Bài 2: Chấn chỉnh, phát huy nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước

Kiểm toán - Ngày đăng : 09:16, 15/08/2023

(BKTO) - Các TĐ, TCT đang nắm giữ khoảng 63% tổng vốn chủ sở hữu của DNNN và khoảng 65% tổng tài sản của DNNN trong cả nước. Nếu nguồn lực này được phát huy sẽ mang lại những kết quả rất quan trọng cho nền kinh tế. Tuy nhiên, cùng với việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước còn nhiều sai sót như kết quả kiểm toán đã chỉ ra thì việc cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước chưa đạt kế hoạch, yêu cầu; một số dự án lớn còn vướng mắc, chưa thể “hồi sinh”… đang cản trở bước tiến của nhiều DNNN.
vnf1.jpg
KTNN chỉ ra nhiều sai sót khi kiểm toán tại Vinafood1. Ảnh minh họa

Cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước chưa đạt kế hoạch, yêu cầu

Kết quả kiểm toán Báo cáo tài chính năm 2021 và các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn nhà nước của các TĐ, TCT và công ty cũng cho thấy, một số công trình đã hoàn thành nhiều năm chưa được nghiệm thu, quyết toán; một số dự án dừng, giãn tiến độ, chậm tiến độ, dừng thi công còn tồn đọng chi phí dở dang lớn.

Điểm danh những DN có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cao, KTNN đồng thời nêu con số Vicem Tam Điệp có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu lên tới 8,24 lần, Công ty CP Lương thực Yên Bái 6,22 lần, Công ty CP Lương thực Cao Lạng 5,66 lần, Công ty CP Xuất nhập khẩu Lương thực - TP. Hà Nội 3,91 lần.

Cùng với đó là những DN được KTNN phát hiện có hoạt động cho vay chưa phù hợp quy định với số tiền rất lớn. Trong đó, Công ty CP Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi cho Công ty mẹ - TCT Phát điện 1 vay 799,9 tỷ đồng từ năm 2014-2015.

Ngoài ra, còn những DN chưa được góp đủ vốn điều lệ hoặc có vốn chủ sở hữu lớn hơn vốn điều lệ được phê duyệt nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định.

Thực hiện nhiệm vụ chủ trì theo dõi, giám sát, kiểm tra, đôn đốc triển khai Nghị quyết số 12-NQ/TW, Kế hoạch sơ kết, đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết này được thực hiện ở các đảng đoàn, ban cán sự đảng, tỉnh ủy, thành ủy và các cơ quan liên quan từ tháng 6/2017-6/2023.                                                                                                         

Vấn đề nổi cộm hơn cả được chỉ ra qua kết quả kiểm toán là một số TĐ, TCT, công ty chưa thoái vốn đầu tư theo kế hoạch được duyệt, trong đó Công ty mẹ - Sonadezi chưa thoái vốn tại 3/9 công ty; Vinafood1 chưa hoàn thành giảm tỷ lệ vốn nhà nước tại 6 công ty con và chuyển nhượng 100% vốn nhà nước tại 11 công ty con và công ty liên kết; Vinafor chưa hoàn thành thoái vốn theo tiến độ, phương án được phê duyệt tại 10/13 đơn vị.

Một số DN chưa được phê duyệt quyết toán vốn nhà nước khi chính thức chuyển sang công ty cổ phần; hàng chục người đại diện phần vốn Nhà nước tại DN chưa báo cáo kịp thời và đầy đủ để có các giải pháp khắc phục đối với các công ty hoạt động kinh doanh thua lỗ theo quy định.

Ngoài ra, kết quả kiểm toán quyết toán giá trị phần vốn nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần của TCT Lương thực miền Nam (Vinafood2) cho thấy, một số đơn vị trực thuộc thực hiện đối chiếu, xác nhận công nợ phải thu, phải trả chưa đầy đủ.

Công ty mẹ chưa xác định khoản tiền phạt chậm nộp liên quan đến tiền thu về cổ phần hóa các đơn vị thành viên 17,75 tỷ đồng; chưa nộp số dư Quỹ hỗ trợ sắp xếp DN tại thời điểm ngày 31/12/2017 và xác định lãi chậm nộp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định lãi chậm nộp theo quy định.

Công ty mẹ - TCT xác định kết quả kinh doanh từ thời điểm xác định giá trị DN đến thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần chưa chính xác, qua kiểm toán phải điều chỉnh giảm lợi nhuận sau thuế Thu nhập DN 4,72 tỷ đồng.

Giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển sang công ty cổ phần giảm so với thời điểm xác định giá trị DN, tuy nhiên, Công ty mẹ chưa báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu để phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra, làm rõ nguyên nhân, xác định trách nhiệm tập thể, cá nhân và xử lý theo quy định.

Kết quả kiểm toán xác định tăng giá trị thực tế vốn nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần 32,6 tỷ đồng và kiến nghị tăng thu NSNN 21,92 tỷ đồng.

Trao đổi về vấn đề này với phóng viên, đại diện Bộ Tài chính cho biết, tính đến ngày 25/4/2023, đã có 26 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án cơ cấu lại DN theo Quyết định số 360/QĐ-TTg ngày 17/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ, gồm: TĐ Xăng dầu Việt Nam, TCT Lâm nghiệp Việt Nam và 24 DN thuộc một số địa phương trên cả nước. Các TĐ, TCT, trong đó bao gồm cả các DN thuộc các ngành, lĩnh vực như: Điện, Khoáng sản, Lương thực, đang triển khai xây dựng Đề án cơ cấu lại DN để trình cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét, phê duyệt.

