Tận dụng cơ hội đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp thực phẩm
Doanh nghiệp - Ngày đăng : 14:00, 24/11/2016
(BKTO) - Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, Việt Nam đã thuhút được gần 290 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI), trong đó các dự án thuộclĩnh vực chế biến - chế tạo nắm vai trò chủ đạo trong cơ cấu đầu tư, đóng góplớn cho xuất khẩu. Song xét riêng trong lĩnh vực chế biến thực phẩm thì vốn FDIcòn khá khiêm tốn, hiện chỉ đạt 7,6 tỷ USD với 521 dự án.
Nhà đầu tư chưa “mặn mà” với công nghiệp thực phẩm
Theo ông Đặng Xuân Quang - Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), Singapore, Hà Lan, Hàn Quốc… đang là những nước dẫn đầu về các dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến thực phẩm ở Việt Nam. Các dự án tập trung chủ yếu ở những đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, Long An, Bình Dương, Đồng Nai và mặt hàng sản xuất thường là rượu bia, đồ uống. Trong khi đó, nhiều mặt hàng công nghiệp thực phẩm quan trọng khác chưa được chú trọng đầu tư.
Bộ Công Thương ước tính, chỉ có khoảng 1% DN có vốn đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư vào lĩnh vực chế biến thực phẩm. Đề cập đến tiềm năng phát triển của ngành công nghiệp chế biến thực phẩm, khẳng định dư địa của thị trường rất lớn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa dẫn số liệu, trong nước, lượng tiêu thụ thực phẩm hằng năm của Việt Nam chiếm khoảng 15% GDP, riêng năm 2015 là 18%. Trong khi đó, sản xuất chế biến thực phẩm chỉ tăng 8,5%, sản xuất đồ uống tăng 7,4%. Ở thị trường nước ngoài, xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam năm 2015 đạt 30,14 tỷ USD (tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước đạt hơn 162 tỷ USD - PV), dự kiến từ năm 2017 đạt trên 31 tỷ USD. Các mặt hàng nông sản Việt Nam đã được xuất khẩu sang hơn 100 nước trên thế giới, chất lượng nguyên liệu thực phẩm Việt Nam đáp ứng được các yêu cầu của đối tác trên khắp thế giới.
Nguồn nguyên liệu nông - thủy sản đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng hiện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của nhà sản xuất và xuất khẩu.Ảnh: TS
Nhìn vào thực tế, ông Đặng Xuân Quang nêu rõ, rất nhiều DN có thế mạnh trong lĩnh vực công nghiệp chế biến thực phẩm trên thế giới nhưng ít tham gia đầu tư vào lĩnh vực này ở Việt Nam. Bên cạnh đó, các dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp thực phẩm mà các DN nước ngoài đầu tư tại Việt Nam lại ít gắn kết với vùng nguyên liệu. Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa phân tích, Công ty Starbucks (Mỹ) bán cà phê Arabica có xuất xứ từ Đà Lạt tại hơn 21.500 cửa hàng Starbucks ở 56 quốc gia. Điều đó chứng tỏ nguồn nguyên liệu thực phẩm của Việt Nam có thể đáp ứng được yêu cầu chất lượng của các hãng thực phẩm và đồ uống uy tín nhất trên thế giới. Câu hỏi được đặt ra ở đây là tại sao Việt Nam vẫn chưa thu hút được nhiều dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến thực phẩm từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước?
Tăng cường thu hút đầu tư để nâng cao giá trị gia tăng
Theo ông Đặng Xuân Quang, một phần nguyên nhân khiến các DN chưa quan tâm đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến thực phẩm là do nguồn nguyên liệu nông - thủy sản Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu của nhà sản xuất, xuất khẩu. Một chuyên gia trong lĩnh vực thực phẩm cho rằng, công tác thẩm định và cấp chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm của các cơ quan quản lý không tương thích với tiêu chuẩn chứng nhận của tổ chức quốc tế. Các cơ quan quản lý chỉ kiểm soát vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm theo chiến dịch, kiểm soát lô hàng mà không kiểm soát hiệu quả tại các điểm đầu tiên của chuỗi thực phẩm. Hiện có nhiều cơ quan chịu trách nhiệm quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm, nhưng lại không có lực lượng thanh tra, kiểm soát, điều này vừa dẫn đến chồng chéo, vừa tạo lỗ hổng trong quản lý.
Nhìn từ góc độ khác, ông Lê Văn Bảnh - Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn) nhấn mạnh, từ trước tới nay, đa số sản phẩm nông sản thực phẩm vẫn chỉ được xuất khẩu dưới dạng thô hoặc sơ chế chứ chưa qua tinh chế. Hầu hết các DN thực hiện mua gom xuất khẩu chứ chưa chú trọng đầu tư vùng nguyên liệu, kỹ thuật, công nghệ chế biến sâu. Đồng quan điểm này, một DN chia sẻ, ngành công nghiệp chế biến thực phẩm Việt Nam lâu nay không phát triển được là do các DN tập trung mua gom xuất khẩu nguyên liệu thô, bán thành phẩm sang các thị trường thay vì đầu tư sản xuất tinh để nâng cao giá trị gia tăng. Bên cạnh đó, thị trường Trung Quốc luôn sẵn sàng mua gom nông sản thực phẩm Việt Nam cũng góp phần khiến cho DN Việt Nam chưa sẵn sàng bỏ vốn đầu tư sâu.
Khi so sánh với môi trường đầu tư của các nước trong khu vực, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam đang có 5 lợi thế lớn thu hút nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực công nghiệp thực phẩm, gồm: sức tiêu thụ nội địa tăng cao, nguồn nguyên liệu thô dồi dào và phong phú, dư địa đầu tư cao, chính sách ưu đãi đầu tư hấp dẫn và có thị trường thế giới rộng lớn với hàng loạt ưu đãi thuế xuất khẩu. Vì thế, các nhà đầu tư nước ngoài không nên bỏ lỡ thời cơ khai thác cơ hội đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp thực phẩm tại Việt Nam. Đồng thời, các DN, tổ chức, địa phương của Việt Nam có nhu cầu thu hút đầu tư nước ngoài cũng cần chủ động xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài đến hợp tác đầu tư, kinh doanh”.
Ông Bùi Huy Sơn - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, cần phải tăng cường thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến thực phẩm. Nhờ đó, chúng ta có được công nghệ, thiết bị hiện đại giúp mang lại hiệu quả lớn vì chất lượng được nâng cao, an toàn thực phẩm được đảm bảo, tạo giá trị gia tăng cho nông, thuỷ sản xuất khẩu của Việt Nam. Thu hút đầu tư vào công nghiệp chế biến thực phẩm cũng sẽ từng bước giúp Việt Nam tham gia vững chắc vào chuỗi giá trị toàn cầu.
PHÚC KHANG