Sửa Luật Đất đai: Phải tránh đầu cơ đất nông nghiệp
Pháp luật - Ngày đăng : 08:30, 31/08/2023
Lo ngại lợi dụng thu gom đất trồng lúa để đầu cơ
Tiếp tục chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, sáng 30/8, các đại biểu Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề lớn của Dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Trong đó, chính sách liên quan đến tập trung tích tụ đất đai để phục vụ sản xuất nông nghiệp, được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm.
Đại biểu Nguyễn Văn Huy (Đoàn Thái Bình) đánh giá cao việc Dự thảo Luật đã mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp. Theo đại biểu, quy định này là phù hợp với chủ trương tại Nghị quyết số 18-NQ/TW và phù hợp với bối cảnh hiện nay, góp phần thúc đẩy việc đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, khuyến khích và huy động được các nguồn lực để đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Văn Huy cho rằng, đây là nội dung lớn, nhạy cảm nên cần phải được đánh giá thật kỹ những tác động của chính sách.
"Cần nghiên cứu quy định cụ thể hơn nhằm bảo đảm việc mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp phù hợp với điều kiện thực tiễn, nhưng phải kèm theo điều kiện rất cụ thể giúp cho việc kiểm soát chặt chẽ; tránh việc lợi dụng chính sách thu gom đất trồng lúa nhằm phục vụ mục tiêu đầu cơ, không sản xuất nông nghiệp; kiểm soát việc chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sau khi nhận chuyển nhượng" - đại biểu Huy nêu quan điểm.
Cùng quan tâm vấn đề này, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) cũng đề nghị cân nhắc việc cho phép mở rộng đối tượng nhận chuyển quyền sử dụng đất mà không trực tiếp canh tác, sản xuất đất nông nghiệp, vì dễ dẫn đến tình trạng đầu cơ đất.
“Đồng bằng sông Cửu Long đã xảy ra hiện tượng này rồi. Khi nghe nói tích tụ đất để quy hoạch cánh đồng mẫu lớn thì đã có người vào mua, thuê, sau đó lại gây khó khăn cho những tổ chức muốn có đất để sản xuất, để phát triển công nghệ về nông nghiệp” - đại biểu Hòa dẫn chứng.
Lĩnh vực nông nghiệp đang chuyển dần sang hướng cơ giới hóa sản xuất, các vùng nông thôn bắt đầu xuất hiện mô hình các cánh đồng mẫu. Tại các vùng nông nghiệp đang xuất hiện xu hướng dồn điền, đổi thửa để phát triển kinh tế nông hộ. Tuy nhiên, Luật Đất đai năm 2013 chưa quy định cụ thể đối với việc dồn điền, đổi thửa trong quá trình sản xuất nông nghiệp của các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức. Do đó, cần nghiên cứu bổ sung quy định về dồn điền, đổi thửa vào Luật Đất đai để đảm bảo quản lý cho thống nhất và phù hợp quy định.
Ông Hoàng Linh - Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (KTNN)
Trong khi đó, đại biểu Đinh Thị Phương Lan (Đoàn Quảng Ngãi) đề nghị rà soát quy định về tập trung, tích tụ đất nông nghiệp, nhằm tránh hiểu nhầm hoặc lợi dụng chủ trương này để kinh doanh quyền sử dụng đất hoặc trá hình buôn bán bất động sản nông nghiệp.
Đồng thời, cần có quy định cụ thể hơn về các nguyên tắc, điều kiện ràng buộc, nhằm tránh việc lợi dụng chủ trương, chính sách tập trung tích tụ đất nông nghiệp cho mục đích khác; vai trò quản lý nhà nước trong việc thực hiện tập trung tích tụ đất nông nghiệp hạn mức tối đa; điều kiện cần thiết đối với các chủ đầu tư dự án được thực hiện trong quá trình tập trung tích tụ đất nông nghiệp.
Đất đai bỏ hoang, chờ đền bù
Góp ý vào Dự thảo Luật, đại biểu Trần Văn Lâm (Đoàn Bắc Giang) nhận xét một số nội dung trong Dự thảo Luật chưa cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương của Nghị quyết 18 của Trung ương.
Theo đại biểu, Nghị quyết 18 đặt mục tiêu thị trường bất động sản, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất phải trở thành kênh phân bổ đất đai hợp lý, công bằng, hiệu quả. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, việc phân bổ đất đai qua cơ chế thị trường đã làm sai lệch “méo mó” kết quả.
"Người có nhu cầu, có khả năng sử dụng không tiếp cận được đất đai hoặc tiếp cận với chi phí quá cao, làm tăng chi phí kinh doanh, giảm hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đất đai lại trở thành công cụ đầu cơ để sinh lời, tích trữ, chứ không được đưa vào khai thác, sử dụng” - đại biểu Lâm phân tích.
Chúng ta đang khuyến khích về tích tụ ruộng đất, tuy nhiên phải tránh đầu cơ về đất nông nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh
Đưa ra giải pháp giải quyết vấn đề này, đại biểu Lâm cho rằng, cần điều tiết bằng các biện pháp kinh tế, chẳng hạn như thu thuế lũy tiến đối với việc sử dụng vượt hạn mức hoặc là thuế nông nghiệp. Đất nông nghiệp phải có thuế, nếu không thì người dân cứ bỏ đất hoang, chờ đền bù" - đại biểu Trần Văn Lâm đề xuất.
Băn khoăn, lo ngại của các đại biểu Quốc hội cũng là vấn đề đã được Kiểm toán nhà nước (KTNN) nhận diện qua thực tế kiểm toán. Ông Hoàng Linh - Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (KTNN) cho biết, theo Điều 54 Luật Đất đai năm 2013, hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, làm muối được Nhà nước giao đất trong hạn điền thì không thu tiền sử dụng đất. Tuy nhiên, tại nhiều địa phương đang có tình trạng một số hộ gia đình, cá nhân được giao đất sản xuất nông nghiệp trong hạn mức, không có nhu cầu sử dụng đất nhưng vẫn giữ đất bỏ hoang hoặc cho người khác sử dụng chờ thu lợi từ chính sách đền bù khi Nhà nước thu hồi đất. “Tình trạng này gây lãng phí đất đai và làm mất cơ hội sử dụng đất của một số chủ thể khác như cá nhân sinh sau thời điểm giao đất hay các doanh nghiệp muốn đầu tư vào nông nghiệp nhưng thiếu quỹ đất” - ông Hoàng Linh nhấn mạnh.
Giải trình làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, tại Hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, liên quan đến quy định về cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được quyền nhận chuyển nhượng đất trồng lúa để tích tụ tập trung ruộng đất đưa vào sản xuất nông nghiệp, dự kiến, Dự thảo Luật sẽ bổ sung thêm điều kiện là phải thành lập doanh nghiệp, phải có phương án sản xuất, kinh doanh để báo cáo cơ quan có thẩm quyền là UBND cấp tỉnh.
“Chúng tôi sẽ phối hợp để xử lý vấn đề này và phải có chế tài chống việc chuyển mục đích sử dụng đất lúa” - ông Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.