Công nhân “khát” nhà trọ giá rẻ

Xã hội - Ngày đăng : 09:00, 18/08/2023

(BKTO) - Công việc bấp bênh, thu nhập thấp chỉ vỏn vẹn từ 6 đến 7 triệu đồng. Vì thế với công nhân, được thuê một căn phòng trọ giá rẻ là cả giấc mơ.
nguyen-thu-huong-trong-can-phong-tro-thue-cua-minh-1-.jpg
Chị Nguyễn Thị Thu Hương - Công nhân Công ty Canon Việt Nam - cảm thấy may mắn vì được thuê nhà trọ giá rẻ. 
Ảnh: Minh Long

“Thiên đường 50k”

Đây là cụm từ được nhiều công nhân miêu tả khi nói về căn phòng mình đang thuê. Đó là những căn phòng trọ của khu nhà ở xã hội dành cho công nhân tại Khu công nghiệp Thăng Long, Đông Anh, Hà Nội. Chỉ với 50 nghìn đồng/mỗi tháng nhưng công nhân được ở trong những căn phòng đầy đủ tiện ích tối thiểu như nhà bếp, vệ sinh, giường, quạt.

Chị Nguyễn Thị Thu Hường (23 tuổi) - Công nhân Công ty Canon Việt Nam - cảm thấy may mắn vì mình được thuê nhà ở giá rẻ từ dự án nhà chung cư cho công nhân, lao động. Từ 2 năm nay, Hường chuyển vào ở trong khu nhà chung cư cho công nhân (Hải Bối, Đông Anh). Khu đơn nguyên dành riêng cho công nhân nữ chừng 20m2, có  3 giường tầng, mỗi giường 2 tầng cho 6 người ở. Ngoài phòng ở, tại đây còn bố trí phòng điều hòa, phòng bếp, phòng sinh hoạt chung và khu vệ sinh riêng biệt cho lao động.

"So với việc ở phòng trọ ngoài thì ở đây như 'thiên đường' với công nhân chúng tôi. Điều kiện sinh hoạt đảm bảo, an ninh tốt, đặc biệt giá thuê chỉ bằng 1 bát phở, 40.000 - 50.000 đồng/tháng" - chị Hường nói.

Thuê được nhà giá rẻ nên dù thu nhập bấp bênh chỉ vỏn vẹn 6 đến 7 triệu đồng/tháng nhưng Hường kể hằng tháng cũng dành ra được từ 1 - 2 triệu đồng.

Khi hỏi về ý định mua nhà, Hường cười hồn nhiên bảo: "Em chỉ có nguyện vọng được thuê lâu dài căn phòng này, về sau có gia đình thì được thuê trong những căn hộ dành cho những người có gia đình. Lương 6 - 7 triệu đồng/tháng, đủ ăn là mừng lắm rồi, không dám mơ có cho mình được ngôi nhà đâu".

Được thuê nhà giá rẻ cũng là mong mỏi của rất nhiều công nhân hiện nay bởi thực tế cho thấy, hiện người có thu nhập thấp, nhất là tại các đô thị chủ yếu là công nhân, người mới đi làm, có thu nhập thấp hơn mức trung bình. Trong khi nhà ở là tài sản quá lớn, quá sức đối với đại bộ phận người có thu nhập thấp nên việc mua, sở hữu một căn hộ dù là nhà ở xã hội trả góp cũng là gánh nặng tài chính quá lớn.

Không dễ thuê

Tại Hà Nội, theo ông Bùi Quốc Dũng - Trưởng Phòng Quản lý nhà ở xã hội - tái định cư (Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội), chỗ ở cho công nhân được Thành phố quan tâm từ nhiều năm nay. Trong đó, Khu nhà ở công nhân Kim Chung (xã Kim Chung, huyện Đông Anh) là một trong những khu nhà ở thí điểm đầu tiên được xây dựng cho công nhân thuê với nguồn kinh phí của Thành phố.

