“Méo mó” trong triển khai chủ trương xã hội hóa đào tạo nghề

Xã hội - Ngày đăng : 10:00, 21/08/2023

(BKTO) - Khẳng định xã hội hóa (XHH) lĩnh vực dạy nghề là chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước, các Bộ, ngành đang tích cực đôn đốc, hướng dẫn thực hiện. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai tại các địa phương đã nảy sinh nhiều bất cập, làm giảm hiệu quả của chính sách; cũng như chưa phát huy được sự năng động, tích cực của các thành phần xã hội tham gia vào đào tạo nghề.
ktv-3-.jpg
Qua kiểm toán, KTNN chỉ ra nhiều bất cập trong triển khai thực hiện chính sách XHH đào tạo nghề. Ảnh: TL

Đây cũng thực trạng được Kiểm toán nhà nước (KTNN) chỉ ra qua hoạt động kiểm toán thời gian qua.

Nhiều bất cập trong triển khai xã hội hóa đào tạo nghề 

Năm 2022, KTNN thực hiện kiểm toán chuyên đề việc thực hiện chính sách XHH theo Nghị định số 59/2014/NĐ-CP, Nghị định số 69/2008/NĐ-CP của Chính phủ trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề giai đoạn 2015-2021. 

Qua kiểm toán, KTNN chỉ ra tình trạng một số địa phương chưa ban hành quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục, dạy nghề (tỉnh Bắc Ninh, Nam Định, Quảng Trị, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Ninh Bình chưa xây dựng quy hoạch, kế hoạch mạng lưới cơ sở dạy nghề đối với giai đoạn sau năm 2020); chưa xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để đầu tư xây dựng phát triển các cơ sở thực hiện XHH. 

Trong khi đó, để nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác XHH giáo dục, Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo” tiếp tục khẳng định: “Đẩy mạnh xã hội hóa, trước hết đối với giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học...”; Chính phủ cũng đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi để thu hút doanh nghiệp tham gia vào đào tạo nghề.

f5a17b583865cf3b9674.jpg
Chủ trương thu hút XHH trong đào tạo nghề luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, yêu cầu thực hiện. Ảnh: N.Lộc

Tuy nhiên, thực tế, nhiều địa phương vẫn chưa có hành động thiết thực, cụ thể để đưa chủ trương, chính sách vào cuộc sống. Điển hình như nhiều địa phương còn chưa ban hành danh mục, mức ưu đãi theo lĩnh vực, địa bàn đối với dự án XHH; chưa ban hành các chế độ ưu đãi cụ thể đối với cơ sở XHH; cơ chế, chính sách thu hút đầu tư trong lĩnh vực XHH dạy nghề chủ yếu tập trung vào ưu đãi về đất đai, chưa xây dựng chính sách ưu đãi về thuế; không có danh mục các dự án XHH hoặc chưa công bố rộng rãi trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia danh mục các dự án kêu gọi XHH…

Bên cạnh đó, có tình trạng địa phương thiếu sót trong công tác quản lý, như cho thuê đất đầu tư dự án khi chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng; giao đất, cho thuê đất đối với các cơ sở dạy nghề khi chưa lập quy hoạch quỹ đất dành cho hoạt động XHH, không phù hợp với quy hoạch mạng lưới cơ sở dạy nghề tại địa phương; vị trí thực hiện dự án không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất; miễn, giảm tiền thuê đất cho các dự án XHH không thuộc quy hoạch; sử dụng đất để đầu tư xây dựng cơ sở XHH chưa đúng mục đích sử dụng... 

Để xã hội hóa trở thành đòn bẩy nâng cao hiệu quả đào tạo nghề

Trong thực tiễn, các hoạt động đào tạo nghề vẫn chưa tương xứng với kỳ vọng; chất lượng đào tạo nghề của các cơ sở đào tạo nhìn chung còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường, doanh nghiệp.

Do đó, các ngành chức năng, các địa phương cần nghiêm túc nhìn nhận về vai trò của XHH đào tạo nghề, từ đó thúc đẩy XHH đào tạo nghề mạnh mẽ hơn nữa. Song song với đó, cần tăng cường kiểm tra, giám sát, đặc biệt là kiểm toán để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, bất cập trong công tác này. 

Theo PGS,TS. Phạm Viết Vượng - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu sư phạm, việc liên kết giữa Nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp trong đào tạo nghề chưa chặt chẽ. Chương trình đào tạo chưa bám sát thị trường nên chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường. Quy mô đào tạo còn nhỏ, cơ cấu nghề đào tạo chưa bao quát toàn bộ kinh tế - xã hội, đặc biệt là những ngành nghề mới cần kỹ năng mới.

“Hơn 80% học sinh tốt nghiệp các trường nghề tìm được việc làm. Tuy nhiên, theo đánh giá của doanh nghiệp, chất lượng đào tạo nghề chưa cao, buộc doanh nghiệp phải đào tạo lại” - ông Vượng cho biết.

Đẩy mạnh xã hội hóa, hợp tác công - tư nhằm huy động và sử dụng hiệu quả nhiều nguồn lực cho phát triển giáo dục nghề nghiệp, nhất là đối với các ngành, lĩnh vực, địa bàn mà khu vực ngoài công lập có thể tham gia; bảo đảm chính sách bình đẳng đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập và ngoài công lập.

Chỉ thị số 21-CT/TW của Ban Bí thư

Từ kết quả kiểm toán, nhiều ý kiến cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác đào tạo nghề, chưa coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, là giải pháp hàng đầu trong việc nâng cao chất lượng lao động. “Khi có sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu thì công tác đào tạo nghề sẽ được chăm lo. Và ngược lại, đào tạo nghề sẽ rất khó có chuyển biến bứt phá” - ông Lê Đình Quảng (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) nhấn mạnh.

anh-15-2389.jpg
Sự tham gia của doanh nghiệp sẽ giúp khắc phục những thiếu hụt trong đào tạo nghề hiện nay. Ảnh: TL

Đánh giá cao những phát hiện của KTNN và cho rằng đây sẽ là yếu tố thôi thúc các địa phương phải thực sự quan tâm đến công tác XHH giáo dục nghề nghiệp hơn nữa, TS. Vũ Xuân Hùng - nguyên Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) nêu rõ, chủ trương thu hút XHH giáo dục nghề nghiệp đã được Đảng, Nhà nước ta đặt ra và được thể hiện xuyên suốt trong nhiều văn bản pháp luật. 

“Dù tồn tại xảy ra ở một vài nơi, nhưng điều đó cho thấy sự thiếu nhất quán trong nhận thức, hành động về xã hội hóa” - TS. Hùng cho biết; đồng thời lưu ý thêm rằng trong bối cảnh cần doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo nghề thì những rào cản này cần sớm được tháo gỡ. 

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, khi chính sách đã thông thoáng, thì sự nhìn nhận của địa phương đối với công tác đào tạo nghề nói chung, XHH đào tạo nghề nói riêng là tiền đề quan trọng để phát huy hiệu quả của chính sách. Đặc biệt, mới đây Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 21-CT/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. 

Theo đó, Ban Bí thư yêu cầu huy động tối đa các nguồn lực từ ngân sách, từ xã hội cho đào tạo nghề. Việc đẩy mạnh XHH đào tạo nghề chính là mệnh lệnh hành động đối với mỗi cơ quan, địa phương, tổ chức và cá nhân có liên quan. Song song với quá trình đó, các ý kiến cũng cho rằng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đặc biệt là vai trò của KTNN trong công tác này để từ đó kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế, đảm bảo hiệu quả thực chất của XHH giáo dục nghề nghiệp./.

N.LỘC