Dòng vốn chảy chậm, nghịch lý “người dư thừa, kẻ túng thiếu”
Ngân hàng - Tín dụng - Ngày đăng : 20:30, 14/08/2023
Ngân hàng Nhà nước dự báo mặt bằng lãi suất cho vay đối với nền kinh tế sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới. Ảnh: TL |
Tiền "bốc hơi" đi đâu?
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), từ đầu năm đến nay, cơ quan này đã thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp về chính sách tiền tệ như ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, làm việc trực tiếp với các tổ chức tín dụng yêu cầu triển khai các biện pháp để giảm lãi suất tiền gửi, tiết giảm chi phí, qua đó tạo dư địa để giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng. NHNN cũng trực tiếp phối hợp với Hiệp hội Ngân hàng để vận động sự thống nhất của các tổ chức tín dụng hội viên tiếp tục thực hiện giảm lãi suất cho vay.
Động thái này đã phần nào tác động làm giảm mặt bằng lãi suất; đến cuối tháng 6/2023, lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới bằng VND của các ngân hàng thương mại giảm khoảng 1%/năm so với cuối năm 2022.
Với tác động của độ trễ chính sách, NHNN dự báo mặt bằng lãi suất cho vay đối với nền kinh tế sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới. Về tăng trưởng tín dụng, đến ngày 30/6/2023, tín dụng nền kinh tế đạt trên 12,49 triệu tỷ đồng, tăng 4,73% so với cuối năm 2022, chậm hơn khá nhiều so với mức 9,3% của nửa đầu năm 2022.
Mặc dù tăng trưởng tín dụng chậm được các nhà kinh tế quan tâm và đánh giá là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến dòng vốn đối với nền kinh tế nhưng một số chuyên gia cho rằng, yếu tố này thực ra không quá quan trọng mà yếu tố khác đáng quan tâm hơn là vòng quay tiền đang rất chậm.
TS.Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia cho biết, các chỉ số tăng trưởng tín dụng chỉ là một chỉ tiêu hành chính không phải là yếu tố quá quan trọng. Vấn đề quan trọng chúng ta nên nhìn vào là con số tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán và con số này đang rất thấp.
Cụ thể, nhìn tổng thể tăng trưởng về tiền (tổng phương tiện thanh toán) chỉ khoảng 3%, thấp hơn khá nhiều nhu cầu của nền kinh tế nếu so với GDP tính theo giá hiện hành khiến cho tiền trở nên khan hiếm trong thời điểm hiện nay. Nhìn sâu hơn về vấn đề này, ông Nghĩa cho biết, trong những năm trước, vòng quay tiền đạt khoảng 2 vòng mỗi năm, nhưng trong giai đoạn 1 năm qua, vòng quay tiền thường chỉ dưới 1 vòng/năm, hiện tại chỉ đạt 0,64 vòng/năm. Đây là lý do tiền ít và khan hiếm.
Tiền ít nhưng vẫn... thừa
"Kinh tế khó khăn, nguồn lực của doanh nghiệp bị cạn kiệt dẫn tới việc các doanh nghiệp không đủ điều kiện để vay vốn ngân hàng và ngân hàng cũng không thể tự ý hạ tiêu chuẩn, giảm các quy định, điều kiện cho vay". Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng |
Theo đánh giá của NHNN, nền kinh tế 6 tháng đầu năm phải đối mặt với vô vàn khó khăn thách thức cả từ bên ngoài lẫn nội tại nền kinh tế, tăng trưởng kinh tế thấp hơn so với kịch bản đề ra… Những điều đó đã đặt ra nhiều thách thức đối với nền kinh tế nói chung, công tác điều hành chính sách tiền tệ nói riêng.
Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng - cho biết, kinh tế khó khăn, nguồn lực của doanh nghiệp bị cạn kiệt dẫn tới việc các doanh nghiệp không đủ điều kiện để vay vốn ngân hàng và ngân hàng cũng không thể tự ý hạ tiêu chuẩn, giảm các quy định, điều kiện cho vay.
Trong khi đó, ngân hàng không phải không có tiền để cho vay mà trái lại đang trong trạng thái rất nhiều tiền, một trong những biểu hiện cho thấy trạng thái rất “dồi dào” này ở lãi suất thị trường tiền tệ liên ngân hàng liên tục giảm thấp trong thời gian gần đây.
Hiện tại, lãi suất cho vay qua đêm trên thị trường tiền tệ liên ngân hàng giảm xuống chỉ còn 0,21%, rất thấp so với quy định hiện hành về lãi suất tối đa của NHNN. Cụ thể, hiện trần lãi suất liên ngân hàng được quy định là 5%, tại Quyết định 1123/QĐ-NHNN ngày 19/6/2022 (quy định lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với tổ chức tín dụng).
Ngoài mức lãi suất cho vay qua đêm, lãi suất các kỳ hạn khác hiện cũng xuống rất thấp, với lãi suất kỳ hạn 1 tuần cũng chỉ còn 0,43%, kỳ hạn 2 tuần chỉ còn 0,64%, kỳ hạn 1 tháng chỉ còn 1,78%...
Trong khi đó, tình trạng “dư thừa” tiền tại ngân hàng diễn ra trong bối cảnh người dân không tìm thấy cơ hội đầu tư rõ ràng. Các chuyên gia cho biết, các kênh đầu tư thông thường như đầu tư chứng khoán, bất động sản, hoặc tự mở công ty để kinh doanh… đều đang thu hẹp. Theo đó, người có tiền vẫn đang lựa chọn phương án “án binh bất động” khi chưa nhìn thấy rõ cơ hội rõ ràng.
Đề xuất một số cơ chế chính sách hỗ trợ hoạt động kinh doanh Theo ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay, tăng trưởng đầu tư và thương mại toàn cầu thấp, nợ công thế giới đã tăng lên mức kỷ lục, rủi ro trên các thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản quốc tế… ngày càng gia tăng. Chúng ta đã chịu “tác động kép”, không chỉ từ các yếu tố tiêu cực bên ngoài, mà còn từ những hạn chế, bất cập nội tại kéo dài nhiều năm qua. Chính vì vậy, bên cạnh việc thực hiện các chính sách tiền tệ, tài khóa linh hoạt, chủ động, kịp thời và hiệu quả… Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị về việc sửa đổi, bổ sung một số cơ chế, chính sách liên quan đến sản xuất - kinh doanh và đầu tư. (Theo Thời báo Tài chính Việt Nam) |