Tăng lương song cần đảm bảo hài hòa lợi ích

Xã hội - Ngày đăng : 19:30, 27/08/2023

(BKTO) - Đại diện nhiều doanh nghiệp (DN) cho rằng, hầu hết họ vẫn đang trả lương cho người lao động cao hơn mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định, nếu lương tối thiểu tăng quá cao sẽ tăng thêm gánh nặng về chi phí nhân công cho DN trong bối cảnh hiện nay.
luong-tang.jpg
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thế khó của doanh nghiệp

Hiện chưa có một phương án chính thức nào về việc lương tối thiểu năm 2024 sẽ tăng bao nhiêu và thời điểm thực hiện. Dự kiến, phải đến tháng 10, Hội đồng Tiền lương quốc gia mới tiếp tục họp để đưa ra phương án tối ưu cho lương tối thiểu vùng năm 2024. Tuy nhiên, theo các DN, tăng lương tối thiểu vùng cần được thảo luận dựa trên thực tế hoạt động cũng như tình hình phát triển của các DN.

Ông Nguyễn Đức An - Giám đốc Công ty TNHH Thành An - bày tỏ quan điểm, DN rất muốn tăng lương cho người lao động vì tăng lương đồng nghĩa với việc hiệu quả công việc sẽ tăng. Tuy nhiên, nếu tăng lương trong điều kiện DN khó khăn thì sẽ là gánh nặng lớn với DN.

“Nếu những khó khăn chỉ diễn ra trong 6 tháng hay 1 năm thì chúng tôi còn cố gắng trụ được. Thế nhưng, từ đợt dịch Covid-19 đến nay, DN không những chưa hồi phục mà còn tiếp tục khó khăn bởi lạm phát, chiến tranh giữa Nga và Ukraine. Trước đây, quy mô DN của tôi hơn 100 nhân công nhưng nay, công ty chỉ còn 50 người, cứ đà này còn phải tiếp tục giảm”- ông An giãi bày.

Không chỉ các DN nhỏ, mới đây, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) đã có Văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành về việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng năm 2024.

Trong Văn bản kiến nghị, dẫn khảo sát “Thực trạng của các DN Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài” với hơn 600 DN, JCCI cho biết, các DN Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam không mấy lạc quan về kết quả kinh doanh năm 2023. Tại thời điểm khảo sát, hơn 46% DN dự báo doanh thu sẽ “suy giảm” hoặc “duy trì” so với năm 2022.

Hơn 75% DN Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam nói rằng chi phí nhân công tăng chính là rủi ro lớn nhất khi đầu tư tại Việt Nam trong tương lai. Con số này cao hơn so với thứ hạng và tỷ lệ trong cuộc khảo sát tương tự được thực hiện ở Thái Lan và Philippines (Thái Lan 71,4%; Philippines 61,1%).

JCCI cho rằng, mặc dù Chính phủ Việt Nam giữ nguyên mức lương tối thiểu theo vùng nhưng các DN Nhật Bản đang đầu tư tại Việt Nam vẫn quyết định tăng lương với mức 5,4% từ năm 2020 đến năm 2021 và 5,8% từ năm 2021 đến 2022, từ năm 2022 đến năm 2023, dự kiến tăng 5,9%. Tỷ lệ tăng này cao hơn so với các nước ASEAN như Thái Lan, Indonesia và Philippines.

Đảm bảo hài hòa lợi ích hai bên

Ngoài ra, một khảo sát mà JCCI thực hiện trong tháng 01/2023 cũng cho thấy, dù Chính phủ Việt Nam quyết định giữ nguyên mức lương tối thiểu vùng nhưng có tới 65% số lượng DN Nhật Bản trong khối sản xuất hoạt động tại miền Bắc Việt Nam quyết định tăng lương cho người lao động.

Tính tổng các DN đã thực hiện tăng lương trong năm 2022, có tới 96% số lượng DN đã tiến hành tăng lương từ năm 2022 đến 2023. Kết quả của những đợt tăng lương này là mức lương bình quân của các DN sản xuất Nhật Bản ở miền Bắc Việt Nam đạt hơn 5,1 triệu đồng (khu vực 1, 2, 3 và 4), cao hơn nhiều so với mức lương tối thiểu vùng 4,68 triệu đồng ở khu vực 1.

Ông Nguyễn Thái Dương - Phó Chủ tịch Công đoàn Dệt may Việt Nam - cũng thừa nhận, giai đoạn này với các DN ngành dệt may là hết sức khó khăn.

Hiện các DN trong ngành đều trả lương cho người lao động cao hơn mức lương tối thiểu vùng nên nếu lương tiếp tục tăng thì DN sẽ phải gánh thêm chi phí tăng thêm từ phần đóng bảo hiểm xã hội, phí công đoàn. Còn thực tế, thu nhập của người lao động chưa chắc đã tăng, thậm chí giảm đi vì tỷ lệ phải đóng bảo hiểm và các khoản khác tăng theo.

Đại diện Công đoàn Dệt may cho rằng, việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng trong năm tới cần cân nhắc một mức tăng và thời điểm phù hợp để đảm bảo hài hòa quyền lợi của cả người lao động và khả năng cạnh tranh của DN.

Trong hơn 10 năm qua, lương tối thiểu vùng thường được điều chỉnh vào ngày 01/01 hằng năm. Từ năm 2020 đến giữa 2022, việc này tạm hoãn do ảnh hưởng của Covid-19. Lần điều chỉnh gần nhất là vào ngày 01/7/2022 với mức tăng 240.000-260.000 đồng tùy từng vùng. Theo đó, hiện lương tối thiểu vùng 1 là 4,68 triệu, vùng 2 là 4,16 triệu, vùng 3 là 3,64 triệu và vùng 4 là 3,25 triệu đồng.

Theo ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tình hình kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn với dự báo tăng trưởng chậm lại, khả năng suy thoái trong ngắn hạn đã và đang bị đe dọa bởi lạm phát, hệ thống tài chính toàn cầu đang lâm vào suy yếu. Cùng với đó, xung đột Nga - Ukraine chưa có dấu hiệu dừng lại. Còn tại Việt Nam, những mặt hàng xuất khẩu chủ lực đều sụt giảm so với cùng kỳ 2022 như: dệt may, linh kiện điện tử, tôn thép các loại, dăm gỗ, tinh bột sắn, xơ sợi dệt các loại, bột đá... Một số đơn vị, DN không nhập được nguyên, vật liệu nên tình hình sản xuất bị ảnh hưởng, thậm chí, nhiều DN không ký được đơn hàng mới, trong khi hàng sản xuất ra tồn kho nhiều...

“Các khó khăn, thách thức tác động tới tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới vẫn rất lớn, với nhiều yếu tố khó dự báo hơn, nhất là biến động về giá xăng dầu, nguyên vật liệu đầu vào, áp lực lạm phát, chi phí sản xuất tăng cao; rủi ro về chuỗi cung ứng, nhu cầu từ các thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống bị thu hẹp, suy yếu là những yếu tố tác động bất lợi hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN”- ông Phòng nhận định.

Từ thực tế này, đại diện người sử dụng lao động mặc dù thống nhất kế hoạch điều chỉnh lương tối thiểu vùng nhưng lưu ý rằng, cần nghiên cứu, trao đổi và tính toán kỹ lưỡng thời điểm điều chỉnh cho phù hợp./.

THÀNH ĐỨC