Nâng cấp các phần mềm nhằm đáp ứng yêu cầu của hoạt động kiểm toán

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 16:44, 06/09/2023

(BKTO) - Hiện nay, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã sử dụng nhiều phần mềm hỗ trợ kỹ thuật kiểm toán và quản lý hoạt động nội bộ góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý điều hành cũng như hoạt động kiểm toán của KTNN.
1(3).jpg
Các phần mềm trong công tác quản lý, điều hành và quản lý hoạt động kiểm toán đáp ứng yêu cầu đặt ra.
Ảnh: Nguyễn Ly

Theo Báo cáo kết quả thực hiện rà soát tình hình ứng dụng công nghệ thông tin của Trung tâm Tin học, tính đến ngày 31/7/2023, các phần mềm trong công tác quản lý, điều hành và quản lý hoạt động kiểm toán đáp ứng yêu cầu đặt ra.

Trong đó, 9/11 phần mềm hỗ trợ quản lý, điều hành được 100% đơn vị sử dụng đánh giá “đã đáp ứng” và “đã đáp ứng cần bổ sung thêm” (đề nghị bổ sung một số chức năng); 2/11 phần mềm còn lại có 90% đơn vị đánh giá “đã đáp ứng” và “đã đáp ứng cần bổ sung thêm”.

Đối với 13 phần mềm hỗ trợ hoạt động kiểm toán, việc đánh giá của các đơn vị về mức độ đáp ứng của các phần mềm đạt tỷ lệ cao (trung bình đạt 85%). Trong đó, 10/13 phần mềm có 100% đơn vị sử dụng đánh giá “đã đáp ứng” và “đã đáp ứng cần bổ sung thêm”; 3/13 phần mềm cần được nâng cấp, mở rộng theo các hệ thống hồ sơ mẫu biểu mới.

Đối với riêng 3 phần mềm hỗ trợ kỹ thuật kiểm toán (Phần mềm hỗ trợ kỹ thuật kiểm toán lĩnh vực kiểm toán đầu tư xây dựng cơ bản, Phần mềm hỗ trợ kỹ thuật kiểm toán lĩnh vực kiểm toán doanh nghiệp, Phần mềm hỗ trợ kỹ thuật kiểm toán lĩnh vực kiểm toán tài chính ngân hàng), phần lớn các đơn vị thuộc đối tượng áp dụng đánh giá cần bổ sung dữ liệu, nâng cấp module (các module này đang được thiết kế đáp ứng các văn bản quy định tại thời điểm tháng 10/2020), phân tích dữ liệu để đáp ứng yêu cầu theo các văn bản hiện hành.

Cũng theo Báo cáo, hiện nay, KTNN trao đổi dữ liệu với các cơ quan bên ngoài theo 2 hình thức chính: Trao đổi dữ liệu qua hệ thống tích hợp, chia sẻ dữ liệu (với 4 cơ quan gồm: Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và trao đổi dữ liệu với các đơn vị được kiểm toán qua Cổng trao đổi thông tin của KTNN.

Tính đến tháng 7/2023, KTNN đã cấp 5.118 tài khoản cho 2.257 đơn vị đăng ký trao đổi dữ liệu qua Cổng trao đổi thông tin của KTNN. Tổng số báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán ngân sách và dự toán kinh phí của các đơn vị được kiểm toán đã gửi vào Cổng trao đổi thông tin là 3.890 báo cáo. Việc trao đổi dữ liệu với các bộ, ngành, đơn vị được kiểm toán đã bước đầu đạt kết quả. Tuy nhiên, khối lượng dữ liệu còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu của KTNN.

Ngoài ra, KTNN đã tạo lập dữ liệu định danh cho 10.525 đơn vị được kiểm toán; 1.350 dự án đầu tư; 475 Chương trình mục tiêu quốc gia. Thông tin đấu thấu thu thập từ trang muasamcong.mpi.vn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư được chuẩn hóa, làm sạch, tạo liên kết dữ liệu phục vụ khai thác, tra cứu thông tin.

Dữ liệu số của KTNN phục vụ công tác quản lý và hoạt động kiểm toán đã được đưa vào sử dụng từ các phần mềm: Tổng hợp kết quả 1.643 cuộc kiểm toán (từ năm 2015); 268.802 văn bản đến; 120.721 văn bản đi; 2.355 hồ sơ; 197 lớp đào tạo trong ngành; 145 lớp đào tạo tại các đơn vị; 1.080 câu hỏi và đáp án, 533 bài thi của thí sinh thi năm 2023; thông tin của 41 cuộc thanh tra do Thanh tra KTNN thực hiện của từ năm 2019 đến nay; 785.858 nhật ký kiểm toán; 29.295 nhật ký công tác.

Trên cơ sở kết quả thực hiện rà soát tình hình ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn Ngành, thời gian tới, Trung tâm Tin học phối hợp với Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán xây dựng quy định về cập nhật dữ liệu nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác cập nhật dữ liệu trên phần mềm. Đồng thời, rà soát và khắc phục các chức năng của phần mềm còn lỗi; cải thiện các chức năng sử dụng chưa thuận tiện, tốc độ của các phần mềm.

Đối với các phần mềm nội bộ phục vụ công tác quản lý, điều hành và quản lý hoạt động kiểm toán, trên cơ sở đề xuất của các đơn vị, Trung tâm Tin học tổng hợp các yêu cầu bổ sung chức năng của phần mềm, phối hợp với các đơn vị chủ trì nghiệp vụ tiến hành làm rõ yêu cầu nghiệp vụ còn vướng mắc để đưa ra phương án nâng cấp, mở rộng, hoàn thiện phần mềm nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn và phù hợp với hệ thống mẫu biểu mới.

Đối với các phần mềm hỗ trợ kỹ thuật kiểm toán, thực hiện đào tạo lại cho các đơn vị, tổng hợp lại các ý kiến của các đơn vị sau khi đơn vị áp dụng phần mềm trong thực tế công việc; xây dựng tài liệu hướng dẫn cập nhật dữ liệu về hoạt động kiểm toán, bám theo nghiệp vụ và mẫu biểu của Ngành để đồng nhất về cách thức nhập liệu, nâng cao chất lượng dữ liệu được cập nhập trên phần mềm, đảm bảo công tác tổng hợp, theo dõi số liệu về hoạt động kiểm toán của Ngành được chính xác./.

THÙY LÊ