Tăng cường kiểm tra, giám sát các Chương trình mục tiêu quốc gia tại Thái Nguyên

Địa phương - Ngày đăng : 14:00, 25/08/2023

(BKTO) - Nhằm thiết lập hệ thống đánh giá đồng bộ, toàn diện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, đồng thời kiểm tra, kịp thời phát hiện khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, tổ chức thực hiện Chương trình ở các cấp, UBND tỉnh Thái Nguyên đã triển khai kế hoạch kiểm tra, giám sát để chương trình phát huy hiệu quả, bền vững.
z4628490758081_22ef3c53084461c252e9766c354417f8.jpg
Thái Nguyên là vùng sản xuất chè lớn thứ hai cả nước, là tiềm năng để đẩy mạnh du lịch nông thôn để phát triển, xây dựng nông thôn mới. Ảnh Khánh Linh.

Trong những năm gần đây, nhờ triển khai có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, diện mạo nhiều vùng quê ở Thái Nguyên đã có sự thay đổi rõ rệt, đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên, phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM), ngày càng lan tỏa rộng rãi, đi vào chiều sâu và phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, ngành chức năng của tỉnh Thái Nguyên đã hoàn thành việc thẩm định và trình Chủ tịch UBND tỉnh quyết định công nhận 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới 9 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 4 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu năm 2022; hướng dẫn triển khai thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) năm 2023.

Đến nay, toàn tỉnh hiện có 108/126 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bằng 85,7% tổng số xã; 17 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 88 xóm nông thôn mới kiểu mẫu; bình quân đạt 18,2 tiêu chí/xã và không có xã dưới 10 tiêu chí. Bên cạnh đó, các ngành, địa phương đang tiếp tục tiến hành rà soát, hỗ trợ 11 xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới; 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 4 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu.

Ngày 24/5/2023, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 567/QĐ-TTg công nhận huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023, chính thức đưa tỉnh Thái Nguyên đến thời điểm hiện nay có 4 địa phương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới gồm thành phố Thái Nguyên, thành phố Sông Công, thành phố Phổ Yên và huyện Phú Bình.

Trên cơ sở hướng dẫn và yêu cầu của Trung ương, tỉnh cũng đã kịp thời ban hành văn bản triển khai các cơ chế, chính sách, hướng dẫn và đôn đốc các địa phương trong tỉnh thực hiện Chương trình. Các sở, ban, ngành và UBND các huyện bám sát các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo, đôn đốc để triển khai thực hiện nguồn vốn đã được giao; đồng thời hoàn thiện hồ sơ, thủ tục các danh mục dự án đầu tư để trình giao vốn theo quy định. Hệ thống các văn bản bảo đảm tính khả thi, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và phù hợp điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Để Chương trình ngày càng phát huy hiệu quả, bền vững, đi vào chiều sâu, UBND tỉnh Thái Nguyên đã chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát, đánh giá Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2023-2025 và năm 2023 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên với yêu cầu: Công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá phải bám sát mục tiêu, nội dung của chương trình; đảm bảo khách quan, trung thực, đúng thực chất, đầy đủ kết quả đạt được; không làm ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân được kiểm tra, giám sát; kịp thời xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị, đề xuất cơ quan thẩm quyền xử lý, khắc phục những tồn tại, hạn chế thông qua công tác kiểm tra giám sát.

Nội dung kiểm tra, giám sát sẽ bao gồm: Việc triển khai thực hiện các văn bản quản lý chỉ đạo, điều hành chương trình của cấp trên; ban hành các văn bản quản lý, chỉ đạo hướng dẫn thực hiện chương trình; lập kế hoạch thực hiện giai đoạn 5 năm và kế hoạch hằng năm; xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình; công tác truyền thông, tăng cường năng lực quản lý chương trình... Tiến độ, mức độ, kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ; khối lượng thực hiện các nội dung, hoạt động thuộc chương trình.

Tình hình thực hiện kế hoạch nguồn vốn đầu tư, dự toán ngân sách Nhà nước: Kết quả huy động, sử dụng vốn thực hiện chương trình; tình hình sử dụng vốn ngân sách Nhà nước trong thực hiện các dự án đầu tư, nội dung, hoạt động thuộc chương trình (giải ngân, thanh toán, quyết toán, nợ đọng xây dựng cơ bản...).

Đối tượng kiểm tra giám sát là Cơ quan thường trực Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cấp huyện và các chủ đầu tư thực hiện chương trình. Các cơ quan, đơn vị, địa phương và đối tượng tham gia thực hiện chương trình và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Cũng theo kế hoạch, thời gian kiểm tra, giám sát thực hiện định kỳ theo kế hoạch hằng năm hoặc đột xuất theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền. Năm 2023, tổ chức kiểm tra, giám sát vào quý III, quý IV năm 2023. Bên cạnh đó, theo Kế hoạch kiểm toán năm 2023, Kiểm toán nhà nước cũng sẽ kiểm toán Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 tại tỉnh Thái Nguyên. Đồng thời Kiểm toán nhà nước cũng kiểm toán Việc quản lý, sử dụng Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam, kiểm toán Việc quản lý, sử dụng kinh phí đầu tư cho lĩnh vực khoa học công nghệ giai đoạn 2020-2022 tại các Bộ, cơ quan trung ương trên địa bàn tỉnh./.

KHÁNH LINH