Tăng chất lượng cơ sở dữ liệu thông tin, giảm rủi ro tín dụng
Ngân hàng - Tín dụng - Ngày đăng : 08:29, 26/08/2023
Ngày 25/8, tại Hà Nội, Tạp chí Ngân hàng phối hợp với Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Nâng cao chất lượng cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia nhằm đáp ứng nhu cầu của các TCTD trong hoạt động kinh doanh và quản trị rủi ro”.
Hoạt động thông tin tín dụng có bước phát triển nhanh
Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng cho biết: Tại Việt Nam hiện nay, hoạt động thông tin tín dụng của NHNN do CIC làm đầu mối tổ chức, thực hiện. Thời gian qua, hoạt động này đã có bước phát triển nhanh, là một trụ cột quan trọng của cơ sở hạ tầng tài chính quốc gia.
CIC đã xây dựng, phát triển cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng khá lớn từ các nguồn dữ liệu trong và ngoài ngành; qua đó, xây dựng, cung cấp các báo cáo tổng hợp, báo cáo phân tích định kỳ và đột xuất về hoạt động tín dụng phục vụ cho Ban Lãnh đạo và các đơn vị NHNN.
Bên cạnh đó, CIC cung cấp sản phẩm, dịch vụ thông tin tín dụng cho các TCTD để phục vụ mục đích đánh giá, phê duyệt tín dụng, quản trị rủi ro, quản lý danh mục...
Dẫn số liệu cụ thể, ông Cao Văn Bình - Tổng Giám đốc CIC - cho biết: Tính tới tháng 8/2023, CIC đã lưu trữ trên 55,3 triệu khách hàng, tăng 6,6% so với cùng kỳ 2022, chiếm 65% tổng dân số trưởng thành. Tăng trưởng cung cấp thông tin của CIC luôn đạt mức từ 15 - 20% mỗi năm, 6 tháng đầu năm 2023, đạt 31 triệu báo cáo các loại.
Cũng theo Tổng Giám đốc CIC, dư địa để nâng cao chất lượng cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia còn nhiều như: Mở rộng nguồn thông tin ngoài ngành, mở rộng trao đổi thông tin xuyên biên giới, áp dụng công nghệ mới, đầu tư, nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Trong năm 2022, số lượng báo cáo do CIC cung cấp cho các TCTD tăng trưởng vượt bậc với hơn 77,7 triệu báo cáo, tăng hơn 55% so với cùng kỳ năm 2021. Nguồn thông tin tín dụng nhanh chóng, tin cậy đã góp phần quan trọng trong việc tạo ra lợi thế cạnh tranh của các TCTD, đặc biệt là trong thời đại ngân hàng số hiện nay.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, nền kinh tế đất nước hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, nhu cầu trao đổi thông tin tín dụng xuyên biên giới và chuẩn hóa dữ liệu đòi hỏi ngày càng phải nâng cao chất lượng cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng.
Nhiều giải pháp nâng cao chất lượng thông tin tín dụng
Để nâng cao chất lượng cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia, bà Đinh Thị Thái - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) - kiến nghị NHNN xem xét ban hành văn bản quy định/hướng dẫn thực hiện Nghị định 13 về bảo vệ dữ liệu cá nhân trong hoạt động ngân hàng để các TCTD có đầy đủ cơ sở pháp lý khi cung cấp thông tin cho CIC.
Đồng thời, Chính phủ cần chỉ đạo các Bộ, ngành nghiên cứu và ban hành các văn bản pháp lý liên quan đến hoạt động thông tin khách hàng để các TCTD cũng như các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực thông tin có cơ sở mở rộng, làm giàu, thu thập và khai thác thông tin khách hàng.
Phó Tổng Giám đốc Vietcombank đề nghị CIC tăng cường thiết kế các sản phẩm theo đặt hàng định kỳ và cải tiến cách thức gửi yêu cầu/thông tin theo lô; phối hợp các vụ, cục khác của NHNN nghiên cứu thiết kế thêm kênh thông tin để các TCTD có thể cùng chia sẻ và cùng khai thác, vừa đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật vừa hạn chế rủi ro cho ngân hàng; tiếp tục xem xét giảm mức phí hỏi tin.
Nhiều giải pháp nâng cao chất lượng thông tin tín dụng quốc gia được đề xuất: Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của các TCTD trong hoạt động kinh doanh và quản trị rủi ro. Nâng cao năng lực khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn dữ liệu thông tin tín dụng, thông tin khách hàng vay vốn từ các TCTD cung cấp cũng như kho dữ liệu của CIC. Tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ mới trong hoạt động thu thập, xử lý, bảo mật cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng. Phát triển hạ tầng dữ liệu và phân tích dữ liệu nhằm hỗ trợ nền kinh tế số và tài chính số tại Việt Nam.
Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng cho biết: NHNN sẽ tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động thông tin tín dụng của NHNN, kiểm tra việc chấp hành các quy định về báo cáo thông tin tín dụng của các TCTD, kiên quyết xử lý các TCTD báo cáo thông tin không đầy đủ, không chính xác. Đồng thời, yêu cầu các TCTD khai thác triệt để các sản phẩm dịch vụ thông tin tín dụng phục vụ hoạt động kinh doanh, đảm bảo tuân thủ các quy định của NHNN về cấp tín dụng, quản trị rủi ro.
Từ kinh nghiệm quốc tế, đại diện Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) khuyến nghị: Để phát triển thị trường dịch vụ dữ liệu chung nhằm hỗ trợ nền kinh tế số và tài chính số, Việt Nam cần tăng cường phát triển CRS bằng cách bổ sung dữ liệu tín dụng thay thế; phát triển thêm các sản phẩm và dịch vụ báo cáo tín dụng (CR) phù hợp với bối cảnh mới của tài chính số; cho phép các công ty báo cáo tín dụng chuyên biệt xuất hiện trong trung và dài hạn; khuyến khích hợp tác CR xuyên biên giới; cho phép phát triển thị trường dữ liệu và phân tích dữ liệu bên thứ ba, ngoài báo cáo tín dụng; phát triển cơ sở hạ tầng dữ liệu mới để bảo đảm năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong nền kinh tế số và tài chính số…/.