Quản lý chất lượng giáo dục: 6 nhiệm vụ trọng tâm trong năm học 2023-2024

Xã hội - Ngày đăng : 18:23, 25/08/2023

(BKTO) - Năm học 2022-2023, công tác bảo đảm, kiểm định chất lượng giáo dục và đánh giá chất lượng diện rộng tiếp tục được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) quan tâm chỉ đạo; các địa phương, các cơ sở giáo dục thực hiện ngày càng đi vào nền nếp, góp phần thực hiện chủ trương đổi mới quản trị nhà trường theo hướng tinh gọn, hiện đại, minh bạch.
quan-ly-chat-luong-giao-duc.jpg
Năm học 2022-2023, công tác quản lý chất lượng giáo dục đã đạt được những kết quả tích cực. Ảnh sưu tầm

Tại Hội nghị Tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024 đối với công tác quản lý chất lượng và thanh tra, kiểm tra khối Sở GDĐT, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng (Bộ GDĐT) Huỳnh Văn Chương cho biết, tính đến ngày 31/5/2023, trên cả nước có tổng số 41.526 cơ sở giáo dục từ mầm non đến phổ thông có nhiều cấp học và các cơ sở giáo dục thường xuyên; trong đó, có 40.684 cơ sở hoàn thành tự đánh giá (đạt 98%), 24.899 cơ sở hoàn thành đánh giá ngoài (đạt 60%).

Các hoạt động đánh giá diện rộng quốc gia và quốc tế theo chương trình Đánh giá định kỳ kết quả học tập của học sinh lớp 9, lớp 11 giai đoạn 2022-2023 tiếp tục triển khai có hiệu quả đã góp phần cung cấp bộ dữ liệu khảo sát khách quan, tin cậy cho hoạch định chính sách các cấp.

Trong năm học 2022-2023, Bộ GDĐT đã chỉ đạo tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, các kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia và dự thi Olympic quốc tế an toàn, hiệu quả; trong đó có 4.589 thí sinh tham dự Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, kết quả có 2.238 thí sinh đạt giải.

Đặc biệt, tính đến tháng 8/2023, 6 đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế, khu vực đều đạt giải, gồm: 7 Huy chương Vàng, 10 Huy chương Bạc, 11 Huy chương Đồng và 4 Bằng khen.

Bên cạnh đó, Bộ chú trọng công tác chấn chỉnh các hoạt động liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài, đồng thời đẩy mạnh triển khai các hoạt động quản lý văn bằng, chứng chỉ theo hướng cải cách hành chính, chuẩn hóa, tinh gọn.

Đến ngày 15/8, Bộ GDĐT đã ban hành 45 quyết định phê duyệt liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ đối với 6 ngôn ngữ (tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Hàn, tiếng Hoa, tiếng Nhật và tiếng Trung); 11 cơ sở tổ chức thi cấp chứng chỉ của nước ngoài và 95 lượt cơ sở tổ chức thi cấp chứng chỉ của Việt Nam với 137 địa điểm thi trên toàn quốc.

Theo Cục trưởng Huỳnh Văn Chương, trong năm học 2023-2024, công tác quản lý chất lượng sẽ tập trung vào 6 nhiệm vụ trọng tâm:

Một là, hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác quản lý chất lượng.

Hai là, chỉ đạo triển khai hoạt động tự đánh giá, đánh giá ngoài, cải tiến chất lượng và các hoạt động đánh giá diện rộng chất lượng quốc gia, quốc tế đi vào chiều sâu, thực chất, tinh gọn và hiệu quả.

Ba là, tiếp tục triển khai các kỳ thi cấp quốc gia an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.

Bốn là, tiếp tục chấn chỉnh, chuẩn hóa hoạt động tổ chức liên kết thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài, nâng cao chất lượng cải cách hành chính, dịch vụ công trực tuyến trong công tác quản lý văn bằng, chứng chỉ.

Năm là, tiếp tục chỉ đạo thực hiện quy chế công khai, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra.

Sáu là, đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, cải cách hành chính trong lĩnh vực quản lý chất lượng./.

PHƯƠNG LAN