Đề xuất thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải khoảng 1.200 tỷ đồng/năm
Kinh tế - Ngày đăng : 20:10, 15/08/2023
Tại Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định phí BVMT đối với khí thải, Bộ Tài chính cho biết, chất lượng môi trường không khí tại các thành phố lớn, một số khu công nghiệp, làng nghề đang ngày càng suy giảm, gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cộng đồng, thiệt hại cho nền kinh tế.
Đáng nói, ô nhiễm môi trường không khí, nhất là tại các đô thị lớn đang có xu hướng gia tăng. Một trong những nguyên nhân là do hoạt động xả khí thải của các cơ sở xả thải và phương tiện giao thông vận tải.
Cả nước có khoảng 5,1 triệu xe ô tô và số lượng lớn xe máy đang lưu hành, cùng nhiều dự án, loại hình sản xuất bauxite, gang thép, lọc hóa dầu; 12.000 cơ sở sản xuất công nghiệp; 110.000 doanh nghiệp (DN) xây dựng, hoạt động xây dựng nhà ở, chung cư… Các cơ sở này phát sinh khối lượng lớn khí thải công nghiệp, bụi thải, tác động xấu đến môi trường.
Trong khi đó, phần lớn tổ chức, cá nhân xả thải chưa ý thức đầy đủ trách nhiệm trong bảo vệ môi trường không khí.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nhiều nước đã quy định chính sách thu đối với cơ sở xả thải gây ô nhiễm môi trường không khí.
Tại Trung Quốc, đối tượng nộp thuế là các đơn vị DN sự nghiệp và các tổ chức sản xuất khác trực tiếp xả chất gây ô nhiễm vào môi trường lãnh thổ Trung Quốc. Thuế khí thải áp dụng đối với SO2, NOx, CO, bụi thường, bụi thủy tinh, bụi khói…
Còn Singapore đã bắt đầu thực thi việc đánh thuế carbon vào năm 2019 áp dụng cho tất cả các cơ sở thải ra 25.000 tấn khí nhà kính trở lên hằng năm, gồm các nhà máy lọc dầu, điện. Mức thuế hiện tại là 5 SGD/tấn, sẽ được nâng lên 25 SGD/tấn vào năm 2024 và 45 SGD vào năm 2026, dự kiến đến 2030 là 50-80 SGD/tấn…
Từ thực tế trên, Bộ Tài chính cho rằng, việc xây dựng Nghị định phí BVMT đối với khí thải là cần thiết nhằm khuyến khích các cơ sơ xả thải đầu tư công nghệ giảm ô nhiễm, phù hợp với chủ trương của Đảng và Chính phủ về bảo vệ môi trường không khí.
Đồng thời, kiện toàn hệ thống pháp luật phí, phù hợp với thực tiễn, bảo đảm chính sách phí BVMT đối với khí thải công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho người dân, DN và cơ quan thuế trong thực hiện chính sách phí, tạo nguồn thu mới cho NSNN.
Khối lượng khí thải sẽ được xác định căn cứ trên số liệu quan trắc nhằm đảm bảo công bằng giữa các DN, phát huy vai trò của người dân trong giám sát quá trình thực hiện nghĩa vụ nộp phí của tổ chức xả thải gây ô nhiễm.
Kết quả kiểm toán năm 2022 của Kiểm toán nhà nước về chi thường xuyên cho thấy: Tại một số địa phương, thu phí BVMT đối với khai thác khoáng sản gắn với nhiệm vụ chi công tác bảo vệ và đầu tư cho môi trường tại nơi có hoạt động khai thác khoáng sản theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định số 164/2016/NĐ-CP của Chính phủ về phí BVMT đối với khai thác khoáng sản.
Tuy nhiên, UBND các huyện cân đối chung vào dự toán chi thường xuyên chưa đảm bảo quy định tại khoản 1 Điều 7 Luật NSNN như tỉnh Gia Lai 2,2 tỷ đồng; Đắk Lắk 1,9 tỷ đồng... hoặc số thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa đã được tỉnh hòa chung vào thu ngân sách địa phương để thực hiện các nhiệm vụ chi như tỉnh Hòa Bình với 34,9 tỷ đồng.
Còn tình trạng bố trí dự toán kinh phí thanh toán chi phí vận chuyển rác thải sinh hoạt cho các chủ nguồn thải là DN, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ không thuộc đối tượng chi từ nguồn ngân sách như tỉnh Tây Ninh; bố trí dự toán kinh phí thực hiện công tác vệ sinh môi trường để làm căn cứ đặt hàng khi chưa xây dựng dự toán số thu dịch vụ vệ sinh môi trường để đối trừ phần ngân sách cấp như tỉnh Lai Châu.
Về người nộp phí, căn cứ theo quy định pháp luật về phí BVMT, đề án của Bộ Tài nguyên và Môi trường, kinh nghiệm thực tiễn, để đảm bảo tính khả thi, Bộ Tài chính trình Chính phủ trước mắt chỉ quy định người nộp phí là các cơ sở xả khí thải.
Đồng thời, cơ quan thu phí thực hiện theo quy định tại Nghị định số 53/2020/NĐ-CP, bao gồm sở tài nguyên và môi trường, phòng tài nguyên và môi trường.
Về mức thu, Dự thảo đề nghị, việc quy định thu phí BVMT đối với khí thải tương đồng với phí BVMT đối với nước thải công nghiệp tại Nghị định 53 để góp phần tăng hiệu suất thực thi công vụ, tiết kiệm nguồn nhân lực và tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân liên quan.
Theo đó, Dự thảo xây dựng mức phí gồm 2 phần: Phí cố định đối với mọi cơ sở xả khí thải nhằm đảm bảo chi phí xử lý các chất nằm ngoài 4 chất (bụi tổng, NOx, SOx, CO) và phí biến đổi thu bổ sung đối với các cơ sở phải quan trắc khí thải (thu đối với 4 chất bụi tổng, NOx, SOx, CO).
Cụ thể, đối với phí cố định, mức phí đối với các cơ sở xả khí thải là 3 triệu đồng/năm.
Đối với phí biến đổi, mức thu với bụi tổng hợp là 800 đồng/tấn; NOx (gồm NO2 và NO) là 800 đồng/tấn; SOx có mức thu là 700 đồng/tấn; CO là 500 đồng/tấn.
Cơ sở xả khí thải có nồng độ các chất gây ô nhiễm môi trường có trong khí thải của cơ sở thấp hơn 30% so với quy định thì mức phí tương ứng 75% số phí phải nộp tính theo công thức; cơ sở khí thải hoạt động công ích thuộc loại hình tái chế, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường, chất thải y tế, chất thải nguy hại nộp mức phí tương ứng là 50% số phí phải nộp tính theo công thức.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, dự kiến, việc thực hiện đề xuất này sẽ tăng thu NSNN khoảng 1.200 tỷ đồng/năm. Số tiền này góp phần khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường không khí tại địa phương nơi có nguồn thải./.