Cuộc đua ưu đãi chi tiêu hoàn tiền
Ngân hàng - Tín dụng - Ngày đăng : 15:00, 28/08/2023
Các ngân hàng cạnh tranh ưu đãi chi tiêu hoàn tiền
“Cho tôi thanh toán bằng mã QR”, “Cho tôi thanh toán bằng Internet Banking”... đó là những câu nói quen thuộc của nhiều người tiêu dùng hiện nay. Điều đó phản ánh xu thế thanh toán số đang ngày càng phát triển. Các trung tâm thương mại giờ đây cũng đặt riêng những quầy dành cho việc thanh toán bằng mã QR. Những quầy này không có người thu ngân mà chỉ có một nhân viên hỗ trợ, hướng dẫn cách thanh toán.
Một trong những điểm thú vị của việc thanh toán bằng Internet Banking hay ví điện tử là người tiêu dùng sẽ được hoàn lại một phần tiền trên giá trị đơn hàng. Không chỉ tích điểm trên thẻ mua sắm tại các điểm mua sắm, người dân có thể tích điểm tại thẻ tín dụng của mình. Từ đó, họ có thể đổi điểm thành các voucher khuyến mãi, giảm giá trong những dịp cần thiết, tùy từng nhu cầu.
Nắm được tâm lý khách hàng, nhiều ngân hàng thương mại đã cho ra mắt các loại thẻ tín dụng hoàn tiền với nhiều mục đích sử dụng khác nhau. Người thích đi du lịch, mua sắm cũng có loại thẻ riêng, thích xem phim, thích đặt hàng qua mạng cũng có loại thẻ chuyên dùng cho mục đích đó.
Khảo sát trên thị trường hiện nay, mức chi tiêu hoàn tiền với thẻ tín dụng từ 5-10%. Chẳng hạn HSBC tung ra thẻ Visa Cashback có thể hoàn tiền 6% khi chi tiêu tại các siêu thị và cửa hàng tiện ích, thêm 2% nếu nhận lương qua hệ thống này.
Ngân hàng VIB cũng đem đến người tiêu dùng loại thẻ tín dụng hoàn tiền không giới hạn số tiền, hoàn 0,5% cho số tiền chi tiêu tăng thêm từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng. Có những loại thẻ hoàn tiền được thiết kế cho riêng cho mục đích đi du lịch mua sắm như thẻ Standard Chartered Cash Back, MSB Visa Online… Hạn mức hoàn tiền khá đa dạng, một số thẻ đã cho phép hoàn tiền không giới hạn. Một số thẻ giới hạn hoàn từ 1.000.000 - 2.000.000 đồng/tháng.
Các chuyên gia từ CluneTech (Tập đoàn công nghệ tài chính toàn cầu có trụ sở chính tại Mỹ) cho rằng, việc ưu đãi chi tiêu hoàn tiền có thể tạo ra lợi thế cạnh tranh và khiến người tiêu dùng cân nhắc lựa chọn các dịch vụ mới. Các ngân hàng thay vì bỏ chi phí vào marketing có thể tập trung phát triển các sản phẩm chi tiêu hoàn tiền để thu hút khách hàng, khai thác thêm dữ liệu từ người tiêu dùng. Đây cũng là một cách để ngân hàng xây dựng lòng trung thành với những khách hàng thân thiết.
Ưu đãi nhằm vào tâm lý của khách hàng
Theo đánh giá của Phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử, Bộ Công Thương, không chỉ các ngân hàng, những công ty cung cấp dịch vụ thanh toán trung gian cũng đang tham gia vào cuộc chạy đua giành thị phần. Họ liên kết với các ngân hàng và những nhà bán lẻ trực tuyến như Tiki, Sendo, Lazada, Amazon… Chỉ tính riêng tại Việt Nam đã có tới 5-7 ứng dụng thanh toán di động đang phát triển mạnh. Tiêu biểu là MoMo, ViettelPay, AirPay, ZaloPay và GrabPay.
Khác với các ngân hàng, những công ty dịch vụ thanh toán trung gian này không chi tiêu hoàn tiền trực tiếp vào tài khoản. Thay vào đó là việc chi tiêu đổi thưởng. Ví dụ, một cốc cà phê có giá 80.000 đồng nhờ việc chi tiêu đổi thưởng, người tiêu dùng có thể mua với giá 40.000 đồng. Hay với những người có nhu cầu mua vé tàu, xe, máy bay, chi tiêu thông qua các ví điện tử này giúp người tiêu dùng có được các khuyến mãi mua hàng, voucher độc quyền.
Dự báo trong năm 2023, có khoảng 62 triệu người tiêu dùng mua sắm trực tuyến. Trong đó, 72% muốn trải nghiệm hình thức thanh toán bằng Mobile Money, dịch vụ thanh toán di động. 69% người tiêu dùng hiện nay rất quan tâm đến các chương trình giảm giá và khuyến mãi trên các website, livestream, nền tảng bán hàng trực tuyến. Cùng với đó, 95% các nhà bán lẻ trực tuyến chấp nhận hình thức thanh toán trực tuyến.
Vì vậy, tiềm năng việc phát triển kinh tế số tại Việt Nam rất lớn, theo đó, các ngân hàng cũng đưa ra nhiều chương trình ưu đãi hấp dẫn để thúc đẩy tiêu dùng số, chẳng hạn chi tiêu hoàn tiền, tặng bảo hiểm du lịch, có các khoảng thời gian không tính lãi… Còn các công ty cung cấp dịch vụ thanh toán trung gian luôn có những chương trình chi tiêu đổi thưởng, tích lũy lấy mã giảm giá đánh trúng tâm lý khách hàng”, ông Nguyễn Hữu Tuấn, Trưởng phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử, Bộ Công Thương cho biết.
Không chỉ hướng đến hợp tác với các nhà bán lẻ trực tuyến, những công ty cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán còn phủ sóng tại các quán cafe, tiệm ăn, cửa hàng làm đẹp… Điều này giúp cho việc mua sắm hàng ngày dễ dàng và thuận lợi hơn. Chi tiêu hoàn tiền là một hình thức ưu đãi thích hợp với nhiều thế hệ người tiêu dùng. Họ có thể lựa chọn những kênh thanh toán để mua được món đồ như mong muốn với mức giá thấp nhất. Qua đó, sức cạnh tranh giữa các cơ sở kinh doanh, nhà bán lẻ sẽ được nâng lên./.
(Theo: Thời báo Ngân hàng)