Kiểm toán nhà nước đóng vai trò quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 15:47, 25/08/2023
Kiểm toán phát hiện nhiều vấn đề trong quản lý chất thải
Nhận thức rõ vai trò và tầm quan trọng của BVMT đối với sự phát triển bền vững của đất nước và sự cần thiết phải hội nhập với xu thế phát triển chung của các Cơ quan Kiểm toán tối cao (SAI) trên thế giới, KTNN đã chủ động, tích cực nghiên cứu, tìm hiểu, định hướng phát triển bộ máy tổ chức thực hiện kiểm toán môi trường (KTMT).
Hiện nay, KTNN cơ bản đã hoàn thiện bộ máy, tổ chức để thực hiện KTMT; xây dựng và ban hành Hướng dẫn KTMT, Tài liệu đào tạo KTMT; tổ chức các lớp bồi dưỡng về KTMT, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức với sự tham gia của chuyên gia môi trường; tăng cường hoạt động hợp tác quốc tế với các cơ quan KTNN có thế mạnh về KTMT...; đồng thời từng bước hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về KTMT và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin cùng các phương pháp kiểm toán hiện đại.
Đối với lĩnh vực quản lý chất thải, KTNN luôn xác định đây là một trong những nội dung trọng tâm của KTMT do có mức độ tác động đến hệ sinh thái, sức khỏe con người. Lĩnh vực này cũng nhận được sự quan tâm của Quốc hội, Chính phủ, người dân và có quy mô sử dụng kinh phí rất lớn. Trong giai đoạn 2016-2023, KTNN đã triển khai nhiều cuộc kiểm toán quản lý chất thải dưới cả 3 loại hình: kiểm toán hoạt động, tài chính và tuân thủ.
Ông Lê Tùng Lâm - Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành III - cho biết, các chủ đề kiểm toán đều là các vấn đề môi trường “nóng”, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tác động tiêu cực được xã hội quan tâm, đồng thời đã được KTNN rà soát, thu thập thông tin, đánh giá kỹ lưỡng trước khi đưa vào kế hoạch thực hiện nhằm đảm bảo tối đa hóa các tác động và giá trị gia tăng mà cuộc kiểm toán có thể đem lại.
Trên cơ sở các kết quả kiểm toán, KTNN đã đưa ra các cảnh báo về nguy cơ, rủi ro ô nhiễm môi trường cùng hàng loạt giải pháp hữu ích, có tính khả thi cao nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế và tăng cường tính hiệu quả, hiệu lực trong công tác quản lý chất thải.
Một số kết quả kiểm toán và kiến nghị nổi bật
Về hành lang pháp lý, quy định về quản lý chất thải, KTNN đã phát hiện, chỉ ra những vấn đề bất cập, vướng mắc trong hệ thống cơ chế, chính sách, quy hoạch về quản lý chất thải, kịp thời kiến nghị Chính phủ cùng các Bộ, ngành, địa phương nghiên cứu ban hành, sửa đổi, bổ sung trên 52 văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách đặc thù về quản lý chất thải gắn với việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững.
Thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN đã đưa ra những cảnh báo, khuyến nghị về công tác quản lý chất thải để Quốc hội, Chính phủ xem xét, có biện pháp giải quyết kịp thời đối với các rủi ro ô nhiễm môi trường trong hoạt động quản lý, xử lý chất thải
Ngoài ra, KTNN đã phát hiện và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm các cơ sở hoạt động chưa tuân thủ đầy đủ các quy định về quản lý chất thải; đồng thời chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện thẩm định, phê duyệt các thủ tục, hồ sơ môi trường như báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép xả nước thải...
Những kết quả trên đã thắt chặt công tác quản lý, tăng cường kiểm soát nguy cơ ô nhiễm môi trường ngay từ khâu cấp phép ban đầu, bảo đảm các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải tuân thủ yêu cầu các hồ sơ, điều kiện cần thiết về BVMT; có đầy đủ các công trình BVMT, xử lý chất thải đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường.
Về công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về quản lý chất thải, kết quả kiểm toán đã phát hiện, chỉ ra một số hạn chế, bất cập như hệ thống thông tin giám sát, kiểm soát tình hình, chất lượng xả nước thải, khí thải chưa được đầu tư đồng bộ, chưa kịp thời phát hiện các trường hợp hoạt động chưa đảm bảo điều kiện về BVMT. Qua đó xác định rõ những nguyên nhân khách quan, chủ quan làm cơ sở đưa ra các kiến nghị, giải pháp phù hợp và có tính khả thi.
Kết quả kiểm tra thực hiện kiến nghị cho thấy, hiệu quả của công tác kiểm tra, giám sát về quản lý chất thải tại đơn vị được kiểm toán đã được tăng cường, nâng cao rõ rệt, tỷ lệ các cơ sở vi phạm có chiều hướng suy giảm, trong khi chất lượng môi trường đã dần được cải thiện qua các năm.
Kiến nghị nâng cao hiệu quả kiểm toán quản lý chất thải
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, kết hợp với tầm nhìn, xu thế của hoạt động kiểm toán quốc tế cũng như định hướng phát triển kinh tế - xã hội toàn cầu, gắn liền với các mục tiêu phát triển bền vững trong tương lai, có thể thấy, KTMT nói chung, kiểm toán quản lý chất thải nói riêng là lĩnh vực có nhiều cơ hội để phát huy tiềm năng, thế mạnh, đặc trưng vốn có và đem lại những giá trị tăng thêm cho con người.
Ông Lê Tùng Lâm chia sẻ, trong thời gian tới, KTNN Việt Nam sẽ bám sát các quan điểm, mục tiêu và trụ cột phát triển đã được phê duyệt theo Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 nhằm tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động phát triển, tăng cường năng lực cho hoạt động KTMT.
Để thực hiện các mục tiêu trên, nhiều biện pháp sẽ được thực hiện bao gồm: nghiên cứu, xây dựng Kế hoạch chiến lược, lộ trình phát triển KTMT trong ngắn hạn, trung hạn, dài hạn của KTNN; tập trung tăng cường năng lực về KTMT nói chung và kiểm toán quản lý chất thải nói riêng; đẩy mạnh việc áp dụng các phương pháp kiểm toán hiệu quả trong lĩnh vực kiểm toán quản lý chất thải.
Bên cạnh đó, KTNN tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về KTMT, kiểm toán quản lý chất thải đầy đủ, chính xác và khoa học; từng bước mở rộng phạm vi lựa chọn những chủ đề kiểm toán quản lý chất thải mới đang được quan tâm; tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế về lĩnh vực KTMT, kiểm toán quản lý chất thải; tham gia tích cực và có hiệu quả các chương trình hợp tác về KTMT./.