Kinh nghiệm quốc tế về chống chuyển giá và bài học cho Việt Nam

Đối nội - Ngày đăng : 08:15, 13/08/2018

(BKTO) - “Chuyển giá” đã trở thành đề tài nóng, nhạy cảm trên thế giới và là mối quan tâm của các cơ quan Chính phủ, DN, nhà nghiên cứu. Chính phủ các nước lo lắng bảo vệ hệ thống thuế của mình, đảm bảo đủ nguồn thu để bù đắp các chi phí liên quan nhằm cung cấp dịch vụ công cho người dân. Các DN thì lo ngại thuế suất quá cao và chính sách thuế khó dự đoán sẽ làm tổn hại đến triển vọng kinh doanh và lợi ích kinh tế của các nước mà họ đang đầu tư. Việt Nam không nằm ngoài phạm vi của hoạt động chuyển giá bởi đây là một hiện tượng toàn cầu.


Kinh nghiệm quốc tếvề chống chuyển giá

Ở hầu hết các nước, đối với các cơ quan quản lý, đặc biệt là cơ quan thuế, sự phức tạp trong quản lý chuyển giá phát sinh ở cả cấp độ chính sách quốc gia và cấp độ thực hành. Tại cấp độ chính sách, các quốc gia cần xử lý hài hòa mối quan hệ giữa quyền của quốc gia được đánh thuế dựa trên lợi nhuận thu được của người nộp thuế. Tại cấp độ thực hành, cơ quan thuế của các quốc gia đều gặp khó khăn trong việc truy cập các thông tin có liên quan ngoài phạm vi lãnh thổ để xác định tính hợp lý của việc phân bổ chi phí và thu nhập giữa các thành viên liên kết của các tập đoàn đa quốc gia. Dưới đây là một số trường hợp cụ thể.

Các biện pháp chống chuyển giá của Vương quốc Anh tập trung vào các công ty đa quốc gia (đặc biệt là các công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ), tăng cường thực hiện việc trao đổi thông tin về thuế giữa các nước về hoạt động của các công ty đa quốc gia theo hướng dẫn của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD); từ chối những khoản giảm trừ thuế đối với những hoạt động không phù hợp… Tiền phạt được tính trên số thuế bị thất thu với mức phạt dao động từ 30%, 70% đến 100% tùy theo mức độ của sai phạm do sai sót hay cố tình dùng các thủ thuật để trốn thuế.

Trung Quốc đưa các công ty trong lĩnh vực công nghiệp, dược phẩm, y tế vào diện các công ty có khả năng chuyển giá đồng thời quy định khá cụ thể các thông tin DN cần phải cung cấp cho cơ quan thuế trong năm tài chính về các hoạt động kinh tế; áp dụng cơ chế chống chuyển giá (APA); tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; đặc biệt chú ý đến những công ty có trụ sở tại các nước có thuế suất thuế Thu nhập DN (TNDN) thấp. Tại Trung Quốc, mặc dù không áp dụng mức phạt đối với các khoản điều chỉnh nhưng quốc gia này lại áp dụng mức lãi suất tương ứng với lãi suất cho vay của ngân hàng cộng thêm 5% và không được khấu trừ khi tính thu nhập chịu thuế.

Ấn Độ đã sửa đổi quy định về các biện pháp chống chuyển giá gồm: thực hiện cơ chế thỏa thuận giá trước APA về phương pháp xác định giá tính thuế; áp dụng chế tài xử phạt nặng đối với những DN không cung cấp các thông tin hay tài liệu về các giao dịch kinh tế khi cơ quan thuế yêu cầu; quy định mức giá/lợi nhuận để xác định giá thị trường của sản phẩm; đưa ra những cách thức nhằm hình thành hệ thống số liệu theo chuỗi các năm để so sánh, đối chiếu. Đối với các khoản phát hiện, mức áp thuế 100 - 300% mức thuế và mức phạt khoảng 2% tính trên giá trị hợp đồng đối với một số sai sót như: không lưu trữ đầy đủ hồ sơ, lập hồ sơ không chính xác…

Tại Indonesia, phương pháp áp dụng biện pháp ngăn chặn hoạt động chuyển giá căn bản nhất được thực hiện theo hướng dẫn của OECD như: so sánh giá thị trường tự do, phương pháp dựa vào giá bán ra, phương pháp cộng chi phí vào giá vốn. Mặt khác, Indonesia áp dụng mức phạt 2%/tháng tính trên số thuế nộp thiếu bị phát hiện do gian lận qua chuyển giá, mức này sẽ tăng thêm 50% nếu các kiến nghị phản đối bị xác định là sai, và tăng thêm 100% nếu kết quả kháng cáo vẫn được xác định là sai. Thu hẹp các ưu đãi về thuế, hoàn thiện hệ thống thông tin, dữ liệu về người, DN nộp thuế, để từ đó theo dõi sát sao những thay đổi về doanh thu, lợi nhuận của các DN.

