Chuyển đổi số, cơ hội phát triển kinh tế nông nghiệp xanh, gia tăng giá trị

Xã hội - Ngày đăng : 06:07, 24/08/2023

(BKTO) - Trong bối cảnh ngành nông nghiệp đang thực hiện chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, chuyển đổi số (CĐS) được ví như “đòn bẩy”, giúp tối ưu hóa sản xuất và đem lại nhiều cơ hội phát triển. Do đó, việc nhận diện rào cản và có giải pháp để vượt qua thách thức trong CĐS chính là nhiệm vụ trọng tâm đối với ngành nông nghiệp hiện nay.
ictvietnam-mediacdn-vn-a1-1599187800261849141870.jpg
Chuyển đổi số giúp ngành nông nghiệp gia tăng giá trị, phát triển bền vững. Ảnh: Ict Việt Nam

Vướng mắc trong chuyển đổi số

Từ những sản phẩm từng xa lạ với thị trường thế giới, đến nay, thanh long và tôm là hai trong số nhiều mặt hàng nông nghiệp chính của Việt Nam đã đến hầu hết thị trường, trong đó có thị trường khó tính như các nước châu Âu, với những đòi hỏi rất cao về yêu cầu, tiêu chuẩn sản xuất, chế biến, bảo quản.

Đây cũng là hai sản phẩm nằm trong Dự án “Thúc đẩy đầu tư của tư nhân vào nông nghiệp các-bon thấp và ứng phó biến đổi khí hậu” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) phối hợp thực hiện với tỉnh Bình Thuận, Bạc Liêu từ năm 2019 đến nay. Hệ thống truy xuất nguồn gốc các-bon "số hóa" được thiết lập cho hai mặt hàng này, giúp tạo cơ hội cạnh tranh rất lớn tại thị trường nước ngoài.

Theo Giám đốc Trung tâm CĐS và Thống kê nông nghiệp Nguyễn Quốc Toản, người tiêu dùng tại các thị trường châu Âu luôn đề cao tính an toàn, thân thiện với môi trường và tính minh bạch. “Việc số hóa truy xuất nguồn gốc, đặc biệt là chỉ số các-bon đã trở thành điểm cộng rất lớn cho sản phẩm Việt ở nước ngoài” - ông Toản cho biết.

Đây chỉ là một trong rất nhiều ảnh hưởng tích cực của công nghệ số đối với sự phát triển của ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung, quá trình CĐS ngành nông nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức như: cơ sở hạ tầng số ở nông thôn còn thiếu; quy mô ứng dụng CĐS còn hạn chế, chưa đồng bộ giữa các vùng, miền; nhận thức và kỹ năng sử dụng thiết bị thông minh của nông dân còn hạn chế; diện tích canh tác nhỏ; các doanh nghiệp đầu tư vào CĐS chưa nhiều…

Là một trong những tỉnh tiên phong trong chuyển đổi số, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai Trần Lâm Sinh cho biết, ngành nông nghiệp của tỉnh đã đẩy mạnh thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường số (với 86 thủ tục được vận hành ở mức độ 3, 4, chiếm tỷ lệ 93% tổng số thủ tục hành chính); tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận trong năm 2022 là 1.866 hồ sơ, chiếm tỷ lệ 98,3%.

dsc_0170.jpg
CĐS với người nông dân vẫn gặp nhiều thách thức, do phần lớn nông dân quen với phương thức truyền thống, ngại đổi mới... Ảnh: N.Lộc

Tuy nhiên, theo ông Sinh, đơn vị cũng gặp những khó khăn, vướng mắc nhất định. Trong đó, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin chưa đồng bộ; nhân lực cho công nghệ còn hạn chế; một số ứng dụng phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành nhưng riêng lẻ, chưa đồng bộ và liên thông; phần mềm chưa được cập nhật dữ liệu thường xuyên…

Một trong những rào cản lớn nhất, theo chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy, đó là người dân chưa thực sự quan tâm; chưa thấy hết được lợi ích của CĐS. Với số lượng lớn lao động vẫn tập trung ở khu vực nông nghiệp, trong khi đa phần là có trình độ thấp, chưa qua đào tạo bài bản nên khả năng ứng dụng công nghệ rất hạn chế. “Điều này đặt ra thách thức rất lớn để đưa công nghệ số vào nông nghiệp” - ông Thủy nhấn mạnh.

