Sử dụng kết quả thanh tra, kiểm toán phục vụ công tác giám sát
Chính trị - Ngày đăng : 11:18, 19/08/2023
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 25, sáng 18/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Kế hoạch giám sát và Đề cương báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”.
Giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết 43
Báo cáo về Kế hoạch giám sát và Đề cương báo cáo của Đoàn giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh - Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát nêu rõ, nội dung giám sát tập trung vào việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, chính sách quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội;
Việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia (Dự án Sân bay Long Thành; các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 và 2021-2025; dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh; dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1; dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1; dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1).
Đối tượng giám sát là Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan, tổ chức có liên quan.
Phạm vi giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 43/2023/QH15 là từ khi ban hành Nghị quyết đến hết ngày 31/12/2023 và các thời kỳ trước, sau có liên quan trên phạm vi cả nước.
Phạm vi giám sát việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư một số dự án quan trọng quốc gia trên là từ khi ban hành Nghị quyết đến hết ngày 31/12/2023 và các thời kỳ trước, sau có liên quan theo từng dự án cụ thể.
Xác định rõ phạm vi trọng tâm, trọng điểm giám sát
Đánh giá đây là chuyên đề giám sát rộng nhưng thời gian rất ngắn, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, với phạm vi giám sát như đã nêu, cần xác định phạm vi trọng tâm, trọng điểm để tránh dàn trải và quá trình giám sát có hiệu quả, kịp tiến độ báo cáo Quốc hội.
Đề cập đến đối tượng giám sát, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị, cần bổ sung thêm HĐND để đúng và phù hợp với Nghị quyết số 94/2023/QH15 của Quốc hội về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023.
Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung cho biết, Nghị quyết 43 đã giao cho Kiểm toán nhà nước tổ chức thực hiện triển khai kiểm toán các nội dung của Nghị quyết và báo cáo Quốc hội theo định kỳ vào cuối năm 2022, cuối năm 2023 và giữa năm 2024.
Theo tinh thần của Nghị quyết, Kiểm toán nhà nước đã xây dựng kế hoạch và phân công tổ chức thực hiện kiểm toán, phân công cụ thể cho các chuyên ngành cũng như các đơn vị trực thuộc để triển khai đồng bộ các nội dung trong Nghị quyết.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị cần tập trung rà soát, xác định rõ phạm vi, mục tiêu trọng tâm, trọng điểm của chuyên đề giám sát.
Nhấn mạnh nội dung và phạm vi giám sát rộng, nhiều nội dung chuyên sâu, vì vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần tiếp tục xem xét, rà soát bảo đảm tiếp cận theo các nhóm vấn đề lớn, nghiên cứu kỹ để sử dụng kết quả thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và kết quả giám sát của các cơ quan của Quốc hội trong thời gian thực hiện Nghị quyết số 43/2023/QH15 và các Nghị quyết về chủ trương đầu tư của một số dự án trọng điểm quốc gia./.
Đoàn giám sát dự kiến giám sát trực tiếp tại 8 Bộ, ngành và 10 tỉnh, thành phố, gồm các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; các cơ quan: Kiểm toán nhà nước, Ngân hàng nhà nước; các địa phương: TP. Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, Đắk Lắc, Khánh Hòa, Cần Thơ, Sóc Trăng, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.