Mở cơ chế, huy động nguồn lực cho phát triển công nghiệp văn hóa
Xã hội - Ngày đăng : 14:17, 01/09/2023
Từ rào cản về cơ chế, chính sách…
Với nhận thức coi văn hóa là động lực, là “sức mạnh mềm” để phát triển bền vững, Đảng, Nhà nước ta đã có những chủ trương, định hướng nhất quán, ngày càng quan tâm hơn đến sự nghiệp phát triển văn hóa.
Trong đó, Nghị quyết số 33-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 9 khóa XI (năm 2014) xác định rõ yêu cầu “Phát triển CNVH đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa” là một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm của sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa.
Đến năm 2021, văn kiện Đại hội XIII của Đảng đặt ra nhiệm vụ: “Khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành CNVH”. Và gần đây nhất, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo: “Khẩn trương phát triển các ngành CNVH, xây dựng thị trường văn hoá lành mạnh”.
Trên cơ sở đó, việc thể chế hóa các chủ trương của Đảng được triển khai tích cực và nhanh chóng. Trong hai thập niên gần đây, Chính phủ đã ban hành, sửa đổi, bổ sung nhiều Luật nhằm tạo dựng môi trường pháp lý thuận lợi cho sự phát triển các ngành CNVH.
Theo GS. Từ Thị Loan (Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam), việc hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã góp phần thúc đẩy việc triển khai cơ chế, chính sách về CNVH được thuận lợi. Đáng chú ý là sự thay đổi căn bản trong cơ chế lãnh đạo, quản lý, như chuyển từ cơ chế “xin - cho” sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm; từ quản lý theo kiểu quan liêu, duy ý chí sang cơ chế kinh tế thị trường; cơ chế xã hội hóa được đẩy mạnh trong việc huy động các nguồn lực cho phát triển văn hóa...
Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, các quy định hiện hành đang nảy sinh bất cập và không thể thúc đẩy sự phát triển của ngành CNVH. Nhất là khi nhận thức về phát triển văn hóa chưa được nhìn nhận đúng đắn.
Theo đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn, vai trò của CNVH đối với nền kinh tế và sự phát triển của nền văn hóa Việt Nam trong giai đoạn hiện nay rất quan trọng. Phát triển CNVH sẽ giúp Việt Nam tái cơ cấu mô hình tăng trưởng, tạo ra những sản phẩm - dịch vụ văn hóa có tính cạnh tranh cao, tạo thêm việc làm ổn định, đóng góp tích cực cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, “các ngành CNVH chưa được khai thác hiệu quả, xứng tầm với lợi thế của bề dày văn hóa dân tộc, tài năng của con người Việt Nam”. Điều này, theo ông Sơn, trước hết là do nhận thức của các ngành, các cấp về CNVH chưa đầy đủ, trong khi đây là một yếu tố quan trọng của nền kinh tế. Bên cạnh đó, các quy định để thúc đẩy phát triển CNVH chưa theo kịp trước những thay đổi nhanh chóng của tình hình mới, sự bùng nổ của công nghệ số…
Đơn cử, Luật Quảng cáo mới chỉ quan tâm đến các hình thức quảng cáo truyền thống, mà chưa theo kịp sự phát triển của công nghệ số, quảng cáo trên Internet, trong khi đây là phương thức quảng cáo chính hiện nay, mà tiền thu được từ quảng cáo lại rơi vào tay chủ sở hữu là các nhà mạng nước ngoài.
Tương tự, nhiều nội dung ưu đãi cho các dự án khởi nghiệp sáng tạo… đã đưa được vào Luật Đầu tư năm 2021, tuy nhiên các ngành CNVH không được tính đến. Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư năm 2020 cũng không đề cập đến văn hóa, khiến việc kêu gọi, thu hút nguồn lực đầu tư khó khăn.
