Giữ ổn định thị trường trong nước, hướng đến xuất khẩu gạo bền vững

Kinh tế - Ngày đăng : 19:43, 16/08/2023

(BKTO) - Tình hình thương mại lương thực toàn cầu diễn biến phức tạp, khó lường khiến giá gạo thế giới liên tục tăng cao, ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu gạo của Việt Nam. Theo đó, hàng loạt vấn đề đang được đặt ra nhằm đảm bảo tiêu thụ thóc, gạo hàng hóa, đảm bảo lợi ích của người trồng lúa; cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, đảm bảo dự trữ quốc gia…
xk-gao.jpg
Cần đảm bảo ổn định thị trường trong nước, hài hòa lợi ích người trồng lúa, doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gạo. Ảnh minh họa

Giá gạo tăng cao, sản lượng đủ đáp ứng nếu thời tiết thuận lợi

Quan tâm đặc biệt đến những vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chỉ đạo phải theo dõi sát diễn biến thị trường và giá lương thực trên thế giới; có kế hoạch vừa đáp ứng đầy đủ nhu cầu lúa gạo trong nước, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực, vừa đáp ứng nhu cầu xuất khẩu tăng cao và giá cũng tăng cao; ngăn ngừa rủi ro “bắt sóng” xuất khẩu, để hổng thị trường trong nước.

Cần lấy yếu tố đảm bảo chất lượng, tiến độ giao hàng là giải pháp “sâu rễ, bền gốc”; quản lý, điều phối công tác thu mua gạo đảm bảo ổn định thị trường trong nước; hài hòa lợi ích người trồng lúa, doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gạo.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Để đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững, mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg, trong đó nêu rõ yêu cầu các địa phương kịp thời cung cấp thông tin tới các Bộ, ngành liên quan về sản lượng, chủng loại thóc, gạo hàng hóa tồn đọng và dự kiến năng suất, sản lượng thu hoạch lúa, gạo theo từng chủng loại, mùa vụ sản xuất trên địa bàn để phục vụ công tác điều hành xuất khẩu gạo.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan, dự tính nhu cầu tiêu dùng trong nước năm 2023 khoảng 29,5 triệu tấn thóc; lượng gạo xuất khẩu ước trên 7 triệu tấn (tương đương khoảng 14 triệu tấn thóc).

Với tổng diện tích lúa cả nước khoảng 7,1 triệu ha, năng suất trung bình đạt 60,7 tạ/ha, sản lượng thóc ước đạt hơn 43,1 triệu tấn, tăng hơn 452.000 tấn so với năm 2022.

Do đó, nếu thời tiết từ nay đến cuối năm không có diễn biến bất thường thì sản lượng lúa sẽ đáp ứng đầy đủ nhu cầu lúa gạo trong nước và xuất khẩu.

Chia sẻ thêm về vấn đề sản lượng, Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, tính tới ngày 01/8, Việt Nam đã thu hoạch được 24,2 triệu tấn lúa và từ nay tới cuối năm còn phải thu hoạch khoảng 18,9 triệu tấn đang ở ngoài đồng…

Tính đến hết tháng 7/2023, Việt Nam ước xuất khẩu 4,83 triệu tấn gạo, trị giá đạt 2,58 tỷ USD, tăng 18,7% về lượng và tăng 29,6% về trị giá so với cùng kỳ.

Liên Bộ Công Thương - NN&PTNT đánh giá, cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu đi đúng định hướng, gia tăng giá trị cho hạt gạo với các chủng loại như gạo thơm, gạo nếp, gạo trắng cao cấp… Hầu hết các thị trường mà Việt Nam xuất khẩu gạo đều ghi nhận mức tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, xuất khẩu gạo sang các thị trường khu vực Đông Nam Á tăng trưởng vượt bậc; các thị trường xuất khẩu truyền thống, trọng điểm được tiếp tục giữ vững, ngoài ra khu vực thị trường EU cũng ghi nhận sự tăng trưởng cao, tới gần 30%.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam cập nhật thông tin, trên thị trường thế giới, hiện giá gạo loại 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam đạt 618 USD/tấn, mức cao nhất trong 11 năm qua, thấp hơn gạo Thái Lan 7 USD/tấn. Gạo 25% tấm có giá 598 USD/tấn.

