Giá gạo tăng vọt, an ninh lương thực toàn cầu ngày càng nghiêm trọng

Kinh tế - Ngày đăng : 10:00, 24/08/2023

(BKTO) - An ninh lương thực toàn cầu vốn đã bị đe dọa kể từ khi Nga rút khỏi Thỏa thuận Ngũ cốc Biển Đen và hiện tượng thời tiết El Nino làm giảm sản lượng gạo. Lệnh cấm xuất gạo của Ấn Độ và các hiện tượng thời tiết cực đoan càng làm nghiêm trọng hơn vấn đề an ninh lương thực của nhiều quốc gia, đặc biệt là châu Á.
gao-the-hindu-business.jpeg
Thế giới đang thiếu hụt khoảng 9,5 triệu tấn gạo sau lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ - Nguồn: The Hindu Business

Thiếu hụt 9,5 triệu tấn gạo

Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, tháng trước đã quyết định cấm xuất khẩu một số loại gạo của nước này, nhằm kiểm soát giá gạo trong nước trước thềm kỳ bầu cử quan trọng. Động thái này đã làm thiếu hụt khoảng 9,5 triệu tấn gạo mà người dân trên toàn thế giới đang cần, tức gần bằng 1/5 lượng gạo xuất khẩu trên toàn cầu.

Kể cả trước khi có lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ, nhiều nước đã tăng cường mua gạo với dự đoán nguồn cung sẽ trở nên khan hiếm dưới tác động của El Nino, gây ra tình trạng thiếu cung và đẩy giá lên cao.

Điều có thể khiến tình hình này trở nên trầm trọng hơn là khi lệnh cấm của Ấn Độ gây ra hiệu ứng domino, khiến nhiều nước khác cũng đưa ra động thái tương tự. Đơn cử như các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đã ngừng xuất khẩu gạo để duy trì nguồn cung trong nước.

Một mối đe dọa khác là khi các hiện tượng thời tiết cực đoan tàn phá mùa màng ở các nước khác. El Nino có thể gây tác động trên toàn cầu. Lượng gạo tiêu thụ ở châu Phi đang tăng đều, và phần lớn các nước ở châu lục này đang phụ thuộc nặng nề vào nguồn gạo nhập khẩu.

Trong khi đó, giá gạo nhập khẩu tại Senegal, trong đó 70% đến từ Ấn Độ, đã tăng cao đến mức khiến nhiều người không đủ khả năng chi trả. Trước tình hình đó, Senegal sẽ quay sang các đối tác thương mại khác như Thái Lan hay Campuchia để nhập khẩu gạo.

Các nước châu Á, nơi sản xuất và tiêu thụ 90% lượng gạo của thế giới, cũng đang gặp khó khăn trong việc sản xuất.

Philippines đang quản lý nguồn nước cẩn thận với dự đoán lượng mưa sẽ giảm xuống do El Nino. Cơn bão Doksuri vừa qua đã tàn phá vùng trồng lúa ở phía Bắc nước này, gây thiệt hại 32 tỷ USD cho vụ mùa gạo, ước tính chiếm 22% sản lượng cả năm của Philippines. Đảo quốc này là nước nhập khẩu gạo đứng thứ hai sau Trung Quốc. 

Ông Ashok Gulati từ Hội đồng Nghiên cứu Quan hệ Kinh tế Quốc tế của Ấn Độ, dự đoán lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ sẽ khiến lượng gạo xuất khẩu bình thường của nước này giảm gần một nửa trong năm nay. Theo ông, việc liên tiếp đưa ra nhiều lệnh cấm sẽ khiến Ấn Độ trở thành một nhà xuất khẩu thiếu tin cậy.

Việt Nam, cũng là một quốc gia xuất khẩu gạo lớn, đang nỗ lực giữ giá trong nước ổn định đồng thời thúc đẩy xuất khẩu. Việt Nam cũng đang hướng đến thị trường Anh, nước nhập khẩu phần lớn gạo từ Ấn Độ.

Nhưng các công ty xuất khẩu ở Thái Lan lại đang tỏ ra thận trọng. Chính phủ Thái Lan dự đoán lượng gạo xuất khẩu năm nay sẽ cao hơn năm ngoái, với con số ghi nhận trong nửa đầu năm nay đã tăng 15% so với cùng kỳ năm 2022.

Ông Laothamatas, Chủ tịch Hiệp hội Các Công ty Xuất khẩu Gạo Thái Lan, cho biết sự khó đoán định trong bước đi tiếp theo của Ấn Độ và những lo ngại về El Nino đang khiến các công ty xuất khẩu Thái Lan không mặn mà lắm với các đơn đặt hàng. Lý do được cho là với tình trạng giá cả biến động, các công ty xuất khẩu không biết phải bán ra ở mức giá nào, vì giá có thể lại tăng mạnh ngay sau đó.