… Đến giới hạn nguồn lực phát triển cần vượt qua
Quan tâm đầu tư phát triển CNVH, Nhà nước hỗ trợ tài chính cho phát triển văn hóa bằng nhiều cách: đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, gián tiếp hỗ trợ hoạt động văn hóa nghệ thuật thông qua chính sách thuế; cho vay vốn trung và dài hạn với các hình thức ưu đãi, lãi suất thấp… Bước sang thời kỳ đổi mới, nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa đã tăng lên so với giai đoạn trước (quy định hàng năm chi cho hoạt động văn hóa chiếm 1,8% tổng chi ngân sách).
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 xác định mục tiêu “Phấn đấu giá trị gia tăng của các ngành CNVH, đóng góp 7% GDP; mức tăng trưởng giá trị gia tăng hàng năm trung bình đạt 7%”.
Để đạt được mục tiêu này, yêu cầu cấp thiết hiện nay là phải đặt mức tối thiểu 2% tổng chi ngân sách hằng năm cho văn hóa. “Tỷ lệ chi cho đầu tư phát triển còn thấp, từ đó khiến cho đầu tư công của Nhà nước chưa đủ sức “dẫn dắt” đầu tư tư trên thị trường” - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Sự thay đổi thể chế, chính sách đã có tác động tích cực đến sự phát triển của các ngành CNVH. Đơn cử năm 2019, trước khi bùng nổ đại dịch Covid-19, doanh thu từ du lich đạt 755 nghìn tỷ đồng (tương đương 32,8 tỷ USD), đóng góp 9,9% vào GDP; doanh thu ngành điện ảnh đạt khoảng 4 nghìn tỷ đồng (tương đương khoảng 176 triệu USD)… Phong trào khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo có sức lan tỏa mạnh mẽ và đạt nhiều kết quả khả quan
Do đó, để thu hút nguồn lực đầu tư, thúc đẩy phát triển CNVH, cơ quan quản lý, các chuyên gia cho rằng, trước hết, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo hành lang pháp lý thông thoáng, thuận lợi cho phát triển các ngành CNVH.
Cần chú ý việc đồng bộ hóa nội dung phát triển CNVH trong các lĩnh vực đầu tư, thương mại, thuế..., đảm bảo quyền lợi cho các doanh nghiệp lĩnh vực CNVH.
Trong đó, cần tiếp tục điều chỉnh, sửa đổi một số luật chuyên ngành, như Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, các luật về thuế; nghị định về khuyến khích xã hội hóa nhằm sử dụng có hiệu quả nguồn lực từ Nhà nước, huy động nguồn lực xã hội và tối ưu hóa nguồn lực nội sinh từ văn hóa.
Theo đại biểu Bùi Hoài Sơn, việc thu hút các nguồn lực từ xã hội thông qua các kênh đóng góp khác nhau, nhất là các loại quỹ như quỹ tín thác cần được quan tâm thực hiện. Điều này sẽ giúp giảm bớt thách thức về tài chính cho phát triển CNVH, trong bối cảnh nguồn lực từ ngân sách gặp nhiều khó khăn.
“Quỹ tín thác giúp cung cấp nguồn tài trợ ổn định và bền vững để các tổ chức văn hóa, nghệ thuật có thể hỗ trợ các dự án nghệ thuật mới, nghệ sĩ trẻ và những ý tưởng sáng tạo, giúp nâng cao giá trị tác phẩm” - ông Sơn đánh giá.
Bên cạnh đó, để thu hút nguồn lực từ tư nhân tham gia phát triển CNVH, Nhà nước cần tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, đóng vai trò bảo trợ, “bà đỡ” về nền tảng vật chất, kỹ thuật, hỗ trợ đổi mới, phát triển công nghệ.
Đặc biệt, trong bối cảnh thời đại số, cần tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng số, trước mắt là ưu tiên đầu tư cho một số ngành CNVH có thế mạnh như: điện ảnh, âm nhạc, truyền hình../.