Đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước: Những phát hiện từ Kiểm toán nhà nước
Kiểm toán - Ngày đăng : 09:15, 15/08/2023
Bài 1: Những phát hiện, cảnh báo quan trọng từ kết quả kiểm toán
Năm 2022, qua kiểm toán Báo cáo tài chính năm 2021 và các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn nhà nước của các tập đoàn (TĐ), tổng công ty (TCT) và công ty, KTNN đã phát hiện hàng loạt những bất cập, sai sót và đưa ra kiến nghị xử lý tài chính hàng nghìn tỷ đồng sau kiểm toán...
Kiến nghị điều chỉnh hàng nghìn tỷ đồng sau kiểm toán
Theo kết quả kiểm toán, điểm sáng được ghi nhận trong “bức tranh” tổng thể kiểm toán Báo cáo tài chính năm 2021 và các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn nhà nước của 219 đơn vị thuộc 20 TĐ, TCT và công ty là 19/20 TĐ, TCT, công ty sản xuất kinh doanh có lãi.
Tuy nhiên, trong “bức tranh” chi tiết, kết quả kiểm toán chỉ rõ, việc quản lý sử dụng vốn, tài sản của các doanh nghiệp (DN) còn nhiều hạn chế.
Phần lớn các đơn vị còn sai sót trong việc hạch toán kế toán, kê khai nghĩa vụ với ngân sách nhà nước (NSNN) nên qua kiểm toán phải điều chỉnh tổng tài sản/tổng nguồn vốn của các TĐ, TCT, công ty tăng 2.216,31 tỷ đồng, giảm 0,036 tỷ đồng; điều chỉnh tổng doanh thu, thu nhập tăng 1.297,54 tỷ đồng; tổng chi phí tăng 41,83 tỷ đồng, giảm 1.121,61 tỷ đồng.
Đặc biệt, KTNN đã kiến nghị các TĐ, TCT, công ty phải tăng thu NSNN 1.411,12 tỷ đồng, giảm thuế Giá trị gia tăng được khấu trừ 8,78 tỷ đồng.
Để dẫn đến những bất cập trên, KTNN nêu rõ, một số đơn vị của TCT Thuốc lá (Vinataba), TCT Lương thực miền Bắc (Vinafood1), TCT Hàng hải Việt Nam (VIMC), TĐ Điện lực (EVN) chưa xây dựng quy chế quản lý tiền.
Đáng chú ý là tình trạng chưa tuân thủ định mức tồn quỹ tiền mặt/tiền gửi ngân hàng, quản lý dòng tiền chưa hiệu quả. Xin được dẫn thông tin KTNN phát hiện: Công ty mẹ - TCT Văn hóa Sài Gòn (SCPC) có số dư 10 tỷ đồng (tại thời điểm ngày 31/12/2021) gửi ngân hàng kỳ hạn 6 tháng đến 1 năm với lãi suất từ 5,5% đến 6%/năm, nhưng lại phải đi vay ngắn hạn 53,96 tỷ đồng với lãi suất từ 7% đến 8%/năm để bù đắp thiếu hụt vốn lưu động.
Tại 2 đơn vị của VIMC chưa lập kế hoạch dòng tiền hằng tháng; số dư tiền gửi và tiền mặt một số thời điểm cũng vượt hạn mức quy định. 18 đơn vị của TCT Bưu điện (VNPost) trên cả nước có tình trạng vượt hạn mức lưu quỹ.
Thậm chí, tại Công ty mẹ - EVN cũng chưa có quy định về hạn mức số dư tiền gửi nhằm linh hoạt chuyển tiền gửi không kỳ hạn thành tiền gửi có kỳ hạn.
Việc cân đối dòng tiền năm và hằng tháng tại một số đơn vị của EVN chưa cân đối giữa nguồn tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn, có thời gian còn duy trì một lượng tiền gửi không kỳ hạn, ít giao dịch nhưng chưa cân đối để gửi có kỳ hạn hoặc một số hợp đồng tiền gửi với kỳ hạn ngắn hơn thời gian ổn định của số dư tiền gửi trong năm.
Nhiều bất cập trong quản lý nợ, trích lập dự phòng
Cùng với những bất cập nêu trên là tình trạng quản lý nợ chưa chặt chẽ, còn để phát sinh nợ phải thu quá hạn, nợ khó đòi lớn, nợ tạm ứng tồn đọng nhiều năm chưa được thu hồi… cũng diễn ra tại nhiều DN.
Theo kết quả kiểm toán, tại VIMC, nợ phải thu quá hạn lên tới 268,76 tỷ đồng, tại Công ty Cổ phần (CP) Cảng Sài Gòn 164,04 tỷ đồng, tại Công ty CP Vận tải Biển Việt Nam 111,10 tỷ đồng.
Nhiều DN khác cũng có số nợ phải thu quá hạn lên tới vài chục tỷ đồng, như: Công ty CP Cảng Hải Phòng 38,36 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV Vận tải Biển Đông 27,02 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV Quản lý kinh doanh Nhà TP. Hồ Chí Minh 67,29 tỷ đồng, Công ty mẹ - Vinafor 86,78 tỷ đồng, Công ty mẹ - SCPC 42,3 tỷ đồng.