So với thời điểm Ấn Độ chính thức cấm xuất khẩu gạo, chỉ trong vòng nửa tháng qua, giá gạo 5% tấm và 25% tấm của Việt Nam đã tăng mạnh khoảng 85 USD/tấn. Đối với đơn hàng giao tháng 8/2023, giá đã vượt mức 610 USD/tấn với gạo 5% tấm.

Theo dõi sát diễn biến thị trường để có giải pháp phù hợp

Đây là thời cơ để đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu gạo nhằm mang lại giá trị, hiệu quả cao nhất cho người sản xuất, kinh doanh và cũng là thời cơ để mở rộng thị trường, khẳng định thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế, nhất là ở các thị trường mới.

xk.jpg
Từ nay tới cuối năm có khả năng thu hoạch khoảng 18,9 triệu tấn lúa. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, chúng ta cũng cần rất thận trọng, tránh lợi thế “người đi đầu” lại trở thành “người đi sau”. Muốn vậy, việc bảo đảm chất lượng hạt gạo và thương hiệu sản phẩm là vô cùng quan trọng để giữ vững đơn hàng, giữ vững thị trường xuất khẩu bền vững - Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Cùng với hệ thống dự trữ quốc gia, 2 Tổng công ty Lương thực Miền Bắc và Lương thực Miền Nam phải bảo đảm duy trì mức dự trữ và thu mua lương thực theo quy định của Nhà nước để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên

Đến nay, tuy giá gạo xuất khẩu đã ở mức đỉnh của nhiều năm qua và có thể vẫn còn dư địa tăng trong giai đoạn cuối năm nhưng các chuyên gia cảnh báo, hiện nay, chúng ta vẫn chưa thể biết rõ chính sách của Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo kéo dài trong bao lâu, nên sẽ rất rủi ro nếu trong nước xảy ra tình trạng ồ ạt mua vào để đầu cơ sau đó lại đổ xô bán tháo khi Ấn Độ bất ngờ dỡ thông báo cấm xuất khẩu.

Để ngăn ngừa tình trạng này, trong Chỉ thị số 24/CT-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường theo dõi sát tình hình, kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, lưu thông, tiêu thụ lúa, gạo trên địa bàn và việc duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu của các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo theo quy định; xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, trục lợi bất chính, đẩy giá lúa gạo lên cao bất hợp lý, gây bất ổn thị trường trong nước, uy tín của thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Theo nhận định của ông Nguyễn Tiến Thoả - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, thị trường đang có biểu hiện cung ít hơn cầu nên diễn biến giá tăng chắc chắn còn xảy ra. Các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam đang rất tranh thủ để nắm bắt cơ hội xuất khẩu nên việc đầu cơ là khó tránh khỏi nên cần thiết phải có giải pháp ngăn chặn các trường hợp đầu cơ, gây bất ổn thị trường.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ Công Thương đang nỗ lực phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội Lương thực… triển khai những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tăng cường kiểm tra, kiểm soát các cơ sở kinh doanh, đầu mối bán buôn, bán lẻ… nhằm kiểm soát nguồn cung, giá bán, ngăn chặn các hành vi vi phạm về niêm yết giá, đầu cơ, găm hàng, định giá bất hợp lý, cũng như tăng cường kiểm tra, ngăn chặn việc vận chuyển, kinh doanh gạo không rõ nguồn gốc, xuất xứ và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Đồng thời theo dõi sát diễn biến thị trường gạo thế giới; tình hình sản xuất lúa gạo, diễn biến cung cầu, giá cả thị trường thóc, gạo nội địa để có những giải pháp phù hợp điều hành xuất khẩu gạo trong tình hình mới.

PHÚC KHANG