Khu nhà ở cho công nhân với quy mô 28 tòa, gồm 24 tòa nhà cao 5 tầng (1.084 căn hộ), cung cấp 9.168 chỗ ở và 4 tòa nhà cao 15 tầng (448 căn hộ), cung cấp 2.352 chỗ ở. Số lượng chỗ ở này mới đáp ứng được khoảng 6,8% chỗ ở cho công nhân hiện nay. Giá cho thuê của các căn hộ tại đây khá rẻ: 120.000 đồng/người/tháng với căn hộ tập thể và gần 30.000 đồng/m2/tháng đối với căn hộ có diện tích 45-70m2. Dù vậy, theo ông Dũng, số nhà này chỉ đáp ứng phần rất nhỏ so với nhu cầu của công nhân hiện nay.

Cũng làm công nhân tại KCN Thăng Long nhưng chị Nguyễn Thị Vân không được may mắn như chị Hường. Chưa có gia đình, chị Vân cùng 3 người bạn thuê chung căn phòng trọ rộng chừng 15 m2 với giá thuê là 1,8 triệu đồng chưa bao gồm điện, nước. Tính ra mỗi tháng mỗi người phải chi từ 500 đến 700 nghìn đồng tiền thuê nhà. “Số tiền này sẽ không phải lớn nếu điều kiện sống cũng như an ninh tốt, đằng này khu trọ đông người nhiều khi chỉ quên không cất đồ dùng là ngay lập tức bị mất. Chưa kể, vệ sinh chung rất bất tiện, nhiều lần làm đêm về phải chờ nhau để tắm gội, mất thời gian và mệt mỏi. Cám cảnh ở trọ ngoài, nhiều lần, chúng tôi làm đơn xin thuê trọ trong khu nhà trọ công nhân KCN, tuy nhiên, đơn vẫn chưa được duyệt vì các phòng đều đã kín”- chị Vân giãi bày.

Theo bà Nguyễn Thị Tám - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh, huyện có trên 4.000 doanh nghiệp, 22.400 công nhân đang làm việc và thuê trọ. Trước đây, huyện đã hỗ trợ thuê trọ cho toàn bộ số lao động này. Riêng xã Kim Chung có khoảng 800 nhà dân có nhà cho thuê trọ, khoảng 5.000 lao động thuê trọ.

"Do số lượng chung cư xã hội cho công nhân hạn chế nên hầu hết công nhân chọn thuê trọ ngoài nhà dân, dù phòng ốc chật chội nhưng cũng tiện cho sinh hoạt" - bà Tám nói.

Trước thực tế này, PGS,TS. Bùi Thị An thẳng thắn cho rằng, chúng ta bàn nhiều về giải pháp để thúc đẩy năng suất lao động nhưng vấn đề cốt lõi vì sao năng suất lao động thấp chưa được nhìn nhận. Công nhân đa phần là có thu nhập thấp, lúc nào cũng đau đáu nỗi lo nhà ở, chỗ học cho con thì làm sao yên tâm làm việc, cải thiện tay nghề được.

“Nhà ở công nhân, không cần phải nói, chúng ta đều thấy đây là vấn đề cấp thiết và rất nóng hiện nay. Về mặt chính sách, tôi thấy khá toàn diện nhưng chúng ta chưa nhận diện rõ vấn đề. Đây cũng là lý do vì sao vấn đề nhà ở cho công nhân bao năm vẫn "rối". Theo tôi, bên cạnh chính sách xây nhà ở xã hội để bán, Nhà nước cần có quỹ đất riêng để xây nhà ở xã hội cho công nhân thuê” - bà An nói.

Đồng quan điểm, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Vũ Minh Tiến nhìn nhận, trong lúc đợi xây dựng nhà ở xã hội đáp ứng cơ bản nhu cầu về nhà ở thì trước mắt, cần cải thiện chỗ ở, chất lượng nhà ở cho người lao động hiện đang đi thuê trọ trong các khu dân cư./.

MINH LONG