Bài 2: Chấn chỉnh công tác quản lý

Kiểm toán - Ngày đăng : 15:33, 25/08/2023

(BKTO) - Ý thức rõ tầm quan trọng của việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán, nhiều Bộ, ngành, địa phương, đơn vị được kiểm toán và các cơ quan quản lý đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trong việc đôn đốc và triển khai thực hiện kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán nhà nước (KTNN); thông qua đó để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành của từng cơ quan, địa phương.
bai-2.jpg
Sự vào cuộc tích cực của các cơ quan, đơn vị góp phần nâng cao kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán. Ảnh: N.LỘC

Địa phương nỗ lực thực hiện kiến nghị

Kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN đối với ngân sách tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2009-2018 luôn đạt tỷ lệ bình quân 95%/năm. Tại tỉnh Nghệ An, dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, song tỉnh vẫn nỗ lực thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán với tỷ lệ trung bình đạt khoảng 85% (từ năm 2020 đến năm 2022)… Đây là những kết quả nổi bật trong công tác thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của các địa phương.

Có được những kết quả này, bên cạnh sự đôn đốc sát sao, kịp thời của các đơn vị kiểm toán thì tinh thần trách nhiệm, sự chủ động, phối hợp tích cực, nghiêm túc trong thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của các đơn vị được kiểm toán là đặc biệt quan trọng.

Là một trong những địa phương luôn duy trì kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán cao, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Nghệ An Trịnh Thanh Hải cho biết, tỉnh luôn phối hợp với KTNN khu vực II trong quá trình triển khai thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán, kịp thời giải quyết các vướng mắc nảy sinh.

“Sau khi báo cáo kiểm toán được phát hành, Thường trực HĐND, UBND tỉnh đã chủ động ban hành văn bản chỉ đạo, đôn đốc, giám sát các đơn vị được kiểm toán triển khai thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán” - ông Hải cho biết.

Theo Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Kon Tum Nguyễn Văn Điệu, lãnh đạo tỉnh Kon Tum đã quyết liệt chỉ đạo các đơn vị được kiểm toán thực hiện nghiêm túc kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN. Qua đó, đã tạo sự chuyển biến trên nhiều mặt, từ việc thực hiện kết luận, kiến nghị kịp thời đến kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị ngày càng cao.

Đơn cử, thực hiện kết luận kiểm toán năm 2019, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc điều chỉnh sổ kế toán, báo cáo quyết toán lập thủ tục nộp tiền vào NSNN, giảm dự toán năm sau. Chưa đầy một năm sau khi kết thúc cuộc kiểm toán, đơn vị đã thu hồi nộp NSNN 100% các khoản chi sai chế độ, đồng thời tổ chức họp giải trình, làm rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân liên quan đến những tồn tại nêu trên.

Là tỉnh miền núi có điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn song tỉnh Yên Bái vẫn nỗ lực để thực hiện tốt kết luận, kiến nghị kiểm toán. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn, hằng năm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành kế hoạch rà soát việc thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN; UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm túc kết luận, kiến nghị của KTNN. Sự chỉ đạo quyết liệt của địa phương được “chuyển hóa” thành những kết quả cụ thể. Đơn cử, kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị năm 2020 của tỉnh đạt 97,5%; tỉnh đang tiếp tục đôn đốc các đơn vị thực hiện kết luận, kiến nghị còn lại.

Kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị thể hiện rõ qua những con số được báo cáo đã cho thấy sự sát sao đôn đốc của lãnh đạo địa phương, cũng như tính chấp hành của các đơn vị được kiểm toán ngày càng được nâng lên, như chia sẻ của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hưng Yên - Trịnh Văn Diễn: “Từ những kiến nghị kiểm toán hằng năm, địa phương đã có những chuyển biến, thay đổi tích cực nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, sử dụng vốn đầu tư công”.

Những kết quả này xuất phát từ trách nhiệm của các đơn vị trong việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán đã được quy định rõ trong Luật KTNN. Nhưng trên hết, những kết luận, kiến nghị kiểm toán thấu tình, đạt lý, có tính thuyết phục cao đã giúp các địa phương nhận diện ra được yếu kém của mình, từ đó thấy được sự cần thiết phải có giải pháp thực hiện hiệu quả cũng như cải thiện trong công tác quản lý, điều hành của địa phương.

Các Bộ, ngành đã “vào cuộc”

Thông qua kiểm toán, KTNN phát hiện những hạn chế, bất cập trong quản lý, sử dụng NSNN, từ đó đưa ra các kiến nghị để các đơn vị được kiểm toán có biện pháp khắc phục, chấn chỉnh. Nhất là những kiến nghị sửa đổi, hủy bỏ văn bản quản lý đã góp phần làm minh bạch NSNN và lành mạnh nền tài chính quốc gia.

Từ góc độ cơ quan Trung ương vừa là đối tượng kiểm toán, vừa là cơ quan xây dựng chính sách, sau khi báo cáo kiểm toán được phát hành, nhiều Bộ, ngành cũng đã “vào cuộc” thực hiện kiến nghị kiểm toán.

