Nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động phối hợp với Kiểm toán nhà nước

Kiểm toán - Ngày đăng : 09:00, 17/08/2023

(BKTO) - Chia sẻ với phóng viên Báo Kiểm toán, ông Nguyễn Văn Tùng - Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng nhấn mạnh: hoạt động của Kiểm toán nhà nước (KTNN) góp phần khai thác tối đa nguồn thu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đóng góp tích cực vào việc hoàn thiện cơ chế chính sách, nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm tra, giám sát, quản lý và điều hành ngân sách tại địa phương.
hp.jpg
Ông Nguyễn Văn Tùng - Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng. Ảnh sưu tầm

Từ góc độ địa phương, ông có thể đánh giá về việc triển khai công tác phối hợp giữa KTNN với TP. Hải Phòng trong thời gian qua?

Trong thời gian qua, việc phối hợp thực hiện hoạt động kiểm toán hàng năm được TP. Hải Phòng tập trung chỉ đạo triển khai kịp thời và đồng bộ ở tất cả các khâu: khảo sát, lập kế hoạch; triển khai thực hiện kế hoạch; tổ chức thực hiện và kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện kiến nghị, kết luận của KTNN…

Hàng năm, hoạt động của KTNN giúp thành phố Hải Phòng ngày một nâng cao hiệu quả công tác giám sát, điều hành, quản lý tài chính ngân sách, quản lý tài sản công tại địa phương, thể hiện ở nhiều mặt.

Thứ nhất là nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách thành phố, tăng cường kỷ luật ngân sách; qua kiểm toán chỉ ra những hạn chế, thiếu sót để các cơ quan, đơn vị khắc phục nhằm thực hiện tốt các quy định của Nhà nước trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, tài sản công.

Thứ hai là tăng cường trách nhiệm của chính quyền các cấp, các cơ quan, tổ chức trong việc quản lý, điều hành ngân sách, quản lý, sử dụng tài sản công.

Thứ ba là phát hiện và ngăn chặn hiệu quả các hành vi thất thoát; Thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tiêu cực, lãng phí tại địa phương.

Với sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời và đồng bộ trong hoạt động kiểm toán, những thông tin, dữ liệu trao đổi giữa KTNN và Thường trực HĐND, UBND TP. Hải Phòng là cơ sở cho các cấp chính quyền, cơ quan chức năng của thành phố ngày càng hoàn thiện, nâng cao hiệu quả công tác xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, lập dự toán ngân sách, quyết toán ngân sách, phòng chống tham nhũng, lãng phí, phát huy vai trò giám sát của nhân dân đối với hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức và cá nhân được giao quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.

hp0.jpg
TP. Hải Phòng ngày càng hoàn thiện, nâng cao hiệu quả công tác xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội... Ảnh: TTXVN

Một trong những nội dung rất quan trọng trong công tác phối hợp giữa KTNN với các địa phương là việc đôn đốc, theo dõi việc thực hiện kiến nghị kiểm toán nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả kiểm toán. Xin ông cho biết, thành phố đã có những giải pháp gì để thực hiện hiệu quả vấn đề này?

Công tác kiểm tra, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện kết luận, kiến nghị của kiểm toán là một trong những nội dung hết sức quan trọng, được Quốc hội, Chính phủ, KTNN và thành phố hết sức quan tâm, đặc biệt là trong những năm gần đây. Đồng thời, kết quả thực hiện các kết luận, kiến nghị của kiểm toán cũng là chỉ tiêu quan trọng để đánh giá chỉ số cải cách hành chính của thành phố.

Căn cứ Thông báo kết quả kiểm toán của KTNN, UBND thành phố kịp thời có văn bản triển khai thực hiện, giao nhiệm vụ cụ thể đến từng đơn vị được kiểm toán, chỉ đạo các đơn vị xây dựng kế hoạch khắc phục và có giải pháp xử lý triệt để các kiến nghị của KTNN.

