Khó đảm bảo bao quát, đầy đủ các trường hợp thu hồi đất

Pháp luật - Ngày đăng : 20:02, 25/08/2023

(BKTO) - Theo Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, việc Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định theo hướng liệt kê các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng như hiện nay khó đảm bảo bao quát, đầy đủ.

Tại phiên họp sáng 25/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

258.jpg
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: VPQH

Báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (Điều 79), Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy, quy định theo hướng liệt kê các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng có ưu điểm bảo đảm sự rõ ràng, dễ theo dõi, dễ áp dụng.

Tuy nhiên, việc liệt kê quá cụ thể, chi tiết các dự án, công trình thu hồi đất có nhược điểm là khó bảo đảm bao quát, đầy đủ. Trong quá trình thảo luận, có ý kiến cho rằng cách tiếp cận theo hướng liệt kê các trường hợp như hiện nay chưa làm rõ được sự cần thiết của các dự án, công trình này theo tinh thần của Điều 54 Hiến pháp.

“Do đây là nội dung cụ thể hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW, Thương trực Ủy ban Kinh tế báo cáo, xin ý kiến UBTVQH báo cáo cấp có thẩm quyền cho ý kiến chỉ đạo” - ông Vũ Hồng Thanh nêu rõ.

Nêu ý kiến về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga bày tỏ đồng tình với cách quy định chi tiết ở Điều 79. Tuy nhiên, bà Nga đề nghị cần lường hết các trường hợp cần thu hồi để đảm bảo minh bạch trong quá trình thực hiện.

Nhấn mạnh vấn đề khó nhất ở các lần sửa đổi Luật Đất đai là quy định thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, nếu tiếp cận theo cách “chọn cho”, tức là cứ liệt kê hết các trường hợp cần thu hồi thì không thể hết được, có khi càng liệt kê càng thiếu, rất chi tiết vẫn thiếu.

Vì thế, nên chăng là tiếp cận theo hướng “chọn bỏ”, tức là trừ những trường hợp áp dụng phương pháp thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, còn lại là Nhà nước thu hồi.

Bên cạnh đó, có thể quy định thêm các nguyên tắc thu hồi đất đó phải trong quy hoạch, kế hoạch đã được phê duyệt; đưa ra các trường hợp bị nghiêm cấm. Trong đó, Chủ tịch Quốc hội lưu ý cần nghiêm cấm, ngăn chặn việc vừa “chạy” quy hoạch vừa điều chỉnh mục đích sử dụng đất, vừa ra quyết định thu hồi đất.

Liên quan đến thu hồi đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, có hai loại ý kiến.

Loại ý kiến thứ nhất, giữ như Dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, quy định tiêu chí phân định theo quy mô về diện tích dự án, dự án có quy mô từ 10 ha trở lên tại khu vực nông thôn và 5 ha trở lên tại khu vực đô thị là trường hợp đấu thầu, dưới mức này là trường hợp đấu giá, trừ trường hợp nhà đầu tư đang có quyền sử dụng đất.

Loại ý kiến thứ hai, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị tiếp thu ý kiến đại biểu theo hướng giao HĐND quyết định dự án thực hiện đấu thầu dựa trên các nguyên tắc bảo đảm hiệu quả sử dụng đất; khả năng bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương để thực hiện thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; quỹ đất hiện có tại địa phương; nhằm tạo điều kiện cho địa phương tự quyết định phù hợp với đặc điểm từng địa phương. Trường hợp còn lại thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất.

Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, không nên gắn việc thu hồi đất với đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư mà nên tách riêng hai vấn đề để tránh chồng chéo.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Ủy ban Kinh tế phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan rà soát, tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến của nhân dân, của UBTVQH, các Đoàn đại biểu Quốc hội để chuẩn bị hồ sơ dự án Luật với chất lượng tốt nhất, xin ý kiến Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách; sau đó, hoàn thiện báo cáo trình UBTVQH vào phiên họp tới.

Đ. KHOA