Nền kinh tế Hàn Quốc "hụt hơi" do năng suất lao động suy giảm
Kinh tế - Ngày đăng : 17:32, 22/08/2023
Làm nhiều hơn nhưng kiếm được ít tiền hơn
Người Hàn Quốc làm việc nhiều giờ hơn hầu hết các thành viên của OECD nhưng lại kiếm được ít tiền hơn. Sự chênh lệch này làm trầm trọng thêm tình trạng tăng trưởng kinh tế tụt hậu của quốc gia. Trước tình hình đó, Chính phủ Hàn Quốc đã kêu gọi thực hiện các hành động quyết đoán để giải quyết tình trạng năng suất lao động đang suy giảm.
Theo báo cáo của Văn phòng Ngân sách Quốc hội Hàn Quốc, năng suất lao động mỗi giờ của Hàn Quốc vào năm 2022 ở mức 49,4 USD, xếp thứ 33 trong số 37 quốc gia thành viên OECD.
Ireland là nước đứng đầu với năng suất ở mức 155,5 USD. Đức và Mỹ theo sau với con số lần lượt 88 USD và 87,6 USD, trong khi Nhật Bản ghi nhận mức năng suất 53,2 USD. Các quốc gia xếp hạng thấp hơn Hàn Quốc là Hy Lạp, Chile, Mexico và Colombia.
Năng suất lao động của Hàn Quốc đã có một bước chuyển đáng lo ngại. Trong quý đầu tiên của năm 2023, năng suất của tất cả các ngành giảm khoảng 2% so với cùng kỳ năm trước.
Viện Phát triển Hàn Quốc (KDI) cảnh báo nếu quỹ đạo năng suất hiện tại vẫn tiếp tục, tốc độ tăng trưởng tiềm năng của Hàn Quốc có thể giảm mạnh xuống khoảng 0% vào năm 2050. Mối lo ngại ngày càng tăng với tỷ lệ sinh thấp và dân số giá ở Hàn Quốc.
Ông Choo Kwang-ho, Giám đốc Bộ phận Chính sách Kinh tế thuộc Viện Nghiên cứu Kinh tế Hàn Quốc (KERI), cho biết: “Các quốc gia nơi người lao động làm việc ít giờ hơn nhưng có thu nhập cao hơn thường ưu tiên thúc đẩy việc làm bán thời gian, nới lỏng các quy định lao động và đạt được tỷ lệ việc làm cao. Mức lương cao của họ về cơ bản là nhờ năng suất tăng cao.”
Trong một cuộc hội thảo gần đây, bà Suh Young-kyung, một thành viên của Ban Chính sách Tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) cho biết nếu tiếp tục chứng kiến sự suy giảm năng suất, chắc chắn Hàn Quốc sẽ quay trở lại tình trạng tăng trưởng thấp và lạm phát thấp, gây thêm căng thẳng cho các chính sách tiền tệ quốc gia.
Quy mô kinh tế của Hàn Quốc giảm 3 bậc trong năm 2022
Ở diễn biến khác, theo các số liệu được công bố cho thấy tổng sản phẩm quốc nội (GDP) danh nghĩa của Hàn Quốc (áp dụng tỷ giá hối đoái thị trường) năm 2022 ước tính là 1,6733 nghìn tỷ USD, đứng thứ 13 trên thế giới, tụt 3 bậc so với hạng 10 năm 2021.
Căn cứ vào số liệu của BOK, xét theo quốc gia, 3 thứ hạng đầu tiên vẫn đang lần lượt thuộc về Mỹ (25,4627 nghìn tỷ USD), Trung Quốc (17,876 nghìn tỷ USD) và Nhật Bản (4,2256 nghìn tỷ USD). Các quốc gia còn lại lần lượt nằm trong top 10 là Đức (4,752 nghìn tỷ USD), Anh (3,798 nghìn tỷ USD), Ấn Độ (3,096 nghìn tỷ USD), Pháp (2,7791 nghìn tỷ USD), Canada (2,1436 nghìn tỷ USD), Nga (2,503 nghìn tỷ USD) và Italy (2,105 nghìn tỷ USD). Hai nước đứng trước Hàn Quốc là Brazil xếp thứ 11 (1,8747 nghìn tỷ USD) và Australia xếp thứ 12 (1,723 nghìn tỷ USD).
