Cán bộ cần thật sự có uy tín, tín nhiệm

Công tác xây dựng Đảng - Ngày đăng : 09:11, 24/08/2023

(BKTO) - Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam luôn đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ vững mạnh về mọi mặt, nhất là cần thật sự có uy tín, tín nhiệm.
2-thay.jpg
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với các đồng chí lãnh đạo xã và Ban Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp thôn Lạc Trung, xã Bình Dương, huyện Vĩnh Tường (tỉnh Vĩnh Phúc). Ảnh: ST

Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên chỉ rõ những ưu điểm của đội ngũ cán bộ để phát huy, nhân rộng; đồng thời thẳng thắn nêu ra những hạn chế, khuyết điểm cần sửa chữa, khắc phục. Ngay khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới được thành lập, ngày 17/9/1945, Hồ Chí Minh đã viết: “Cán bộ ta nhiều người “cúc cung tận tụy”, hết sức trung thành với nhiệm vụ, với Chính phủ, với quốc dân. Nhưng cũng có người hủ hóa, lên mặt làm quan cách mạng, hoặc là độc hành, độc đoán, hoặc là dĩ công dinh tư. Thậm chí dùng pháp công để thù tư, làm cho dân oán đến Chính phủ và Đoàn thể”. Từ đó, Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, cán bộ chủ chốt phải thật sự tu dưỡng, rèn luyện để có phẩm chất, năng lực tốt, thật sự có uy tín, tín nhiệm. Tháng 10/1947, trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Hồ Chí Minh xác định: “Nhất là những người cán bộ và lãnh tụ, càng phải làm cho xứng đáng lòng tin cậy của Đảng, của dân tộc. Càng phải làm gương cho tất cả đảng viên, tất cả quần chúng noi theo”.

Hồ Chí Minh nêu rất rõ những tiêu chí, yêu cầu về uy tín, tín nhiệm của đội ngũ cán bộ. Người dạy: Cán bộ phải hết lòng, hết dạ phục vụ nhân dân, chấp hành nghiêm chỉnh chính sách, pháp luật, phải luôn đoàn kết nhất trí, giữ vững đạo đức cần, kiệm, liêm, chính và kiên quyết chống quan liêu, tham ô, lãng phí. Trong bài “Cán bộ và đời sống mới” đăng Báo Sự thật ngày 02/9/1947, Người viết: “Muốn được dân tin, dân phục, dân yêu, cán bộ phải tự mình làm đúng đời sống mới. Nghĩa là phải siêng năng, tiết kiệm, trong sạch, chính đáng. Nếu không thực hành bốn điều đó, mà muốn được lòng dân, thì cũng như bắc dây leo trời”.

Hồ Chí Minh cũng chỉ ra nhân dân có quyền lựa chọn những cán bộ có uy tín, tín nhiệm ngay từ cơ sở để làm gương cho mình. Ngày 20/3/1947, Người nêu rõ: “Cán bộ của làng phải là người trong sạch, công bình, thạo việc, có thể làm gương cho dân làng; có thể hy sinh lợi ích riêng cho lợi ích chung. Trong nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, dân có quyền lựa chọn những cán bộ như thế”.

Hồ Chí Minh luôn yêu cầu cán bộ phải vừa có đức, vừa có tài và đức, tài của người cán bộ phải luôn song hành, có mối quan hệ bền chặt với nhau. Tại Đại hội Sinh viên Việt Nam lần thứ II, ngày 07/5/1958, Người căn dặn: “Có tài mà không có đức ví như một anh làm kinh tế tài chính rất giỏi nhưng lại đi đến thụt két thì chẳng những không làm được gì ích lợi cho xã hội, mà còn có hại cho xã hội nữa. Nếu có đức mà không có tài ví như ông Bụt không làm hại gì, nhưng cũng không lợi gì cho loài người”.

Thực tế cho thấy: Để thật sự có được uy tín, tín nhiệm cao thì uy tín, tín nhiệm của cán bộ, đảng viên phải có ở mọi lúc, mọi nơi, trong mọi hoàn cảnh, lúc còn đang công tác, cũng như khi nghỉ hưu, lời nói phải đi đôi với việc làm, bản thân phải luôn gương mẫu. Ngày 09/6/1953, trong bài nói tại buổi Lễ bế mạc Lớp chỉnh huấn cán bộ Đảng, dân, chính các cơ quan Trung ương, Hồ Chí Minh nói: “Phải “chính tâm tu thân” mới có thể “trị quốc bình thiên hạ”. Với quan điểm nếu cán bộ thi đua thực hành liêm khiết thì sẽ gây nên tính liêm khiết trong nhân dân, Hồ Chí Minh thường nhắc nhở cán bộ phải vừa gương mẫu, vừa phải làm cho cơ quan, cấp dưới cũng phấn đấu rèn luyện được như mình. Người từng căn dặn đội ngũ cán bộ Quân đội: “Các chú không lấy của công làm của tư, không lấy chiến lợi phẩm về cho gia đình bè bạn mới chỉ là Liêm một nửa. Các chú phải dạy cho bộ đội và khuyến khích nhân dân không lấy của công, không lấy chiến lợi phẩm làm của riêng mới thật là Liêm”.

