Gia tăng giá trị cho tổ chức từ các chủ đề kiểm toán hoạt động

Kiểm toán - Kế toán - Ngày đăng : 18:51, 31/08/2023

(BKTO) - Giá trị lớn nhất mà kiểm toán hoạt động (KTHĐ) tạo ra chính là các giải pháp giúp tổ chức cải thiện tình hình sản xuất kinh doanh và phát triển bền vững. Những giải pháp này có thực sự mang lại giá trị cho tổ chức hay không phụ thuộc nhiều vào các nhân tố tác động, trong đó có việc lựa chọn chủ đề.
1.jpg
Kiểm toán viên và đoàn kiểm toán cần quan tâm tới việc lựa chọn chủ đề kiểm toán. Ảnh minh họa

Tiêu chí lựa chọn chủ đề kiểm toán hoạt động

Theo Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI), KTHĐ tập trung vào tính kinh tế của các hoạt động hành chính; tính hiệu quả trong sử dụng các nguồn nhân lực, tài chính và vật lực; tính hiệu lực của hoạt động nhằm đạt được các mục tiêu đưa ra. Các giải pháp mà KTHĐ kiến nghị chủ yếu nhằm sử dụng tối ưu các nguồn lực, giảm thiểu các chi phí đầu vào, gia tăng hiệu quả cho hoạt động cả về mặt kinh tế và xã hội.

Để tạo được sản phẩm có giá trị, chất lượng, kiểm toán viên và đoàn kiểm toán cần quan tâm tới việc lựa chọn chủ đề kiểm toán. Quỹ Kiểm toán và Trách nhiệm giải trình Canada (CAAF) đã đưa ra khuyến nghị về các tiêu chí khi lựa chọn chủ đề KTHĐ. Cụ thể, chủ đề các cuộc kiểm toán được lựa chọn dựa trên các lĩnh vực yếu kém (hiệu quả thấp, lãng phí nguồn lực, nhiều tài sản không hoạt động, giải ngân chậm, tiến độ kéo dài…) hoặc nghi ngờ dựa trên tầm quan trọng và rủi ro.

Trong đó, chủ đề kiểm toán theo các lĩnh vực yếu kém được lựa chọn khi nguồn lực cho quá trình kiểm toán còn hạn chế, buộc đoàn kiểm toán phải ưu tiên tập trung vào các chủ đề kiểm toán có dấu hiệu tiêu cực về tính kinh tế, hiệu quả. Với nhóm chủ đề này, quá trình thu thập bằng chứng kiểm toán có thể dễ dàng hơn và ít tốn kém hơn.

Lựa chọn chủ đề kiểm toán dựa trên tầm quan trọng và rủi ro sẽ được cân nhắc trên cơ sở mức độ ảnh hưởng tới công chúng; cải thiện mối quan hệ với các tổ chức; sự quan tâm của Quốc hội, Chính phủ tới các vấn đề quan trọng; thông tin tiêu cực trong báo cáo, kết quả kiểm toán được công bố.

Khi lựa chọn chủ đề kiểm toán dựa trên rủi ro, kiểm toán viên cần phải cụ thể về loại rủi ro nào đang được đề cập đến, chẳng hạn như rủi ro cố hữu từ hoạt động kinh doanh hay các rủi ro còn lại sau khi đã thiết lập, duy trì và vận hành kiểm soát nội bộ. Các câu hỏi được đặt ra là: Vấn đề có rõ ràng không? Vấn đề (đặc biệt các rủi ro mới nổi) có khả năng trở nên tồi tệ hơn không? Vấn đề có phải là phần nổi của tảng băng chìm không? Tác động của vấn đề? Đánh giá rủi ro cố hữu có thể giúp xác định những tác động này có đáng lo ngại không?

Nhóm tiêu chí thứ hai khi lựa chọn chủ đề KTHĐ là cuộc kiểm toán có thể cải thiện tình hình bằng cách tìm ra giải pháp tiết kiệm chi phí. Mức độ tiết kiệm chi phí đến từ chính các giải pháp mà KTHĐ kiến nghị (thông qua đánh giá tính kinh tế và hiệu quả) nhằm giảm thiểu các chi phí không cần thiết hay cắt giảm yếu tố đầu vào nhưng vẫn đảm bảo chất lượng của sản phẩm đầu ra.

