Người lao động “thiệt đơn, thiệt kép” khi nhận bảo hiểm xã hội một lần
Xã hội - Ngày đăng : 08:30, 04/09/2023
Hàng chục nghìn lao động nhận BHXH một lần
Thời gian qua, do tác động của dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp tiếp tục rơi vào hoàn cảnh khó khăn dẫn đến làn sóng cắt giảm lao động nghiêm trọng. Kéo theo đó, tình trạng NLĐ có xu hướng chờ rút BHXH một lần sau khi mất việc, khiến gia tăng số lượng lao động phi chính thức.
Theo BHXH tỉnh Gia Lai, từ đầu năm 2023 đến nay, các đơn vị đã giải quyết BHXH một lần cho 3.306 người với tổng số tiền gần 97 tỷ đồng, tăng 1,21% số người so với cùng kỳ năm trước.
Tương tự, tại tỉnh Kon Tum, 7 tháng đầu năm 2023, hơn 2,9 nghìn người hưởng các chế độ BHXH một lần. Trong khi tổng số người tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) toàn tỉnh là 563.269 người.
Theo thống kê của BHXH Việt Nam, giai đoạn 2016-2022 có hơn 4,84 triệu lao động rút BHXH một lần. Trong đó, 1,24 triệu người quay lại hệ thống (chiếm 27,7%). Số còn lại vẫn nằm ngoài lưới an sinh.
Theo thông tin từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, người lao động tại khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long chiếm tới 60% người rút BHXH một lần...
Về khu vực làm việc, gần 91% lao động rút BHXH một lần làm việc trong doanh nghiệp, 8% làm ở khu vực nhà nước và hơn 1% tham gia BHXH tự nguyện...
Theo phân tích của các chuyên gia, việc NLĐ rút BHXH 1 lần chỉ là quyết định “cực chẳng đã” để giải quyết khó khăn trước mắt; đồng thời chứng tỏ thu nhập của NLĐ không có tích lũy và họ chưa hiểu hết về lợi ích khi tham gia BHXH. Đây cũng chính là những yêu cầu đặt ra đối với việc sửa đổi Luật BHXH lần này, phải có cái nhìn thật thấu đáo khi thiết kế, xây dựng và hoàn thiện chính sách BHXH, trong đó có quy định rút BHXH một lần.
Theo các chuyên gia, nếu tiếp tục cho phép rút BHXH một lần, mục tiêu an sinh, BHXH toàn dân sẽ không thể thực hiện được. Do đó, Luật BHXH khi sửa đổi cần nghiên cứu quy định cụ thể các tiêu chí cũng như phương án được rút BHXH.
Việc người lao động rút BHXH một lần rõ ràng sẽ có tác động rất lớn tới hệ thống an sinh xã hội của Việt Nam. Trong khi đó, Nghị quyết số 28-NQ/TW của Trung ương xác định mục tiêu đến năm 2030 đạt 60% số người tham gia BHXH. Vì vậy, việc rút BHXH một lần có thể khiến cho mục tiêu của Việt Nam khó có thể đạt được.
Thời gian qua, vấn đề hưởng BHXH một lần đã nhận được sự quan tâm lớn của dư luận xã hội. Thông qua kiểm toán, Kiểm toán nhà nước (KTNN) cũng nhiều lần chỉ ra những bất cập, hệ lụy của vấn đề này. Đơn cử như qua kiểm toán Báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước năm 2018 của BHXH Việt Nam, KTNN cho rằng số NLĐ hưởng BHXH một lần còn lớn và có xu hướng gia tăng, sẽ gây khó khăn cho mục tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH.
Do đó, KTNN kiến nghị cơ quan BHXH tăng cường rà soát các trường hợp hưởng BHXH một lần; chấn chỉnh công tác giải quyết hưởng chế độ BHXH một lần có dấu hiệu vi phạm, không đúng quy định…
Người lao động cần thận trọng
Hiện nay pháp luật không quy định cụ thể về thời hạn rút BHXH một lần sau khi đủ điều kiện hưởng. Tuy nhiên, việc nhận BHXH một lần sẽ đem đến nhiều thiệt thòi cho NLĐ.