Số nợ khó đòi tại Công ty mẹ - Vinafood1 được xác định lên tới 2.537,98 tỷ đồng và tại nhiều TĐ, TCT, số nợ khó đòi cũng lên tới hàng trăm tỷ đồng, như: Công ty mẹ - Satra 430,71 tỷ đồng, TĐ Than - Khoáng sản (TKV) 279,15 tỷ đồng.
Một số đơn vị phải trích lập dự phòng phải thu khó đòi rất lớn như: TĐ Bưu chính Viễn thông (VNPT) phải trích lập dự phòng 509,12 tỷ đồng; EVN phải trích lập dự phòng 367,86 tỷ đồng…
Nhiều DN bán hàng, đặt cọc cho nhà cung cấp không có bảo lãnh, tài sản đảm bảo hoặc vượt giá trị tài sản thế chấp, bảo lãnh hoặc ký hợp đồng với khách hàng chưa chặt chẽ; trích lập dự phòng thừa hoặc thiếu nợ phải thu khó đòi, xóa nợ không đúng quy định (cụ thể là VIMC xóa khoản nợ chưa đủ điều kiện xác định là khoản nợ không có khả năng thu hồi 23,3 tỷ đồng).
Theo KTNN, còn có tình trạng vật tư tồn kho lâu ngày, chậm luân chuyển; chưa đánh giá giá trị vật tư thu hồi sau sửa chữa tài sản; chưa kiểm kê đầy đủ vật tư, hàng hóa (như Satra chưa kiểm kê mặt hàng mỡ cá, giá trị trên sổ kế toán là 580,53 tỷ đồng).
Việc trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho cũng chưa đúng quy định, có DN trích thừa, nhưng có DN lại trích thiếu hàng tỷ đồng. Một số DN khấu hao tài sản cố định không đúng quy định, tiêu biểu trong đó là EVN trích thừa 388,96 tỷ đồng.
Một số DN sử dụng tài sản cố định chưa hiệu quả. Thực tế kiểm toán cho thấy tại TCT Khoáng sản - TKV, cụm máy tuyển đa trọng lực không sử dụng, cụm máy tuyển nổi - tuyển tách lưu huỳnh tại Chi nhánh Mỏ tuyền đồng Sin Quyền Lào Cai - Vimico chưa sử dụng cho sản xuất kinh doanh; Công ty Than Hòn Gai có dây chuyền sàng tuyền than bằng công nghệ huyền phù tự sinh chưa sử dụng từ tháng 7/2020; Công ty Chế biến than Quảng Ninh có 3 máy xúc lật hoạt động đạt 78% so với định mức kế hoạch, thiết bị sàng 350 T/giờ, đạt 37%.
Tại TCT VIMC, Dự án Cảng nội địa Lào Cai bắt đầu thực hiện từ quý I/2009 và phát sinh doanh thu từ năm 2010. Tuy nhiên, từ năm 2017 đến năm 2021, hiệu quả Dự án bị giảm sút mạnh và hoạt động sản xuất kinh doanh liên tục thua lỗ (năm 2017 lỗ 5,21 tỷ đồng; năm 2018 lỗ 6,10 tỷ đồng, năm 2019 lỗ 6,26 tỷ đồng).
Kết quả kiểm toán cũng gióng lên hồi chuông đáng báo động khi một số DN có dấu hiệu mất an toàn về tài chính (trong đó có 3 DN thuộc TCT Xi măng - Vicem và 6 DN thuộc Vinafood1) hoặc bị đưa vào diện giám sát tài chính đặc biệt (1 DN thuộc EVN) theo quy định tại Nghị định số 87/2015/NĐ-CP của Chính phủ.
Thêm một vấn đề được KTNN chỉ ra là EVN đã ban hành Quyết định giao vốn điều lệ cho 6 TCT khi chưa được cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước phê duyệt chủ trương.
Trao đổi với Báo Kiểm toán, đại diện Bộ Tài chính cho biết, Bộ đã tiếp nhận thông tin do KTNN cung cấp liên quan đến kết luận kiến nghị kiểm toán tại các TĐ, TCT.
Trong đó có một số đơn vị phát sinh số kiến nghị tăng thu NSNN về thuế phí, các khoản liên quan đến thuế phí, tăng thu khác và giảm trừ thuế Giá trị gia tăng lớn như: Tổng kiến nghị tăng thu NSNN của EVN là 506,4 tỷ đồng, TKV là 229,69 tỷ đồng, Vicem là 81 tỷ đồng…
Ngay sau đó, Tổng cục Thuế đã ban hành các công văn phân công, đôn đốc, chỉ đạo Cục Thuế địa phương rà soát, thực hiện các nội dung kiến nghị, đồng thời phối hợp với Kho bạc Nhà nước khẩn trương, nghiêm túc thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giải quyết dứt điểm các kiến nghị KTNN.
Với sự chỉ đạo khẩn trương, kịp thời của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, việc thực hiện kiến nghị của KTNN tại các TĐ, TCT đã đạt được kết quả tích cực.