Bên cạnh đó, chủ đề cuộc KTHĐ còn được lựa chọn dựa trên khả năng kiểm toán. Tiêu chuẩn ISSAI 300 lưu ý rằng, các rủi ro về khả năng kiểm toán có thể bao gồm việc không có năng lực tiến hành phân tích đủ rộng/sâu, thiếu khả năng tiếp cận thông tin chất lượng, thu thập thông tin không chính xác, không thể đưa ra các lập luận phù hợp nhất.

Như vậy, các đoàn kiểm toán cần khắc phục các vấn đề về năng lực chuyên môn và gia tăng tính pháp lý của cuộc KTHĐ, cũng như tuyên truyền lợi ích và giá trị của cuộc kiểm toán để đơn vị được kiểm toán cung cấp dữ liệu phù hợp, giảm thiểu các khó khăn cho kiểm toán viên khi thu thập bằng chứng kiểm toán.

Để kết quả kiểm toán gia tăng giá trị cho tổ chức

Việc lựa chọn chủ đề kiểm toán phù hợp phản ánh mức độ tin cậy, vai trò của kiểm toán và tính hữu ích của các báo cáo kiểm toán đối với tổ chức đó. Do đó, việc lựa chọn chủ đề kiểm toán tốt sẽ giúp gia tăng giá trị cho đối tượng sử dụng báo cáo kiểm toán.

Theo CAAF, để gia tăng giá trị cho tổ chức, trước tiên, cuộc KTHĐ phải cung cấp sự đảm bảo cho bộ phận giám sát và lãnh đạo đơn vị được kiểm toán. Nếu các vấn đề đã được biết trước, KTHĐ sẽ đóng vai trò đánh giá xem các vấn đề này đang được giải quyết tốt hay không tốt ở mức độ nào. Ngoài ra, KTHĐ có thể gia tăng giá trị đáng kể thông qua đóng góp vào việc tăng cường trách nhiệm giải trình.

Thứ hai, kết quả KTHĐ giúp tổ chức nâng cao hiểu biết về một chủ đề. Mỗi cuộc kiểm toán tạo ra một cơ hội đặc biệt để cung cấp cho tổ chức thông tin hoặc quan điểm mới về các yếu tố/khía cạnh chính ảnh hưởng đến hoạt động của tổ chức. Như vậy, cuộc KTHĐ có thể cung cấp cho người nhận báo cáo kiến thức và hiểu biết sâu sắc về các vấn đề, từ đó xử lý tình huống và đưa ra quyết định tốt hơn.

Thứ ba, các cuộc KTHĐ có thể đưa ra các kiến nghị sâu sắc, thiết thực giúp cải tiến đáng kể kết quả hoạt động và tiết kiệm chi phí.

Thứ tư, tích hợp giá trị gia tăng tiềm năng của các cuộc kiểm toán vào việc đưa ra quyết định. Tất cả những cân nhắc ở trên là một phần của hoạt động xét đoán chuyên môn có chủ đích để đáp ứng các chuẩn mực và thông lệ kiểm toán.

Các tổ chức có thể tiến xa hơn một bước nữa là tích hợp các chủ đề mang lại giá trị gia tăng khi lập kế hoạch kiểm toán. Theo đó, mỗi cuộc KTHĐ phải xác định được giá trị gia tăng tiềm năng, xếp hạng tác động (cao, trung bình hoặc thấp) và mô tả tiềm năng mang lại cho tổ chức, như: Lợi ích công cộng, cải thiện kết quả hoạt động.../.

Theo CAAF, cuộc KTHĐ hướng tới các mục tiêu tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả nhằm sử dụng tối ưu các nguồn lực, mang lại hiệu quả hoạt động cao và hoàn thành các mục tiêu nhà quản trị đưa ra. Điều này phụ thuộc rất lớn vào việc lựa chọn chủ để kiểm toán. Để KTHĐ phát huy vai trò và lợi ích to lớn của mình cho đơn vị được kiểm toán, việc lựa chọn chủ đề trong KTHĐ cần mang lại giá trị gia tăng cho tổ chức.

TS. TRẦN PHƯƠNG THÙY - Học viện Ngân hàng