Cần sớm tháo gỡ rào cản

Nông nghiệp được xác định là trụ đỡ của nền kinh tế. Chuyển đổi tư duy kinh tế nông nghiệp, với sự trợ giúp của CĐS sẽ góp phần rút ngắn thời gian để đạt được mục tiêu này một cách bền vững. Do đó, việc triển khai, thực hiện đồng bộ các giải pháp để đẩy mạnh CĐS chính là ưu tiên hàng đầu của ngành nông nghiệp hiện nay. 

Đây cũng là vấn đề được các ý kiến tập trung trao đổi tại Hội nghị về CĐS hướng tới nông nghiệp xanh và phát triển bền vững do Bộ NN&PTNT phối hợp với UNDP tổ chức mới đây.

Nhấn mạnh kết quả hợp tác giữa Bộ NN&PTNT với UNDP trong việc đưa kỹ thuật số vào nông nghiệp, từ đó làm gia tăng giá trị sản phẩm, ông Patrick Haveman - Phó Trưởng Đại diện UNDP mong muốn Bộ NN&PTNT đẩy mạnh ứng dụng hệ thống kỹ thuật số trong việc quản lý dấu chân các-bon cho tất cả ngành hàng xuất khẩu chủ lực. Bởi “nếu thúc đẩy đổi mới sáng tạo và ứng dụng có hệ thống các giải pháp kỹ thuật số tiên tiến, ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ có tính cạnh tranh hơn” - ông Patrick Haveman cho biết.

“Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” (ban hành theo Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) xác định nông nghiệp là 1 trong 8 lĩnh vực được ưu tiên thực hiện CĐS. Đây là yêu cầu tất yếu khách quan, bởi CĐS chính là phương thức quan trọng giúp nông dân sản xuất nông sản chất lượng, với chi phí thấp nhất, nhưng đạt lợi nhuận cao nhất và bền vững. 

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung

Theo Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam, số hóa nông nghiệp, với sự tham gia của doanh nghiệp, gắn liền với việc hiện đại hóa tất cả các khâu trong chuỗi sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm. Để đảm bảo tính khả thi, đồng bộ đòi hỏi phải có đủ quy mô về vốn và mặt bằng. Trong khi các doanh nghiệp nông nghiệp phần lớn có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, do đó, Nhà nước cần có thêm chính sách để trợ giúp doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào CĐS.

TS. Trần Quý - Viện Phát triển Kinh tế số Việt Nam cho rằng, nhận thức và mức độ sẵn sàng "số hóa" của nông dân đang là thách thức lớn trong CĐS nông nghiệp, do đó cần phải có cách tiếp cận phù hợp để thay đổi vấn đề này. “Phần mềm, máy tính chỉ là công cụ. CĐS sẽ thất bại nếu thiếu sự tham gia của con người” - TS. Trần Qúy cho biết; đồng thời lưu ý người nông dân sẽ không tham gia vào CĐS nếu như không thấy lợi ích trong đó. 

Ý thức rõ vai trò của người nông dân trong CĐS, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sơn La Hà Như Huệ cho hay, để nâng cao hiểu biết của người dân về CĐS, cần bắt đầu từ công tác tuyên truyền. Theo đó, việc trao đổi, giới thiệu những mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao có ứng dụng "số hóa" để giúp người nông dân thấy được lợi ích của CĐS - chính là giải pháp được địa phương thực hiện.

Đồng thời, thông qua tổ chức Hội Nông dân và các cơ quan chuyên môn, tỉnh đã hướng dẫn các hộ dân từng bước tiếp cận, làm quen với sàn thương mại điện tử; hội viên nông dân đã nhanh chóng tiếp cận và ứng dụng trên nền tảng mạng xã hội để quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp. “Sau hơn 2 năm triển khai, toàn tỉnh có gần 20 nghìn hộ nông dân đã đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử” - ông Huệ cho biết.

N.LỘC