Malaysia đã luật hóa bằng các quy định cụ thể về việc ban hành 2 tờ khai về chuyển giá, một tờ khai dành cho các DN nước ngoài và một tờ khai dành cho các DN trong nước. Trên cơ sở thông tin kê khai, Cục Thuế sẽ xem xét, rà soát liệu có nên thanh tra DN này hay không. Điểm nhấn đáng quan tâm nhất trong quy định này là Cục Thuế Malaysia muốn thấy ở tờ khai này những thông tin về cấu trúc của tập đoàn, những chi phí mà công ty phải trả như: chi phí bản quyền, chi phí quản lý DN, những bằng chứng chứng minh DN có hưởng những dịch vụ đó và trả đúng với những dịch vụ mà DN đã hưởng hay không. Phương thức xác định các DN có thực hiện chuyển giá hay không được Malaysia áp dụng là so sánh giá thị trường tự do, phương pháp dựa vào giá bán ra, phương pháp cộng chi phí vào giá vốn, phương pháp phân chia lợi nhuận, phương pháp lợi tức thuận từ giao dịch. Mức phạt dao động từ 25 - 35% số thuế bị phát hiện gian lận.

Một số nước như: Tunisia, Pháp, Brazil… ban hành danh sách các thiên đường thuế đồng thời đưa ra những chính sách nhằm hạn chế việc chuyển giá của các công ty đa quốc gia có trụ sở tại các thiên đường thuế đó. Tunisia áp dụng mức thuế suất thuế TNDN đối với các đối tượng không cư trú tại Tunisia nhưng là đối tượng cư trú tại các thiên đường thuế là 25%, cao hơn so với mức áp dụng với các nước khác (15%). Đồng thời, để phù hợp với xu hướng các nước ngày càng giảm thuế suất thuế TNDN, Brazil quy định những quốc gia có mức thuế suất thấp hơn 17% sẽ được coi là thiên đường thuế, thay vì quy định dưới 20% như trước đây.

Những bài học cho Việt Nam

Như vậy, để triển khai công tác thanh tra, kiểm tra hiệu quả, có thể rút ra một số bài học sau để áp dụng trong điều kiện Việt Nam.

Thứ nhất, nghiên cứu hướng dẫn của OECD công bố, cập nhật hằng năm về chuyển giá nhằm hạn chế hành vi tránh thuế của các công ty đa quốc gia để hoàn thiện khung chính sách quốc gia tùy theo điều kiện cụ thể của Việt Nam. Có chính sách thuế phù hợp với tình hình trong nước, đáp ứng với yêu cầu của hội nhập và xu thế chung của thế giới, đảm bảo mục tiêu công bằng về quyền lợi và nghĩa vụ thuế giữa các thành phần kinh tế, tạo nguồn thu cho ngân sách, đồng thời kích thích thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Thứ hai, cần xây dựng một hệ thống chế tài chống chuyển giá nghiêm minh và tổ chức thực hiện nghiêm túc hệ thống chế tài đối với những hành vi không tuân thủ kê khai về giá chuyển giao khi có giao dịch với các bên có quan hệ liên kết theo thủ tục, trình tự quy định của pháp luật.

Thứ ba, trong kiểm soát hoạt động chuyển giá, cần đặc biệt chú trọng đến quy định về trách nhiệm kê khai thông tin liên quan về các mối quan hệ kinh tế liên kết, việc xuất trình các tài liệu minh chứng; tạo lập các cơ sở dữ liệu về thông tin thuế, hải quan để so sánh đối chiếu trong nội bộ quốc gia cũng như tăng cường trao đổi thông tin quốc tế; đẩy nhanh tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử, đảm bảo sự kết nối và trao đổi thông tin tự động giữa cơ quan thuế và các cơ quan quản lý nhà nước khác.

Thứ tư, chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm phục vụ cho việc quản lý nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Nguồn nhân sự này phải được thường xuyên cập nhật kiến thức về kinh tế, kinh nghiệm quản lý kinh tế, kinh nghiệm về hoạt động chuyển giá của các tập đoàn đa quốc gia tại các quốc gia trên thế giới.

TS. HÀ THỊ MỸ DUNG
Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, KTNN
Theo Báo Kiểm toán số 32 ra ngày 09-8-2018