Cụ thể là những kiến nghị về chấn chỉnh công tác quản lý, điều hành ngân sách, xử lý tài chính các khoản tăng thu NSNN, thu hồi và giảm chi NSNN do KTNN phát hiện; chỉ đạo chấn chỉnh, rút kinh nghiệm trong công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và xem xét xử lý trách nhiệm có liên quan đến sai phạm được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán…

Mặt khác, UBND thành phố giao đơn vị đầu mối (Sở Tài chính đối với các cuộc kiểm toán ngân sách địa phương; các Sở, ngành liên quan đối với các cuộc kiểm toán chuyên đề) hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị được kiểm toán thực hiện các kiến nghị, tổng hợp báo cáo UBND thành phố tiến độ, kết quả thực hiện để kịp thời chỉ đạo xử lý, giải quyết các khó khăn, vướng mắc cũng như báo cáo kết quả thực hiện về KTNN theo quy định.

Trong quá trình thực hiện khắc phục các kiến nghị, kết luận kiểm toán, UBND TP. Hải Phòng thường xuyên trao đổi, phối hợp với KTNN và trực tiếp là KTNN khu vực VI để thống nhất các phương án, cách thức giải quyết các vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Đặc biệt là với các kết luận, kiến nghị còn tồn tại từ nhiều năm trở về trước, các kiến nghị khó có khả năng thực hiện do các nguyên nhân khách quan như do thay đổi cơ chế, chính sách so với thời điểm kiểm toán; kiến nghị liên quan đến các doanh nghiệp, tổ chức nhưng đã phá sản, giải thể, không còn hoạt động tại địa chỉ kinh doanh; các kiến nghị với nhiều khoản mục, nội dung thành phần, việc khắc phục được thực hiện từng phần, trải qua nhiều năm...

Từ thực tiễn thời gian qua, ông có đề xuất gì để công tác phối hợp của TP. Hải Phòng với KTNN ngày càng chặt chẽ và hiệu quả hơn, thưa ông?

Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, công tác phối hợp giữa KTNN và TP. Hải Phòng vẫn còn có những yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả, chất lượng công tác phối hợp, chẳng hạn như tính phù hợp với các quy định hiện hành, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ và tình hình thực tiễn; tính kịp thời, đầy đủ, chính xác trong việc trao đổi thông tin giữa các cơ quan...

Do vậy, để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của các cơ quan và nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong hoạt động phối hợp với KTNN, thành phố Hải Phòng tập trung vào việc thực hiện một số nội dung.

Một là, phối hợp chặt chẽ với KTNN trong việc điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện nội dung Quy chế phối hợp cho phù hợp với các quy định và tình hình hiện nay.

Hai là, tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, kịp thời, hiệu quả công tác phối hợp ở tất cả các nội dung, hoạt động theo đúng Quy chế đã ký giữa các cơ quan.

Ba là, phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi nhất để KTNN thực hiện các nhiệm vụ, chức trách theo kế hoạch được giao; thường xuyên quan tâm, nắm bắt thông tin về hoạt động kiểm toán, đồng thời có sự chỉ đạo sát sao trong việc phối hợp và cung cấp hồ sơ tài liệu, trách nhiệm giải trình của các đơn vị được kiểm toán, đảm bảo cho hoạt động của KTNN được thực hiện theo đúng kế hoạch.

Bốn là, tăng cường công tác phối hợp trong việc khai thác, trao đổi, chia sẻ thông tin, dữ liệu số phù hợp với quy định của Luật KTNN.

KTNN có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong việc kiểm tra hoạt động quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Hoạt động kiểm toán của KTNN với các phát hiện, kết luận, kiến nghị trong thời gian qua giúp các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân là đối tượng kiểm toán thực hiện đúng các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chế độ chi tiêu, kỷ luật tài chính; khai thác tối đa nguồn thu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, góp phần tích cực vào việc hoàn thiện cơ chế chính sách cũng như nâng cao hiệu quả trong hoạt động kiểm tra, giám sát, quản lý và điều hành ngân sách tại địa phương.

Với tầm quan trọng và nhận thức như vậy, TP. Hải Phòng luôn xác định công tác kiểm toán của KTNN đối với ngân sách địa phương là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong kế hoạch, chương trình công tác của thành phố hằng năm, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

QUỲNH ANH