Theo Phó Giám đốc BHXH tỉnh Gia Lai Trần Thị Hồng Hạnh, thay vì nhận BHXH một lần, NLĐ nên bảo lưu thời gian tham gia BHXH để khi có điều kiện tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc hoặc tham gia BHXH tự nguyện. Đơn cử như trên địa bàn tỉnh, nếu tham gia BHXH tự nguyện, NLĐ được Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí (với các mức hỗ trợ từ 10%, 25%, 30% trên chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn tùy nhóm đối tượng tham gia). “Việc lựa chọn hưởng BHXH một lần đồng nghĩa với việc NLĐ tự làm mất đi một số quyền lợi của mình. Do đó, NLĐ cần cân nhắc thận trọng khi lựa chọn phương án này” - bà Hạnh cho biết.
Theo cơ quan BHXH, phần tiền NLĐ nhận về khi hưởng BHXH một lần nếu so với các quyền lợi sau này nhận lương hưu sẽ hạn chế hơn rất nhiều.
Đáng chú ý, NLĐ nhận BHXH một lần sẽ không được hưởng lương hưu. Trong khi NLĐ tham gia đóng BHXH đủ 20 năm, khi hết tuổi lao động, đủ điều kiện nhận sẽ được hưởng lương hưu hàng tháng. Mức lương hưu cũng không cố định suốt đời, mà được điều chỉnh tăng theo điều kiện kinh tế - xã hội. Dù 2 năm qua ảnh hưởng dịch Covid-19, nhưng từ ngày 01/01/2022, lương hưu vẫn được điều chỉnh tăng thêm 7,4%.
Thứ hai, NLĐ không được cấp thẻ BHYT miễn phí. Chi phí y tế chiếm tỷ lệ lớn trong đời sống người cao tuổi. Khi đó, BHYT là thiết yếu, đặc biệt cho người đang được hưởng lương hưu. Ngoài ra, người hưởng lương hưu đi khám, chữa bệnh BHYT đúng tuyến với loại thẻ này sẽ được quỹ BHYT thanh toán đến 95%, người bệnh chỉ phải đồng chi trả 5%.
Thứ ba, thân nhân không được hưởng trợ cấp tử tuất. NLĐ nghỉ việc, rút BHXH một lần và không đảm bảo quá trình tham gia BHXH từ 15 năm trở lên nếu chẳng may qua đời, thân nhân sẽ không được hưởng khoản này.
Theo quy định, nếu người đang hưởng lương hưu hoặc chưa đến tuổi nghỉ hưu mà đóng BHXH 15 năm trở lên (chưa rút BHXH một lần) chẳng may qua đời thì có tối đa 4 người thân được nhận trợ cấp hàng tháng.
Nếu rút BHXH một lần, người thân cũng không được nhận tiền mai táng phí. Theo quy định, NLĐ đóng BHXH đủ 12 tháng trở lên, người đang hưởng lương hưu, người đang bảo lưu quá trình tham gia BHXH (nghỉ việc nhưng không rút BHXH một lần) mà qua đời thì thân nhân lo mai táng cho họ sẽ được nhận trợ cấp mai táng. Khoản tiền trợ cấp mai táng được cơ quan BHXH thanh toán một lần cho thân nhân của NLĐ với mức bằng 10 tháng lương cơ sở.
Do đó, theo các chuyên gia, NLĐ nên cân nhắc kỹ và nghĩ đến các quyền lợi được hưởng từ chế độ hưu trí khi về già, đặc biệt trong thời gian tới, điều kiện về số năm đóng BHXH để được nhận lương hưu sẽ giảm từ 20 năm xuống 15 năm, và định hướng còn 10 năm.
Nếu cùng một thời gian đóng BHXH thì tổng lợi ích bằng tiền khi hưởng lương hưu hằng tháng sẽ cao hơn nhiều khi hưởng BHXH một lần - chuyên gia lưu ý./.