Xử lý các dự án yếu kém, chậm tiến độ - Chặng đường còn dài

Có thể thấy, nổi cộm trong những năm qua là vấn đề xử lý các dự án yếu kém, chậm tiến độ của các DNNN, đáng chú ý nhất là 12 dự án của ngành công thương.

Tuy nhiên, trong vai trò cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của 12 dự án này, ông Nguyễn Hoàng Anh - Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN cập nhật thông tin, đến nay, công tác xử lý đã có nhiều tiến triển quan trọng.

Đối với 5 dự án đã được Bộ Chính trị đồng ý chủ trương giao cho TĐ Dầu khí Việt Nam (PVN) và TĐ Hóa chất Việt Nam (Vinachem), tình hình sản xuất, kinh doanh của các dự án, DN đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Đơn cử như Dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP 1 - Vinachem, từ năm 2017 đến nay sản xuất ổn định, hằng năm có lãi và đã hết lỗ lũy kế từ tháng 01/2022. Dự án sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ cũng đã vận hành sản xuất khai thác tối đa, hiệu quả 27 dây chuyền, doanh thu bù đắp được chi phí biến đổi và có lợi nhuận trước định phí.

Với Dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc, năm 2022, hoạt động sản xuất, kinh doanh đạt cao nhất từ trước tới nay với lợi nhuận 1.779 tỷ đồng (tăng lãi 1.770 tỷ đồng so với kế hoạch và tăng 1.773 tỷ đồng so với thực hiện năm 2021).

Còn Dự án Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình cũng cơ bản chủ động được vốn lưu động phục vụ sản xuất, kinh doanh, trả được bớt nợ cho Vinachem và các ngân hàng, không phải phụ thuộc vào khách hàng để ứng vốn trước mua vật tư sản xuất. Tổng doanh thu năm 2022 ước đạt 6.039 tỷ đồng, bằng 135% kế hoạch năm; lãi ước đạt 928 tỷ đồng, tăng 856 tỷ đồng so với kế hoạch năm.

Với Dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai đã cơ bản thực hiện tốt các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh và kiểm soát hiệu quả các định mức so với kế hoạch. Kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2022 đạt lợi nhuận 1,5 tỷ đồng, giảm lỗ 317 tỷ đồng so với kế hoạch.

Thế nhưng, ngoài những dự án chuyển biến tốt nêu trên, hiện vẫn còn 3 dự án lớn: Giai đoạn 2 Nhà máy Gang Thép Thái Nguyên - Tisco 2; Dự án Nhà máy Thép Việt Trung - VTM; Dự án Công nghiệp tàu thủy Dung Quất - DQS đang còn nhiều tồn tại, vướng mắc chưa thể tháo gỡ để “hồi sinh”. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến các DNNN đang được giao quản lý các dự án này.

Đại diện Bộ Tài chính nhấn mạnh, nhìn chung, công tác cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN đã được đẩy mạnh, tuy nhiên vẫn chưa đạt được kế hoạch đề ra.

Nguyên nhân do việc sắp xếp cơ sở nhà đất, vướng mắc về thủ tục, hồ sơ đất đai; các nhà đầu tư chưa thực sự quan tâm đến các thương vụ bán cổ phần lần đầu và thoái vốn của DNNN dẫn đến tình trạng tỷ lệ nắm giữ vốn nhà nước tại các DN vẫn cao.

Một số cơ quan đại diện chủ sở hữu và người đứng đầu DN còn chưa quyết liệt; việc rà soát, lập kế hoạch sắp xếp lại DN chưa được các cơ quan, đơn vị quan tâm đúng mức; công tác chuẩn bị cổ phần hóa, thoái vốn chưa tốt.

Việc phối hợp giữa các cơ quan đại diện chủ sở hữu với các Bộ, ngành, địa phương liên quan trong xử lý vướng mắc phê duyệt phương án sử dụng đất, xử lý tồn tại tài chính còn chưa tốt, kéo dài.

Ban Kinh tế Trung ương sẽ thực hiện khảo sát, làm việc chuyên đề về tình hình thực hiện chủ trương, nhiệm vụ và giải pháp liên quan đến "Đẩy mạnh cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước tại DN" nêu tại Nghị quyết 12 tại một số đảng đoàn; ban cán sự đảng, tỉnh uỷ, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc Trung ương và doanh nghiệp.

mr-son.jpg
Ông Nguyễn Minh Sơn - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Ảnh: Tư liệu

Về mặt pháp luật thì không cấm DN được đầu tư vào DN khác. Còn vì sao DN đầu tư thua lỗ thì phải xem xét từng nguyên nhân. Việc một số DN đầu tư ra ngoài bị thua lỗ thì phải xem xét đó là lỗ của một năm hay là lỗ kéo dài qua nhiều năm. Bản thân DN phải rà soát hết toàn bộ vấn đề này, từ đó lập lại các phương án kinh doanh của DN. Nếu chỉ lỗ 1 năm thì thông thường kinh doanh có năm lãi, có năm lỗ, song trong dài hạn có lãi thì đó là câu chuyện khác. Còn nếu như lỗ triền miên, kéo dài thì toàn bộ Ban Giám đốc, Hội đồng quản trị phải tính toán lại xem đầu tư đó có hiệu quả hay không, phải cơ cấu lại, thu gọn đầu mối đầu tư bởi điều đó chứng minh là DN đầu tư ở những lĩnh vực, ngành nghề sản xuất kinh doanh không hiệu quả.

Ông Nguyễn Minh Sơn - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

NHÓM PHÓNG VIÊN