Kiến nghị sớm xem xét cải cách tiền lương
Xã hội - Ngày đăng : 20:48, 31/08/2023
Ngày 31/8, tại Hà Nội, Ban cán sự Đảng Bộ LĐTBXH có buổi làm việc với Đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương do đồng chí Đỗ Ngọc An - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương - làm Trưởng đoàn về nội dung đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị Trung ương lần thứ Bảy khóa XII về cải cách chính sách BHXH (Nghị quyết 28); Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị Trung ương lần thứ Bảy khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp (Nghị quyết 27); Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 03/9/2019 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới (Chỉ thị 37).
Tại buổi làm việc, đại diện Bộ LĐTBXH đã báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết 28, Nghị quyết 27 và Chỉ thị 37.
Cơ chế tiền lượng cơ bản đáp ứng mục tiêu đặt ra
Cụ thể, các nội dung cải cách chính sách tiền lương trong khu vực doanh nghiệp cơ bản đã được triển khai thực hiện theo đúng mục tiêu, tiến độ thời gian và nội dung của Nghị quyết 27.
Cơ chế tiền lương theo Bộ luật Lao động đã hướng theo cơ chế thị trường, cơ bản đáp ứng được mục tiêu về xây dựng hệ thống chính sách tiền lương quốc gia một cách khoa học, minh bạch, phù hợp với tình hình thực tiễn đất nước.
Việc thí điểm cơ chế tiền lương theo Nghị quyết 27 đối với doanh nghiệp nhà nước (theo Nghị định số 20/2020/NĐ-CP) về cơ bản đã tạo sự chủ động cho doanh nghiệp trong xác định tiền lương, trả lương.
Các cấp, các ngành, địa phương thường xuyên quan tâm triển khai Chỉ thị 37, từ khâu xây dựng thành các chương trình, kế hoạch hành động 5 năm, hằng năm đến tổ chức triển khai thực hiện; bảo đảm sự tham gia của cả hệ thống chính trị. Việc triển khai có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình thích hợp, gắn với chức năng, nhiệm vụ, đặc thù của từng Bộ, ngành, địa phương. Nhiều nội dung được thể chế hóa thành quy định pháp luật để triển khai. Thực tiễn quan hệ lao động có nhiều chuyển biến tích cực.
Bộ LĐTBXH đề nghị Chính phủ báo cáo Ban Chấp hành Trung ương, Quốc hội sớm xem xét, cho ý kiến về nội dung cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27; cho chủ trương đối với Nghị định về tổ chức đại diện người lao động. Đồng thời đề nghị Đảng đoàn Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tập trung chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trong Chỉ thị 37, Quyết định số 416/QĐ-TTg, nâng cao vai trò đại diện, bảo vệ quyền lợi của thành viên.
Tỉnh ủy, thành ủy các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm chỉ đạo triển khai nhiệm vụ, giải pháp trong Chỉ thị 37, bảo đảm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thị trường lao động, bảo đảm việc làm, đời sống người lao động, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; chỉ đạo sắp xếp tổ chức bộ máy, biên chế phù hợp với công tác quản lý quan hệ lao động để triển khai nhiệm vụ, nhất là nhiệm vụ quản lý tổ chức của người lao động; bố trí cơ sở vật chất, nâng cao năng lực người làm công tác lao động, quan hệ lao động, thanh tra lao động và các thiết chế quan hệ lao động, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Kiến nghị 5 nội dung cải cách chính sách bảo hiểm xã hội
Về triển khai Nghị quyết 28, chưa đầy 5 năm, các cơ quan đã thể chế hóa kịp thời hầu hết các chủ trương của Đảng thành hệ thống văn bản bao gồm: Luật, Bộ luật, Nghị định, Nghị quyết, Quyết định....
Các mục tiêu Trung ương giao tại Nghị quyết 28 đều đạt và vượt, đặc biệt là mục tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện; năng lực quản trị và hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đã từng bước được nâng cao.
Để cải cách chính sách BHXH theo đúng tinh thần của Nghị quyết 28, đại diện Bộ LĐTBXH kiến nghị 5 nội dung: Các Bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ với Bộ LĐTBXH trong quá trình xây dựng Dự án Luật BHXH (sửa đổi); UBND cấp tỉnh bám sát các nghị quyết của Chính phủ để xây dựng chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH tại địa phương; các Bộ, ngành, địa phương quan tâm thực hiện đúng công tác báo cáo định kỳ; thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHTN theo quy định của pháp luật; tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về những nội dung cải cách BHXH của Nghị quyết 28.
Tại buổi làm việc, đồng chí Đỗ Ngọc An đánh giá cao Bộ LĐTBXH trong triển khai Nghị quyết 28, Nghị quyết 27 và Chỉ thị 37.
Đồng tình với báo cáo của Ban cán sự Đảng Bộ LĐTBXH, đồng chí Đỗ Ngọc An đề nghị trong thời gian tới, Bộ LĐTBXH tiếp tục nâng cao vai trò của cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực lao động, xã hội, đồng thời phối hợp với các cơ quan liên quan, nghiên cứu sâu hơn để tiếp tục thực hiện các nghị quyết, chỉ thị này./.