Công nghệ tài chính ngân hàng chờ thêm hành lang pháp lý để bứt tốc

Ngân hàng - Tín dụng - Ngày đăng : 11:10, 30/08/2023

(TBTCO) - Thị trường dịch vụ tài chính ngân hàng chờ bứt tốc khi các văn bản pháp lý về giao dịch điện tử như nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt, nghị định mới về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát công nghệ tài chính (Sand Box)… đang được các cơ quan chức năng hoàn thiện để chuẩn bị trình Chính phủ ký ban hành.

Pháp lý đang dần hoàn thiện

Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), Nghị định thay thế Nghị định số 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt đang được các cơ quan chức năng rốt ráo hoàn thiện và có khả năng sẽ ban hành ngay trong quý III/2023. Đây được kỳ vọng là một văn bản pháp lý quan trọng trong việc tiếp tục thúc đẩy các hoạt động chuyển đổi số và các dịch vụ ngân hàng điện tử trong thời gian tới, sau khi hoạt động này đã có sự chuyển biến khá mạnh trong thời gian qua.

Hiện nay, lượng giao dịch điện tử qua ngân hàng bình quân 1 ngày lên tới 8 triệu giao dịch, với số lượng giao dịch bằng tiền mặt khoảng 900.000 tỷ đồng (tương đương 40 tỷ USD). Tính đến tháng 6/2023, lượng tiền giao dịch thanh toán chuyển khoản bình quân tăng 52,35% so với năm 2022.

Lượng thanh toán thông qua POS, mã QR, internet và Mobile Banking tăng cả về giá trị lẫn số lượng. Trong khi đó, lượng rút tiền mặt qua ATM giảm khoảng 6,3%. Có thể thấy, chuyển đổi số có thể giúp hạn chế sử dụng tiền mặt và thúc đẩy về thanh toán một cách nhanh nhất, tiện lợi nhất.

Công nghệ tài chính ngân hàng chờ thêm hành lang pháp lý để bứt tốc
Một số văn bản pháp lý quan trọng cho hoạt động tài chính ngân hàng điện tử đang hoàn thiện. Ảnh: T.L

Ngoài nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt, một văn bản pháp lý quan trọng khác cũng đang được hoàn thiện và cũng kỳ vọng có thể sớm ban hành là nghị định mới về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát công nghệ tài chính (Sand Box).

Ông Phạm Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh toán thuộc NHNN cho biết, nếu như trong quý III/2023 này, 2 nghị định này được Chính phủ ký ban hành, ngay lập tức NHNN sẽ ban hành 7 thông tư hướng dẫn liên quan.

“Tất cả những nội dung này chúng tôi cũng đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng và chi tiết. Trong thời gian tới, sau khi nghị định được ký thì thông tư cũng sẽ được đăng báo để lấy ý kiến rộng rãi trong xã hội và các bộ, ban, ngành liên quan. Trên cơ sở đó, NHNN sẽ chính thức ban hành các thông tư liên quan, dự kiến có thể có hiệu lực từ ngày 1/1/2024” - ông Tuấn nói.

Tạo nền tảng ổn định cho yêu cầu thực tiễn

Việc có thêm các văn bản pháp lý cụ thể và chi tiết để chi phối các hoạt động dịch vụ ngân hàng điện tử có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh hoạt động này có thể còn tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.

Theo NHNN, hiện nay đã có khoảng 40 ngân hàng  mở tài khoản thanh toán cho khách hàng với khoảng 11 triệu tài khoản thông qua phương thức eKYC; khoảng 20 ngân hàng mở tài khoản thanh toán thẻ đối với khách hàng thông qua eKYC.

Bà Winnie Wong, Giám đốc Quốc gia của Mastercard tại Việt Nam, Campuchia và Lào cho biết: "Với tư cách là công ty công nghệ thanh toán toàn cầu, Mastercard sẽ luôn tiếp tục đổi mới sáng tạo để đảm bảo các giao dịch không chỉ diễn ra an toàn, mà còn nhanh và bảo mật nhất có thể. Do đó, cùng với các tổ chức trong ngành và chính phủ, Mastercard luôn cố gắng đảm bảo tạo ra một môi trường nơi mọi người có thể vững tâm khi thực hiện giao dịch".

Đáng chú ý, Chính phủ cũng đã yêu cầu thực hiện kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu dân cư. Cho đến nay, có khoảng 25 triệu tài khoản của khách hàng đã tích hợp dữ liệu dân cư sau khi Bộ Công an và NHNN có thỏa thuận thống nhất về triển khai về tích hợp dữ liệu dân cư với tài khoản ngân hàng.

Ông Văn Anh Tuấn - Giám đốc cao cấp An ninh Thông tin, Ngân hàng Techcombank cho biết, khi đã có những cơ chế rõ ràng, các ngân hàng thương mại cũng sẽ tiếp tục thực thi đồng bộ từ con người đến chính sách và công nghệ.

Các ngân hàng thương mại sẽ tiếp tục đầu tư các công nghệ mới, công nghệ chống lừa đảo như lừa đảo qua DeepFake… Đó là chuỗi hệ thống công nghệ từ an ninh thông tin nền tảng đến an ninh thông tin ứng dụng, rồi đến các công nghệ xác thực, chứng thực làm sao để đảm bảo định danh đúng người chủ tài khoản thực hiện giao dịch.

Công nghệ tài chính ngân hàng chờ thêm hành lang pháp lý để bứt tốc
Việc đảm bảo an toàn và giao dịch thông suốt luôn là yếu tố quan trọng. Ảnh: T.L

Thực tế cho thấy, các yêu cầu về đảm bảo an toàn, an ninh trong việc thực hiện các dịch vụ ngân hàng cũng là một nhiệm vụ quan trọng và đây là vấn đề không chỉ ở Việt Nam mà là vấn đề chung trên thế giới. Bà Winnie Wong - Giám đốc Quốc gia của Mastercard tại Việt Nam, Campuchia và Lào cho biết, trong năm ngoái, tổ chức này đã xử lý 126 tỷ giao dịch trên toàn câu. Từ đó, Mastercard đánh giá được rất nhiều xu hướng gian lận khác nhau đang diễn ra tại các nước, qua đó cũng rút ra các bài học và giải pháp để ứng dụng tại các quốc gia.

Thực tế tại Việt Nam, theo ông Phạm Anh Tuấn, hiện nay, hệ thống thanh toán quốc gia đang giao dịch trên 800.000 tỷ đồng/ngày; hệ thống qua Napas có số lượng giao dịch trong năm 2022 đạt mức 4,8 tỷ giao dịch/năm, dự kiến trong năm 2024 sẽ đạt con số là 8,4 tỷ giao dịch/năm.

“NHNN sẽ tích cực đôn đốc các tổ chức tín dụng, các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phải tăng cường đầu tư cho an toàn thông tin, bảo mật theo đúng như các bước đặt ra trong kế hoạch chuyển đổi số của ngành ngân hàng” - ông Tuấn nói.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết: "Hành lang pháp lý đang từng bước được cải thiện. Những giải pháp, quy định nhằm hạn chế rủi ro gian lận thanh toán cũng đã được đề cập. Thông qua những sự việc đã xảy ra trong thực tiễn, các ngân hàng thương mại đã rút ra được bài học, NHNN cũng đã có những chính sách, bước đi phù hợp. Vì vậy, trong tương lai, tôi có góc nhìn rất khả quan đối với chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng".
(Theo: Thời báo Tài chính Việt Nam)

CHÍ TÍN