Chấn chỉnh việc thực hiện trách nhiệm hoàn thuế VAT
Tài chính - Ngày đăng : 18:12, 16/08/2023
Sáng 16/8, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét Báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 7/2023.
Báo cáo của Ban Dân nguyện cho biết, cử tri và nhân dân bày tỏ sự vui mừng, phấn khởi với kết quả quan trọng của công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, nhất là công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được thực hiện quyết liệt, nói đi đôi với làm, không có ngoại lệ, không có vùng cấm, trở thành xu thế, góp phần củng cố niềm tin của cử tri và nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Cử tri và nhân dân đánh giá cao về việc xét xử công khai, nghiêm minh vụ án “chuyến bay giải cứu”. Đồng thời, bày tỏ vui mừng vì Chính phủ đã chỉ đạo không tăng học phí năm học 2023-2024 để giảm gánh nặng cho người dân có con em đi học; đánh giá cao việc siết chặt công tác đào tạo, sát hạch, cấp phép lái xe.
Tuy nhiên, Báo cáo của Ban Dân nguyện cũng phản ánh nhiều băn khoăn, lo lắng của cử tri; trong đó có việc thực hiện trách nhiệm hoàn thuế VAT của cơ quan thuế đối với doanh nghiệp xuất khẩu đã gây tác động lớn đến vốn, hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất khẩu và uy tín của doanh nghiệp...
Ban Dân nguyện kiến nghị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính chấn chỉnh kịp thời việc thực hiện trách nhiệm hoàn thuế VAT của cơ quan Thuế đối với hồ sơ đề nghị hoàn thuế đã thực hiện đầy đủ quy định về hoàn thuế.
Đồng thời, xử lý nghiêm đối với các trường hợp lạm dụng chức trách, nhiệm vụ để đưa ra các yêu cầu trái quy định để sách nhiễu, làm mất uy tín của doanh nghiệp có đề nghị hoàn thuế; coi trọng công tác “hậu kiểm”, thực hiện “hoàn trước, kiểm sau” đối với hồ sơ hoàn thuế; xử lý nghiêm cá nhân, tổ chức lợi dụng việc hoàn thuế VAT để có hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản nhà nước.
Trong tháng 7, qua báo cáo kết quả tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ 5 của Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ban Dân nguyện đã tổng hợp và chuyển 1.051 kiến nghị của cử tri đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Trong đó, có 994 kiến nghị liên quan đến công tác điều hành của Chính phủ, Bộ, ngành (chiếm 94,6%).
Trước đó, tại Phiên họp thứ 24 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban Dân nguyện đã phản ánh việc Công ty An Phát ở Hà Nội khiếu nại việc Tổng cục Thuế, Cục thuế Hà Nội cố ý đùn đẩy trách nhiệm, không thực hiện việc hoàn thuế VAT từ các năm 2020, 2021 cho Công ty, mặc dù Công ty đã thực hiện đầy đủ các thủ tục, hồ sơ hoàn thuế theo quy định.
Ban Dân nguyện đã kiến nghị Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Thuế khẩn trương hướng dẫn Cục thuế Hà Nội trong việc thực hiện hoàn thuế VAT đối với Công ty An Phát theo đúng các quy định của pháp luật.
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 15/8, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đề nghị Bộ Tư pháp tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện đầy đủ, kịp thời Nghị quyết tại Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội về tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn pháp lý liên quan đến các thị trường hàng hóa, dịch vụ, chứng khoán, bất động sản, mua sắm, đầu tư công, phòng cháy, chữa cháy, hoàn thuế VAT...
“Những nội dung này vẫn tiếp tục có những vướng mắc, nhất là lĩnh vực hoàn thuế giá trị gia tăng. Hiện nay, số lượng doanh nghiệp có đơn thư gửi về cho các cơ quan Quốc hội và Chủ tịch Quốc hội vẫn tiếp tục tăng lên”- Chủ tịch Quốc hội thông tin.
Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đang chuẩn bị phiên giám sát và giải trình đối với các nội dung này.
“Chúng ta làm sao đó vừa ngăn ngừa được những hành vi trục lợi, tham nhũng, tiêu cực trong chính sách, vừa phải đảm bảo thực hiện nghiêm quy định của Luật Quản lý thuế. Thời gian hoàn thuế tiền kiểm là không quá 4 tháng và hậu kiểm là không quá 5 ngày, chúng ta làm sai việc này thì các doanh nghiệp sẽ khó khăn rất lớn” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Cử tri và nhân dân còn băn khoăn, lo lắng về tình trạng sạt lở, sụt lún, lũ quét tại một số địa phương; tình hình sản xuất kinh doanh, thị trường lao động, việc làm gặp nhiều khó khăn; giá cả nguyên liệu, nhiên liệu, khí đốt, hàng tiêu dùng và các mặt hàng thiết yếu phục vụ cho sản xuất, đời sống có xu hướng tăng; tình trạng kinh doanh và sử dụng các chất kích thích, gây nghiện xuất hiện ngày càng nhiều và hướng đến đối tượng chủ yếu là thanh thiếu niên; tình trạng thông tin cá nhân bị rao bán tràn lan trên mạng và bị lợi dụng để lừa đảo trực tuyến; tình trạng lừa đảo bằng hình thức du lịch miễn phí tiếp tục tiếp diễn; công tác quản lý, kiểm tra tiền công đức tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng còn nhiều hạn chế...