Châu Á lo ngại lạm phát cao theo đà tăng của giá gạo

gia-gao-reuters.jpg
Lương thực chiếm tỷ trọng lớn trong rổ chỉ số giá tiêu dùng ở hầu hết các nước mới nổi ở châu Á - Nguồn: Internet

Theo Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), giá gạo đã tăng lên mức cao nhất trong gần 12 năm, sau khi Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo và điều kiện thời tiết bất lợi ảnh hưởng đến sản xuất và nguồn cung lương thực thiết yếu này của châu Á.

CNBC dẫn lời Qingfeng Zhang, Giám đốc cấp cao của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), cho biết giá gạo toàn cầu đặc biệt đáng lo ngại, và dường như biến động giá lương thực sẽ tiếp diễn trong những tháng tới.

Ngoài Ấn Độ, lạm phát lương thực ở khu vực châu Á tương đối được kiểm soát trong năm nay. Tuy nhiên, sự kết hợp của nhiều yếu tố đang làm dấy lên lo ngại rằng tình trạng thiếu nguồn cung gạo có thể khiến tình trạng giá các mặt hàng lương thực khác ở châu Á tăng mạnh trở lại.

Các yếu tố đó bao gồm khí hậu khắc nghiệt do hiện tượng nóng lên toàn cầu, cùng với sự xuất hiện của El Nino; lần đầu tiên sau 7 năm, Nga rút khỏi Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen và các chính sách bảo hộ lương thực dưới hình thức hạn chế thương mại.

ADB cho hay giá lương thực cao sẽ làm suy giảm sức mua và giá lương thực trong nước tăng 10% ở các nước đang phát triển khu vực châu Á sẽ đẩy 64,4 triệu người vào cảnh nghèo đói, dựa trên chuẩn nghèo 1,25 USD/ngày, nghĩa là tỷ lệ nghèo sẽ tăng từ 27% lên 29%.

Bà Erica Tay, chuyên gia kinh tế của Maybank phụ trách Thái Lan và Trung Quốc, cho biết giá lương thực chắc chắn tăng vọt và điều đó có thể gây ra tình trạng người dân hoảng loạn tích trữ hàng hóa. Tuy nhiên, dựa trên số liệu cung-cầu tổng thể, các nước châu Á đang chuẩn bị tốt để vượt qua "cú sốc" về giá và cung trên thị trường gạo.

Trong một báo cáo ngày 3/8, ngân hàng Morgan Stanley cho biết dự trữ lương thực toàn cầu tăng cao, đặc biệt là ở châu Á, giúp hạn chế sự biến động trong sản xuất và giảm thiểu tác động kinh tế. Do đó, ngân hàng đầu tư có trụ sở tại Mỹ này dự báo biến động liên quan tới El Nino trước tiên sẽ biểu hiện thông qua lạm phát và sau đó là cán cân thương mại ròng. Điều này đặc biệt là do lương thực chiếm tỷ trọng lớn, khoảng 30% đến 40%, trong rổ chỉ số giá tiêu dùng ở hầu hết các nước mới nổi ở châu Á.

Ngoại trừ Australia, Ấn Độ và Thái Lan, hầu hết các quốc gia ở châu Á-Thái Bình Dương đều là những nhà nhập khẩu lương thực ròng. Singapore và Hong Kong (Trung Quốc) phụ thuộc vào nhập khẩu 100% để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ gạo.

Ngân hàng Nomura cho biết điều này khiến các nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương “có nguy cơ cao” trước tình trạng giá lương thực tăng toàn cầu, mặc dù tác động của nó qua số liệu lạm phát phải chờ đến vài tháng sau đó.

Các nhà kinh tế Sonal Varma và Si Ying Toh của Nomura cho biết độ trễ giữa lạm phát lương thực toàn cầu và lạm phát lương thực ở châu Á vào khoảng sáu tháng, nhưng độ trễ này có thể dao động từ ba tháng ở Indonesia đến chín tháng đối với Hàn Quốc. Điều đó có nghĩa là bất kỳ đợt tăng giá lương thực nào cũng sẽ chỉ dẫn đến lạm phát lương thực vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2024.

Nomura xác định Philippines là quốc gia “dễ bị tổn thương nhất” trước sự tăng vọt của giá lương thực, do tỷ trọng lương thực trong giỏ lạm phát giá tiêu dùng chiếm tỷ lệ cao ở mức 34,8%, chỉ riêng gạo đã chiếm 8,9% trong rổ thực phẩm.

Paul Hughes, nhà kinh tế nông nghiệp và giám đốc nghiên cứu của S&P Global, cho biết các hộ gia đình có thu nhập thấp chắc chắn sẽ là những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất, dù họ ở các nước phát triển hay đang phát triển./.

Nam Sơn