Sơn La nỗ lực đôn đốc thực hiện kiến nghị kiểm toán

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 09:17, 18/08/2023

(BKTO) - Xác định kiến nghị kiểm toán có vai trò quan trọng giúp nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành, sử dụng ngân sách. Do vậy, tỉnh Sơn La đã phối hợp chặt chẽ với Kiểm toán nhà nước (KTNN) trong quá trình tổ chức kiểm toán; cũng như nỗ lực thực hiện kiến nghị kiểm toán. Trao đổi với Báo Kiểm toán, ông Nguyễn Văn Phong - Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Sơn La - cho biết, tỉnh đang phấn đấu đến hết năm 2023 sẽ hoàn thành kiến nghị kiểm toán niên độ năm 2021 và các năm trở về trước.
c29667580b47d9198056.jpg
Công bố quyết định kiểm toán tại tỉnh Sơn La. Ảnh tư liệu

Qua triển khai Quy chế phối hợp công tác giữa KTNN với địa phương, ông có thể cho biết một số kết quả của công tác phối hợp trong hoạt động kiểm toán trên địa bàn, thưa ông?

Thời gian qua, việc triển khai thực hiện Quy chế phối hợp trong hoạt động kiểm toán đã nhận được sự quan tâm rất lớn của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân (HĐND), Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh.

Nổi bật là trong công tác kiểm toán của KTNN, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo HĐND, UBND tỉnh phối hợp chặt chẽ với KTNN ngay từ khâu xây dựng kế hoạch kiểm toán. Cụ thể là trong việc khảo sát, thu thập thông tin nhằm phục vụ công tác lập kế hoạch kiểm toán theo định hướng của KTNN; phối hợp đề xuất các đầu mối dự án, nội dung kiểm toán; Sở Tài chính, Cục Thuế tỉnh và các đơn vị có liên quan kịp thời cung cấp thông tin, số liệu liên quan...

Trong triển khai thực hiện kiểm toán, UBND tỉnh đã phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành trong việc tổng hợp, chuẩn bị tài liệu cung cấp thông tin, hồ sơ cho đoàn kiểm toán; cũng như kịp thời giải trình, làm rõ các nội dung được đoàn kiểm toán đặt ra, đảm bảo cho hoạt động của KTNN được thực hiện theo đúng kế hoạch. HĐND tỉnh tham dự đầy đủ các hội nghị thông qua báo cáo kiểm toán của KTNN để tham gia đóng góp ý kiến và thực hiện chức năng giám sát việc quản lý điều hành ngân sách tại địa phương.

Từ tinh thần chỉ đạo quyết liệt, xuyên suốt của lãnh đạo tỉnh với các giải pháp hiệu quả được các sở, ngành triển khai đã giúp cho công tác phối hợp trong hoạt động kiểm toán từng bước đi vào thực chất và hiệu quả, góp phần thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan; nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ kiểm toán và hoạt động kiểm tra, giám sát, quản lý, điều hành ngân sách tại địa phương.

Thời gian qua, Sở Tài chính đã có những giải pháp nào để đôn đốc các đơn vị thực hiện nghiêm túc kết luận, kiến nghị kiểm toán, thưa ông?

Với trách nhiệm là cơ quan chủ trì, tham mưu và đôn đốc các đơn vị trong tỉnh thực hiện kiến nghị kiểm toán, Sở Tài chính đã và đang tăng cường phối hợp với KTNN khu vực VII trong công tác theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị thực hiện các kết luận, kiến nghị của KTNN.

b4ee4b31272ef570ac3f.jpg
Ông Nguyễn Văn Phong. Ảnh: N.LỘC

Căn cứ các kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN, Sở Tài chính thực hiện công khai kết quả kiểm toán trên các phương tiện thông tin, đồng thời tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị được kiểm toán nghiêm túc thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN, trong đó xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị và thời gian hoàn thành để đôn đốc các cơ quan triển khai thực hiện.

Đặc biệt, Sở Tài chính đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 586/QĐ-UBND ngày 19/4/2023 về kiện toàn Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán do 1 đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng, các thành viên là Giám đốc, Thủ trưởng các sở, ngành, cơ quan, đơn vị của tỉnh. Tổ công tác đã ban hành Quy chế hoạt động, Kế hoạch triển khai và Thông báo phân công nhiệm vụ cho các thành viên. Tổ công tác họp định kỳ 1 quý/lần hoặc đột xuất theo yêu cầu để chỉ đạo, giải quyết kịp thời các khó khăn, vương mắc trong thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán.

Sở cũng tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong việc cung cấp hồ sơ, tài liệu kiểm chứng cho các đoàn kiểm tra của KTNN rà soát việc thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán; đồng thời tổng hợp, báo cáo các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các kết luận, kiến nghị do cơ chế, chính sách làm cơ sở tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh.

Ông có đề xuất gì để hoạt động kiểm toán của KTNN ngày càng hỗ trợ hiệu quả hơn cho công tác quản lý thu - chi ngân sách tại địa phương?

Hoạt động của KTNN đã góp phần tư vấn, hỗ trợ, giúp đỡ địa phương trong công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành, sử dụng ngân sách.

Thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN đã góp phần bảo đảm kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của địa phương. Để hoạt động kiểm toán của KTNN ngày càng hỗ trợ hiệu quả hơn cho công tác quản lý thu - chi ngân sách, quản lý thu thuế tại địa phương, Sở Tài chính đề xuất KTNN một số nội dung, trên cơ sở triển khai tốt Quy chế phối hợp đã được ký kết giữa các bên.

Thứ nhất, KTNN cần tiếp tục duy trì hoạt động kiểm toán thường xuyên về quản lý thu - chi và tài chính ngân sách, bên cạnh các cuộc kiểm toán chuyên đề như chương trình mục tiêu quốc gia, dự án, để giúp địa phương phát hiện, chấn chỉnh kịp thời các sai sót trong quá trình quản lý, điều hành ngân sách và điều chỉnh kịp thời các cơ chế, chính sách trên địa bàn.

Thứ hai, thông qua kiểm toán, KTNN cần tiếp tục phát hiện các bất cập của cơ chế, chính sách hiện hành, không còn phù hợp; từ đó kiến nghị với cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, giúp tỉnh có cơ sở thực hiện dứt điểm các kết luận, kiến nghị và nâng cao công tác quản lý tài chính, tài sản công trên địa bàn.

Thứ ba, thường xuyên tổ chức giao ban định kỳ giữa KTNN khu vực và Thường trực HĐND, UBND tỉnh để trao đổi, thảo luận, rút kinh nghiệm trong hoạt động điều hành, quản lý tiền và tài sản nhà nước.

Thứ tư, KTNN cần tăng cường chia sẻ, cung cấp thông tin nghiệp vụ, nhất là thông tin chuyên đề, chuyên sâu một số lĩnh vực quản lý Nhà nước rất nhạy cảm trên địa bàn như: Thu hồi đất, bảo vệ tài nguyên, môi trường, công tác quản lý nhà nước về khoáng sản... Qua đó, giúp cho tỉnh có các thông tin về chuyên môn nghiệp vụ sâu, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phát huy hiệu quả nhất nguồn lực tài nguyên, tài sản công…

Thứ năm, KTNN tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về tài chính - ngân sách cho các đại biểu dân cử và các cấp chính quyền để đảm bảo quá trình vận hành tài chính - ngân sách hiệu quả nhất.

Xin trân trọng cảm ơn ông!./.

NGUYỄN LỘC (thực hiện)