Hải Dương xây dựng nền nông nghiệp xanh an toàn, bền vững
Địa phương - Ngày đăng : 10:22, 22/08/2023
Định hướng chung lâu dài và hiệu quả
Hiện nay, tỉnh Hải Dương là một trong 46 tỉnh thành trong cả nước có diện tích sản xuất nông nghiệp xanh lớn. Theo đánh giá của lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hải Dương là một trong những địa phương đi đầu trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ của cả nước. Sản xuất nông nghiệp xanh của tỉnh đang đi đúng định hướng phát triển liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Trong chiến lược phát triển nông nghiệp hiện nay, tỉnh Hải Dương đang lựa chọn các loại nông sản chủ lực, phù hợp với đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng địa phương để tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Đồng thời với đó, sản xuất gắn với xây dựng thương hiệu nhằm đảm bảo nông sản có tính cạnh tranh, mở rộng kênh phân phối và thị trường tiêu thụ.
Sản xuất xanh là giải pháp kiến tạo nền nông nghiệp bền vững. Với điều kiện sản xuất phù hợp, Hải Dương đã và đang kiên định với lựa chọn này. Nông sản Hải Dương đang hướng tới thị trường xuất khẩu, đồng thời phát triển nông nghiệp hữu cơ nhằm tạo ra sản phẩm nông sản an toàn có giá trị dinh dưỡng cao, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái… Đây là chủ trương lớn gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát huy lợi thế so sánh của địa phương trong tỉnh.
Đến nay, toàn tỉnh có hơn 15.500ha rau màu, trái cây sản xuất theo quy trình GAP. Trong đó có hơn 1.500ha được cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Trong sản xuất hữu cơ, Hải Dương có 421,7ha canh tác theo hướng này và có 150ha đã được công nhận đạt chuẩn. Tỉnh đã xây dựng 287 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu.
Bên cạnh thế mạnh sản xuất sạch trong trồng trọt, Hải Dương cũng phát huy lợi thế này ở lĩnh vực chăn nuôi. Toàn tỉnh có 521 cơ sở chăn nuôi đáp ứng tiêu chí sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. 1.000ha nuôi thủy sản theo hình thức “ao nổi”, “sông trong ao” nhằm giảm thiểu ảnh hưởng tới môi trường nước. Hải Dương cũng tiên phong ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm và xây dựng nhà màng, nhà lưới phục vụ sản xuất.
Nhiều lợi thế song vẫn tồn tại hạn chế
Song song với đà phát triển, sản xuất nông nghiệp hữu cơ của tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế như chưa tương xứng với lợi thế của địa phương, chưa phát triển toàn diện trên các lĩnh vực của ngành nông nghiệp; doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) tham gia đầu tư và nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp hữu cơ còn hạn chế; người dân vẫn khó tiếp cận với các quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn quy chuẩn; đội ngũ kỹ thuật và nguồn nhân lực tại địa phương phục vụ cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ chưa được quan tâm đào tạo…
Để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ, ngành nông nghiệp tỉnh Hải Dương đang rà soát, khoanh vùng khu vực sản xuất nông nghiệp hữu cơ bền vững. Hình thành vùng nguyên liệu hữu cơ để phục vụ sản xuất, chế biến, xuất khẩu và tiêu dùng trong nước. Hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong việc đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn tổ chức sản xuất và chứng nhận nông sản xanh, sạch, hữu cơ. Đặc biệt, thúc đẩy kết nối liên kết vùng, liên kết doanh nghiệp, thành lập các hiệp hội để chia sẻ kinh nghiệm, tìm hiểu, phát triển thị trường, đưa ra các cơ chế, chính sách sản xuất nông nghiệp bền vững... Gắn phát triển vùng nguyên liệu tập trung theo tiêu chuẩn, quy chuẩn hữu cơ với thu hút, kêu gọi đầu tư các cơ sở chế biến sâu có công nghệ hiện đại, có giá trị gia tăng cao.
Tỉnh Hải Dương cũng đã khẩn trương, kịp thời có những chỉ đạo, ban hành nhiều chương trình, đề án phát triển nông nghiệp xanh. Với tiềm năng, thế mạnh vốn có, tỉnh quyết tâm xây dựng một nền nông nghiệp xanh bền vững, mang giá trị kinh tế cao. Vừa qua, tỉnh đã ban hành Đề án “Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” nhằm tạo tiền đề gây dựng nền nông nghiệp xanh để vừa khai thác, vừa gìn giữ, bảo vệ tư liệu, điều kiện sản xuất. Cùng với việc đề ra mục tiêu, Hải Dương ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ nhằm khuyến khích, tạo động lực cho các tổ chức, cá nhân phát triển nông nghiệp xanh. Tỉnh hỗ trợ người dân kinh phí phát triển sản xuất trồng trọt, chăn nuôi theo VietGAP, GlobalGAP, kiểm soát an toàn dịch bệnh; tích cực chuyển giao kỹ thuật, công nghệ, hướng người dân tới sản xuất tuần hoàn, hạn chế tác động tới môi trường./.