BSR chia sẻ những khó khăn, vướng mắc với lãnh đạo CIEM

Doanh nghiệp - Ngày đăng : 21:45, 25/08/2023

(BKTO) - Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) vừa làm việc với Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) về tình hình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; ghi nhận những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật.

Theo đại diện của BSR, từ khi Nhà máy lọc dầu (NMLD) Dung Quất đi vào vận hành đến nay, BSR đã đưa vào chế biến trên 95,7 triệu tấn dầu thô, sản xuất và xuất bán trên 87,4 triệu tấn sản phẩm các loại, đáp ứng trên 30% nhu cầu xăng dầu của cả nước.

1(1).jpg
Lãnh đạo BSR phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: BSR

Sau gần 15 năm vận hành, tổng doanh thu của BSR đạt gần 1,49 triệu tỷ đồng, tổng nộp ngân sách nhà nước hơn 210 ngàn tỷ đồng (tương đương hơn 9 tỷ USD), gần gấp 3 lần mức đầu tư, tổng lợi nhuận sau thuế tích lũy đạt gần 44 ngàn tỷ đồng, đóng góp đáng kể vào doanh thu, lợi nhuận của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), ngân sách của tỉnh Quảng Ngãi và Nhà nước.

Đặc biệt, trong năm 2022, BSR đạt và vượt tất cả các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh với nhiều thành tựu to lớn. Công suất vận hành NMLD Dung Quất trung bình năm 2022 đạt 107,3%. Tính đến tháng 7/2023, BSR đã tích lũy được 40 triệu giờ công an toàn.

Hiện Nhà máy đang duy trì vận hành an toàn ở công suất tối ưu giúp cho kết quả sản xuất kinh doanh 7 tháng đầu năm 2023 đạt và vượt kế hoạch. Công ty đã sản xuất gần 4,2 triệu tấn sản phẩm các loại; doanh thu đạt hơn 79 nghìn tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước 8.771 tỷ đồng.

Tuy nhiên, BSR vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về hoạt động sản xuất kinh doanh, thuế nhập khẩu nguyên liệu sử dụng cho NMLD Dung Quất và thuế Giá trị gia tăng đối với sản phẩm xuất khẩu, thuế Thu nhập cá nhân đối với cán bộ coogn nhân viên làm việc tại Khu kinh tế Dung Quất.

Cùng với đó là những vướng mắc trong việc thực hiện các quy định của Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật. Do đó, lãnh đạo BSR bày tỏ mong muốn Đoàn công tác của CIEM hỗ trợ kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền.

Lắng nghe các chia sẻ của BSR, TS. Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng CIEM nhấn mạnh, qua nghiên cứu và thực tiễn, CIEM nhận thấy chi phí tuân thủ pháp luật ở nước ta đang cao hơn so với nhiều nước trong khu vực. Vì thế, nó bào mòn sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Đây là nội dung mà CIEM đang triển khai nhiệm vụ tư vấn cho Chính phủ để giảm chi phí này. Bên cạnh đó, CIEM sẵn sàng hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp trong việc triển khai theo Luật Doanh nghiệp.

Đối với các kiến nghị của BSR, CIEM sẽ có những tư vấn, đánh giá và gửi kiến nghị lên các cấp thẩm quyền để xem xét, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nói chung, BSR nói riêng.

QUỲNH ANH