Trước đó, GDP của Hàn Quốc đã lọt vào top 10 vào năm 2018, tuy nhiên năm 2019 đã tụt 2 bậc và rớt xuống vị trí thứ 12 sau đó lấy lại vị trí thứ 10 vào năm 2020 và duy trì vị trí này trong năm 2021.
Quy mô kinh tế của Hàn Quốc giảm 3 bậc là do sức sống tăng trưởng tổng thể giảm và GDP danh nghĩa quy đổi sang USD giảm do đồng USD mạnh lên vào năm ngoái. Cụ thể, GDP danh nghĩa của Hàn Quốc năm 2022 tính theo đồng tiền bản địa là 2,1618 triệu tỷ won, tăng 3,9% so với năm trước đó. Tuy nhiên, tính theo USD do tỷ giá hối đoái tăng (bình quân hàng năm là 12,9%) nên trên thực tế con số này đã ghi nhận thành giảm 7,9%.
Nếu xét theo đồng won thì GDP danh nghĩa của Hàn Quốc đang duy trì đà tăng với 1,9245 triệu tỷ won vào năm 2019, 1,9407 triệu tỷ won vào năm 2020, 2,0802 triệu tỷ won vào năm 2021 và 2,1618 triệu tỷ won vào năm 2022.
Ngược lại, khi xét theo USD thì GDP danh nghĩa của Hàn Quốc lại liên tục giảm, từ 1,651 nghìn tỷ USD năm 2019 xuống còn 1,6446 nghìn tỷ USD vào năm 2020, cũng như 1,8177 nghìn tỷ USD vào năm 2021 và 1,6733 nghìn tỷ USD vào năm 2022.
Một quan chức của BOK cho biết: "Hầu hết các chỉ số chuyển đổi tỷ giá hối đoái đều trở nên tồi tệ do USD mạnh lên vào năm ngoái. Do bối cảnh chung là USD mạnh so với các đồng tiền khác, tỷ giá hối đoái của các nước xuất khẩu tài nguyên còn mạnh hơn nữa, dẫn đến xếp hạng GDP danh nghĩa của Hàn Quốc giảm".
Trên thực tế, Nga, Brazil và Australia, những nước đã vượt lên trên Hàn Quốc trong bảng xếp hạng năm 2022 có một điểm chung đều là những nước xuất khẩu nguyên liệu thô như dầu mỏ và khoáng sản.
Khả năng Hàn Quốc vươn lên trở lại vào 'Top 10' trong năm 2023 được dự đoán là không cao. Điều này là do tốc độ tăng trưởng thực tế của nền kinh tế Hàn Quốc năm nay dự báo sẽ chỉ dừng ở mức trung bình 1% và GDP danh nghĩa tính theo USD cũng có thể tương đối bất lợi do ảnh hưởng của hiện tượng USD mạnh vẫn còn.
Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới được công bố vào tháng 4, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tốc độ tăng trưởng của Hàn Quốc trong năm nay từ 1,7% xuống 1,5%. Mặt khác, dự báo tăng trưởng cho các nước phát triển được nâng từ 1,1% lên 1,2%.
Giáo sư kinh tế Sung Tae Yoon tại Đại học Yonsei cho biết: "Việc giảm thứ hạng của Hàn Quốc là do đồng won yếu, nguyên nhân là do hoạt động xuất khẩu kém hiệu quả. Điều này đang làm suy yếu nền kinh tế." Giáo sư Sung đánh giá cao việc tăng cường khả năng xuất khẩu của các công ty Hàn Quốc và bày tỏ: "Điều cần thiết là tập trung vào các ngành ngoài chất bán dẫn, cũng như các lĩnh vực có thể thúc đẩy tăng trưởng dài hạn."