Kon Tum tập trung tháo gỡ pháp lý liên quan tới đất đai, rừng, tài sản
Địa phương - Ngày đăng : 19:28, 21/08/2023
4 nhiệm vụ trọng tâm
Báo cáo của tỉnh Kon Tum và ý kiến tại cuộc làm việc thống nhất đánh giá, trong những năm qua, kinh tế - xã hội của Kon Tum tiếp tục phát triển, đạt nhiều kết quả tích cực.
Năm 2022, tỉnh đạt và vượt 38/39 chỉ tiêu chủ yếu. GRDP tăng khá đạt 9,47%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, thu ngân sách nhà nước tăng 10,56% cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn tăng gần 15,9%. Cơ cấu nông nghiệp chuyển dịch tích cực, năng suất, chất lượng được nâng lên; các cây trồng chủ lực, có lợi thế (cà phê, cao su, mắc ca, sâm Ngọc Linh...) được chú trọng phát triển. Công nghiệp tăng cao; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng gần 22,8%. Dịch vụ, du lịch phục hồi tốt; tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 23,2%.
Trong 7 tháng năm 2023, kinh tế - xã hội của Kon Tum có nhiều điểm sáng. GRDP 6 tháng tăng khá, đạt 6,8% (đứng thứ 22/63 và cao nhất khu vực Tây Nguyên). Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng trên 17% so với cùng kỳ...
Phát biểu kết luận, Thủ tướng cơ bản đồng tình với các báo cáo, ý kiến tại cuộc làm việc; ghi nhận, biểu dương nỗ lực và đánh giá cao kết quả đạt được của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Kon Tum, đóng góp vào thành tựu chung của cả nước.
Về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, bao trùm, Thủ tướng yêu cầu trước hết, tỉnh cần rà soát lại các mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về phát triển Tây Nguyên, các nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả để năm sau cao hơn năm trước và phấn đấu vượt các mục tiêu đã đề ra.
Thứ hai, tập trung tháo gỡ pháp lý liên quan tới đất đai, rừng, tài sản, vốn góp của nhân dân để giải phóng nguồn lực, tập trung cho phát triển nhanh và bền vững.
Thứ ba, đẩy mạnh hợp tác công tư, huy động các nguồn lực Trung ương và địa phương, nguồn vốn ngoài nhà nước, sử dụng hiệu quả để phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, xã hội, văn hóa, y tế, giáo dục, du lịch và năng lượng.
Thứ tư, thúc đẩy việc liên kết 6 nhà (Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà băng và nhà phân phối), đẩy mạnh thành lập các hợp tác xã, tăng cường hợp tác với doanh nghiệp, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, để người dân gắn bó, hưởng lợi, thoát nghèo, làm giàu từ đất, từ rừng.
Chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ khai thác tài nguyên sang đổi mới sáng tạo
Phân tích thêm một số nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu tỉnh tập trung cho công tác quy hoạch, khẩn trương hoàn thiện, trình phê duyệt quy hoạch tỉnh, các quy hoạch chuyên ngành.
Chú trọng phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn. Thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa đổi mới mô hình tăng trưởng từ khai thác tài nguyên thiên nhiên sang dựa vào đổi mới sáng tạo, năng suất lao động cao, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, nhất là trong những lĩnh vực có tiềm năng lớn như du lịch, dịch vụ, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến...
Thúc đẩy liên kết vùng để tạo không gian phát triển thống nhất. Gắn không gian phát triển kinh tế của tỉnh với các tỉnh khu vực duyên hải Trung Bộ theo hành lang giao thông quốc lộ 14, 24 và hành lang biên giới Việt Nam-Lào-Campuchia.
Thúc đẩy cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chuyển dịch cây trồng, vật nuôi có năng suất, giá trị cao, tập trung vào những sản phẩm có thế mạnh; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, vùng trồng dược liệu dưới tán rừng; tiếp tục đẩy mạnh Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP); tập trung xây dựng một số sản phẩm thương hiệu quốc gia và quốc tế (nhất là sâm Ngọc Linh).
Đẩy mạnh phát triển công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến nông sản, năng lượng tái tạo. Khai thác tốt hơn lợi thế của khu kinh tế cửa khẩu Bờ Y và các tuyến đường nối với Lào, Campuchia.
Phát triển du lịch theo hướng hiện đại, nhiều sản phẩm chất lượng cao gắn với tiềm năng, lợi thế về danh lam thắng cảnh, điều kiện tự nhiên, đặc sản riêng có, môi trường sinh thái và bản sắc văn hóa các dân tộc Tây Nguyên nói chung, của Kon Tum nói riêng (du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp...). Phát triển khu du lịch sinh thái Măng Đen trở thành điểm nhấn.
Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài chính - ngân sách nhà nước. Tăng cường các giải pháp quản lý, nuôi dưỡng nguồn thu bảo đảm bền vững; triệt để tiết kiệm chi.
Phát triển, quản lý đô thị và bố trí dân cư, bảo đảm phù hợp với điều kiện đặc trưng về sinh thái, bản sắc văn hóa địa phương. Tiếp tục xây dựng và thực hiện tốt các cơ chế, chính sách thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển, tăng cường hợp tác công tư, chú trọng phát triển, thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong nước và quốc tế theo hướng xanh, phát triển bền vững, ứng dụng khoa học công nghệ.
Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là các dự án, công trình trọng điểm. Tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại; trọng tâm là hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục, hạ tầng khu, cụm công nghiệp, hạ tầng thông tin, viễn thông, thủy lợi...
Tại cuộc làm việc, sau khi lãnh đạo các Bộ, ngành trả lời các đề xuất, kiến nghị của Kon Tum, Thủ tướng đã cho ý kiến chỉ đạo với từng nội dung cụ thể trên tinh thần cơ bản đồng tình; các Bộ, ngành xử lý theo thẩm quyền, hoàn thành trong quý III/2023, nếu vượt thẩm quyền thì đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Trước đó, ngày 19/8, Thủ tướng đã khảo sát thực tế địa điểm dự kiến xây dựng sân bay Măng Đen (huyện Kon PLông), nghe báo cáo về việc lập quy hoạch sân bay này, hướng tuyến cao tốc Kon Tum -Quảng Ngãi, định hướng lập quy hoạch, phát triển Khu du lịch quốc gia Măng Đen; khảo sát tại vườn sâm Ngọc Linh, xã Ngọk Lây huyện Tu Mơ Rông, thăm một số hộ dân và doanh nghiệp liên kết trồng sâm, tặng 12.000 cây giống sâm Ngọc Linh cho các hộ nghèo; nghe báo cáo, đề xuất về việc phát triển điện gió trên địa bàn.../.