Thực tiễn những năm gần đây đã và đang chứng minh Đảng và đội ngũ cán bộ của Đảng không ngừng rèn luyện phấn đấu để duy trì, củng cố, nâng cao uy tín, tín nhiệm trong Đảng, trong dân và trong xã hội. Những thành công đạt được đã giúp cho Đảng và đội ngũ cán bộ của Đảng luôn có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín lãnh đạo cách mạng tiếp tục phát triển.

Hiện nay, yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong thời kỳ mới đòi hỏi Đảng phải tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác củng cố, duy trì, phát huy tốt nhất uy tín, tín nhiệm của đội ngũ cán bộ các cấp của Đảng. Đây là mục tiêu, nhiệm vụ thường xuyên, cấp bách, cần có sự quyết tâm cao, giải pháp tích cực, hiệu quả với sức mạnh tổng hợp của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta.

Cũng cần chú ý rằng: Các thế lực thù địch, thế lực xấu đã và đang dùng nhiều âm mưu, thủ đoạn chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng, nhân dân và chế độ ta. Ví dụ, chúng đưa ra nhiều luận điệu sai trái như: Quy định về việc lấy phiếu tín nhiệm trong Đảng là “không khả thi”, cốt để “mị dân” tổ chức lấy phiếu tín nhiệm là “hình thức”, “không thực chất”. Chúng xuyên tạc, vu cáo rằng: Đảng và cán bộ, đảng viên của Đảng, nhất là cán bộ cao cấp “không có uy tín”, “thiếu tín nhiệm”, đều bị “nhân dân ghét bỏ”. Vì vậy, Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên phải kiên quyết, kiên trì đấu tranh với sự chống phá trên bằng quyết tâm cao và biện pháp tích cực, thiết thực, trong đó quan trọng nhất là phải bằng chính sự tự nguyện, tự giác gương mẫu, xây dựng và giữ gìn, phát huy uy tín, tín nhiệm của mình trong Đảng, trong xã hội, trước nhân dân. Tiêu biểu như thời gian qua, trong Quân đội nhân dân Việt Nam, tinh thần trên nêu gương mẫu mực, dưới tích cực làm theo đã được triển khai thực hiện sâu rộng, đem lại kết quả rất thiết thực.

Đồng thời, cán bộ, đảng viên cũng cần tự giác đấu tranh với những hạn chế, khuyết điểm ngay trong nội bộ và chính bản thân mình để xây dựng, giữ gìn uy tín, tín nhiệm. Chúng ta cần thực hiện nghiêm túc nội dung mà tại Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ của Đại hội Đảng lần thứ XIII vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ phải: Chấn chỉnh, đấu tranh loại bỏ tư tưởng bàn lùi, lo ngại rằng nếu đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực quá mạnh sẽ cản trở sự phát triển, làm nhụt ý chí, làm “cầm chừng”, “phòng thủ”, “che chắn”, giữ “an toàn”, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Để thật sự có uy tín, tín nhiệm, cán bộ, đảng viên cần phải được sự quan tâm, giúp đỡ, kiểm tra, giám sát của Đảng, của nhân dân. Nhưng yếu tố quyết định nhất vẫn là tinh thần tự nguyện, tự giác, kiên quyết, kiên trì rèn luyện phấn đấu của từng cá nhân cán bộ, đảng viên. Đây chính là sức mạnh nội sinh sâu sắc để cán bộ, đảng viên thật sự có được uy tín, tín nhiệm và niềm tin bền chặt của nhân dân.

Và khi có được tín nhiệm, uy tín, niềm tin vững vàng của nhân dân thì cán bộ, đảng viên sẽ làm được đúng như lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy từ ngày 15/6/1947: “Cán bộ mà làm cho dân tin, dân phục, dân yêu, thì việc gì cũng mỹ mãn”./.

MINH CÔNG