Thực hiện kiến nghị của KTNN qua cuộc kiểm toán các tập đoàn, tổng công ty, công ty nhà nước năm 2022 về niên độ ngân sách năm 2021, Tổng cục Thuế đã ban hành các công văn phân công, đôn đốc, chỉ đạo cục thuế địa phương rà soát, thực hiện các nội dung kiến nghị, đồng thời phối hợp với Kho bạc Nhà nước khẩn trương, nghiêm túc triển khai đồng bộ các giải pháp phù hợp theo đúng quy định nhằm giải quyết dứt điểm các kiến nghị KTNN. Về cơ bản, các tập đoàn, tổng công ty được KTNN kiến nghị tăng thu trong niên độ NSNN năm 2021 đã nghiêm túc triển khai, đạt tỷ lệ hoàn thành kiến nghị cao.

Bộ Tài chính

Qua cuộc kiểm toán chuyên đề Đánh giá hiệu quả của chính sách ưu đãi và hỗ trợ về thuế, đất đai, bảo vệ môi trường cho phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo thực hiện năm 2022, KTNN kiến nghị Bộ Công Thương có chính sách dài hạn để phát triển năng lượng tái tạo, trong đó lưu ý đến phát triển các dự án điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN), góp phần giảm thiểu chi phí xã hội, tạo điều kiện tiếp cận nguồn năng lượng sạch. Trên cơ sở kiến nghị kiểm toán, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 15/2022/TT-BCT ngày 03/10/2022 quy định phương pháp xây dựng khung giá phát điện nhà máy điện, mặt trời, điện gió chuyển tiếp làm cơ sở để Tập đoàn Điện lực Việt Nam đàm phán giá mua bán điện của các dự án chuyển tiếp theo đúng quy định.

Về hệ thống ĐMTMN, KTNN kiến nghị Bộ Công Thương nghiên cứu, ban hành việc quản lý công trình ĐMTMN cần thiết phải xác định trong quy hoạch tổng thể phát triển điện lực của tỉnh; quy định ngày vận hành thương mại đối với hệ thống ĐMTMN; quy định tỷ lệ lượng điện sử dụng và lượng điện dư bán cho bên mua điện của hệ thống ĐMTMN.

Về kiến nghị này, Bộ Công Thương đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại Dự thảo Quy hoạch điện VIII theo hướng: Khuyến khích phát triển ĐMTMN với mục đích tự sử dụng, không bán vào hệ thống điện quốc gia. Do đó, “trên cơ sở Quy hoạch điện VIII được phê duyệt, Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu kiến nghị của KTNN về quy định tỷ lệ điện sử dụng và lượng điện dư bán trong quá trình xây dựng chính sách” - báo cáo của Bộ Công Thương nêu rõ.

Liên quan đến kiến nghị Tổng Liên đoàn Lao động (TLĐLĐ) Việt Nam năm 2020, trong đó có việc quản lý, sử dụng tài chính công đoàn, năm 2022, TLĐLĐ đã ban hành quy định quản lý tài chính công đoàn cơ sở. Cùng với đó, “TLĐLĐ sẽ trình sửa đổi, bổ sung cả 4 điều về tài chính công đoàn trong Luật Công đoàn 2012 theo hướng tăng cường tính công khai, minh bạch, đồng bộ với các luật khác” - Phó Chủ tịch TLĐLĐ Việt Nam Phan Văn Anh cho biết.

Với vai trò là cơ quan giúp Chính phủ chủ trì đôn đốc; tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện các kết luận, kiến nghị của KTNN trình Chính phủ, Quốc hội, cùng với báo cáo quyết toán NSNN, hằng năm, Bộ Tài chính đều ban hành văn bản đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương và các đơn vị được kiểm toán tổng hợp kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị.

Đồng thời, Bộ cũng tăng cường đôn đốc, yêu cầu các đơn vị trực thuộc thực hiện nghiêm, đầy đủ, kịp thời các kết luận, kiến nghị kiểm toán; gắn trách nhiệm của lãnh đạo đơn vị với kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán…

Xác định công tác thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán đóng vai trò quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc chấn chỉnh, tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong việc chấp hành pháp luật về tài chính - NSNN. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội yêu cầu thủ trưởng các đơn vị kiểm điểm làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm, kịp thời các tổ chức, cá nhân chậm thực hiện các kiến nghị, kết luận của cơ quan KTNN.

Bên cạnh nhiều Bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán, vẫn còn không ít những kết luận, kiến nghị chưa được thực hiện. Điều này không chỉ làm giảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm toán mà còn ảnh hưởng đến kỷ luật, kỷ cương tài chính. Do đó, việc làm rõ nguyên nhân, tập trung xử lý dứt điểm các kết luận, kiến nghị kiểm toán tồn đọng là yêu cầu được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đặt ra. .

Là cơ quan đưa ra các kết luận, kiến nghị kiểm toán, KTNN đang quyết liệt tập trung rà soát, đôn đốc và đồng hành cùng các đơn vị được kiểm toán nhằm xử lý dứt điểm các kiến nghị kiểm toán tồn đọng. Những vấn đề này sẽ được Báo Kiểm toán tiếp tục thông tin đến độc giả trong các bài viết tiếp theo…/.

NHÓM PHÓNG VIÊN