Đề án Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm đảm bảo có đủ nguồn lực tài chính cần thiết xử lý nhanh, hiệu quả nợ xấu.
Đ. KHOA
Theo Báo Kiểm toán số 31 ra ngày 02/8/2018