Đào tạo, bồi dưỡng phải bám sát nhiệm vụ chính trị của Ngành

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 13:50, 25/08/2023

(BKTO) - Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng năm 2024 phải bám sát nhiệm vụ chính trị của Ngành, trong đó chú trọng các kiến thức về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước, quy trình và chuẩn mực kiểm toán, kỹ năng mềm cho đội ngũ công chức, viên chức Kiểm toán nhà nước (KTNN)...
ktnn-to-chuc-lop-dao-tao-ve-ky-nang-nam-bat-tam-ly-doi-tuong-kiem-toan.-anh-nguyen-ly.jpg
KTNN tổ chức lớp đào tạo về kỹ năng nắm bắt tâm lý đối tượng kiểm toán. Ảnh: Nguyễn Ly

Thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 (giai đoạn 2021-2030); Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giai đoạn 2021-2025 và định hướng đào tạo, bồi dưỡng năm 2024 đã được Ban cán sự Đảng KTNN phê duyệt, KTNN đã ban hành hướng dẫn các đơn vị xây dựng Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng năm 2024.

Theo đó, việc xây dựng Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng năm 2024 phải bám sát nhiệm vụ chính trị của Ngành; bám sát các mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030; Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giai đoạn 2021-2025.

Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng được xây dựng trên thực tiễn đội ngũ công chức, viên chức của KTNN, phù hợp với Kế hoạch kiểm toán năm và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị có liên quan; đảm bảo tính công khai, minh bạch, công bằng, hiệu quả và tăng cường trách nhiệm của các đơn vị trong công tác đào tạo, bồi dưỡng của KTNN.

Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng theo hướng: Xây dựng “Hệ thống Quản lý đào tạo 4.0” để triển khai linh hoạt các hình thức đào tạo đa dạng như đào tạo tập trung, đào tạo trực tuyến, đào tạo hỗn hợp nhằm phát huy tối đa công nghệ, xu hướng học tập trực tuyến.

Từ các nguyên tắc trên, công tác đào tạo, bồi dưỡng năm 2024 của KTNN sẽ tập trung theo những định hướng sau: Tiếp tục chuẩn hóa tài liệu đào tạo, bồi dưỡng theo các chương trình đào tạo, bồi dưỡng đã được phê duyệt. Việc biên soạn tài liệu phải đáp ứng yêu cầu về chuyên môn nghiệp vụ cho kiểm toán viên, tăng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn.

Tăng cường bồi dưỡng đạo đức nghề nghiệp, văn hóa giao tiếp ứng xử; phổ biến kiến thức pháp luật nhằm nâng cao năng lực chuyên môn, khả năng phát hiện các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực; tiếp tục tăng cường các buổi tọa đàm trao đổi kinh nghiệm kiểm toán.

Tập trung bồi dưỡng kỹ năng mềm cho công chức, viên chức KTNN, đồng thời, tiếp tục thực hiện bồi dưỡng kỹ năng kiểm toán các lĩnh vực theo các cấp độ (ngân sách nhà nước, doanh nghiệp, tài chính - ngân hàng, dự án đầu tư xây dựng công trình) gắn với nhóm đối tượng phù hợp, kết hợp chặt chẽ giữa lý thuyết và thực hành nhằm đạt hiệu quả cao trong công tác đào tạo, bồi dưỡng.

Thực hiện đào tạo một số lĩnh vực kiểm toán mới như kiểm toán hoạt động, kiểm toán môi trường, kiểm toán công nghệ thông tin; đẩy mạnh tập huấn hướng dẫn sử dụng các phần mềm ứng dụng vào hoạt động kiểm toán; bồi dưỡng các kiến thức khai thác, sử dụng các phần mềm mà đối tượng kiểm toán sử dụng; bồi dưỡng về chuyển đổi số; tập huấn quy trình, chuẩn mực kiểm toán nhà nước sửa đổi; tăng cường đào tạo về văn hóa công sở, kỹ năng soạn thảo văn bản cho đội ngũ công chức mới vào Ngành. 

Tăng cường học tập kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực kiểm toán, nghiên cứu tìm hiểu các chủ đề mới mà các cơ quan kiểm toán tối cao đã và đang triển khai để ứng dụng vào hoạt động chuyên môn, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế của KTNN. Đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ, trong đó tập trung bồi dưỡng tiếng Anh chuyên ngành tài chính, kế toán, kiểm toán; tiếng Anh giao tiếp; bồi dưỡng tiếng Trung Quốc cơ bản...

Căn cứ nhiệm vụ chuyên môn của đơn vị được giao trong năm 2024, các đơn vị tăng cường công tác tự đào tạo, bồi dưỡng tại đơn vị, đảm bảo các kiểm toán viên có đủ năng lực trước khi thực hiện nhiệm vụ, đồng thời đáp ứng yêu cầu thực tiễn hoạt động chuyên môn của Ngành và của đơn vị./.

THÙY LÊ