Công tác thanh tra, kiểm tra góp phần nâng cao chất lượng giáo dục

Xã hội - Ngày đăng : 09:22, 26/08/2023

(BKTO) - Năm học 2022-2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã kịp thời ban hành các văn bản quản lý, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ công tác thanh tra, kiểm tra. Nhờ đó, tạo cơ sở thống nhất trong hoạt động thanh tra, kiểm tra toàn ngành, đồng thời định hướng thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra cho Thanh tra các Sở GDĐT đáp ứng yêu cầu đổi mới và tự chủ giáo dục.
tt-thi.jpg
Qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện và xử lý vi phạm, góp phần giữ gìn kỷ cương, nâng cao chất lượng giáo dục trong toàn ngành. Ảnh sưu tầm

714 cuộc thanh tra và 2.298 cuộc kiểm tra trong năm học 2022-2023

Đánh giá về kết quả công tác thanh tra, kiểm tra năm học 2022-2023 khối Sở GDĐT, theo Chánh Thanh tra Bộ GDĐT Nguyễn Đức Cường, năm học vừa qua, các Sở GDĐT cơ bản đã quán triệt các văn bản chỉ đạo của Chính phủ và Bộ GDĐT về công tác thanh tra, kiểm tra. Đồng thời, đã nâng cao nhận thức về hoạt động thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý đơn kiến nghị, đơn phản ánh và công tác phòng, chống tham nhũng đến cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh và cha mẹ học sinh.

Bên cạnh đó, các Sở GDĐT đã xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra và chỉ đạo các phòng GDĐT, cơ sở giáo dục trực thuộc thực hiện thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung những vấn đề bức xúc dư luận xã hội quan tâm theo chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ GDĐT và Thanh tra Chính phủ. Trong năm học 2022-2023, các Sở GDĐT đã tổ chức được 714 cuộc thanh tra và 2.298 cuộc kiểm tra.

Các Sở GDĐT cũng phối hợp tốt với Thanh tra tỉnh tổ chức hoạt động thanh tra, kiểm tra nói chung và thanh tra, kiểm tra thi, Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 nói riêng, góp phần bảo đảm Kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, khách quan, đúng Quy chế thi.

Qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện và xử lý vi phạm, góp phần giữ gìn kỷ cương, nâng cao chất lượng giáo dục trong toàn ngành. Trong đó, Thanh tra Bộ đã ban hành 95 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 95 cơ sở giáo dục đại học với tổng số tiền phạt trên 3 tỷ đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu liên quan đến công tác tuyển sinh, mở ngành đào tạo.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thanh tra, kiểm tra hiện vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như: Nhiều địa phương chưa bố trí đủ 5 công chức làm công tác thanh tra Sở theo quy định của Chính phủ; kế hoạch thanh tra, kiểm tra của một số Sở GDĐT chưa thật sự phù hợp, cân đối giữa số cuộc thanh tra hành chính với thanh tra chuyên ngành và thanh tra đột xuất; một số Sở GDĐT chưa kịp thời kiểm tra, theo dõi, xử lý sau thanh tra…

Thanh tra lấy phòng ngừa để thúc đẩy, lan tỏa

Chánh Thanh tra Bộ GDĐT Nguyễn Đức Cường cho biết, năm học 2023-2024, nhiệm vụ chung của các Sở GDĐT là ban hành hệ thống văn bản, hướng dẫn đầy đủ, chi tiết; thực thi đúng quy định pháp luật, không có vùng cấm; xử lý, xử phạt bảo đảm nghiêm minh, công khai, minh bạch. Đồng thời, xây dựng được hệ thống giám sát, kịp thời và chủ động trong mọi tình huống; tiếp tục kiện toàn tổ chức, đội ngũ thanh tra Sở GDĐT, cộng tác viên thanh tra giáo dục.

Nhấn mạnh công tác kiểm tra, đánh giá thường xuyên là một hoạt động của kiểm định chất lượng giáo dục, tại Hội nghị Tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024 đối với công tác quản lý chất lượng và thanh tra, kiểm tra khối Sở GDĐT, Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng lưu ý: Trong thực hiện, không lấy danh nghĩa khảo sát chất lượng mà kiểm tra quá nặng nề. Kiểm tra, đánh giá là để thúc đẩy chất lượng, với nguyên tắc là gọn nhẹ, không gây áp lực cho học sinh, lãng phí cho gia đình và xã hội.

Theo đó, Thứ trưởng đề nghị các Sở GDĐT bám sát hướng dẫn thanh tra và kế hoạch thanh tra năm học 2023-2024 để xây dựng kế hoạch phù hợp với đặc điểm tình hình và yêu cầu nhiệm vụ chung; đảm bảo việc thanh tra đúng quy trình, công tâm, khách quan, lấy phòng ngừa để thúc đẩy, lan toả. Thanh tra phải có trọng tâm, trọng điểm và thực hiện nghiêm kết luận sau thanh tra, tạo nên tính nghiêm minh của quy chế, của công tác thanh tra.

Cùng với đó, các Sở GDĐT cũng cần quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ thanh tra, cộng tác viên thanh tra giáo dục đủ số lượng, đảm bảo chất lượng. Đồng thời, tham mưu lãnh đạo Sở tiếp nhận, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo đúng thời gian, thẩm quyền; phối hợp với các phòng, ban để tổ chức tuyên truyền pháp luật hiệu quả ngay trong ngành.

“Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có vướng mắc, các Sở GDĐT cần phản ánh, kết nối tới các đơn vị của Bộ để kịp thời tháo gỡ, đảm bảo công việc chung đạt hiệu quả”, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh./.

PHƯƠNG LAN