Đánh giá toàn diện để có giải pháp hiệu quả trong thực hiện kiến nghị kiểm toán
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 20:45, 07/09/2023
Thưa ông, trước hết, xin ông đánh giá khái quát về tình hình thực hiện các kết luận, kiến nghị của KTNN thời gian qua?
Nhìn chung, hoạt động KTNN ngày càng được tăng cường về số lượng, nâng cao về chất lượng. Hệ thống pháp luật, những quy định về tổ chức và hoạt động của KTNN ngày càng hoàn thiện. Thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN đã từng bước thúc đẩy trách nhiệm giải trình, tính công khai, minh bạch của các cơ quan sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN) và nhận thức của xã hội.
Theo quy định của Luật KTNN thì “Báo cáo kiểm toán của KTNN sau khi phát hành và công khai có giá trị bắt buộc phải thực hiện đối với đơn vị được kiểm toán về sai phạm trong việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công”. Do đó, việc thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN tại báo cáo kiểm toán là yêu cầu đã được luật định, đòi hỏi các đơn vị được kiểm toán phải nghiêm túc chấp hành.
Qua tiếp cận thông tin quản lý cho thấy, thời gian qua, KTNN và phần lớn các cơ quan, đơn vị được kiểm toán đã tăng cường phối hợp đôn đốc, rà soát và đẩy mạnh thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán. Việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN đã có những chuyển biến tích cực, dần đi vào nền nếp.
Nhiều cơ quan, đơn vị được kiểm toán đã thực hiện khá nghiêm túc, đầy đủ, kịp thời các kiến nghị của KTNN; đẩy mạnh xử lý các kiến nghị về tài chính, kiến nghị sửa đổi bổ sung cơ chế chính sách; đồng thời, cải tiến công tác quản lý điều hành, kịp thời chấn chỉnh, khắc phục hạn chế, tồn tại, sai phạm.
Tuy nhiên, vẫn còn những kết luận, kiến nghị chưa được thực hiện đầy đủ, xuất phát từ những nguyên nhân khách quan, chủ quan, gắn với trách nhiệm của các chủ thể khác nhau như: đơn vị được kiểm toán, KTNN, cơ quan nhà nước có thẩm quyền; xuất phát từ cơ chế chính sách và cả những tồn tại có yếu tố lịch sử cần được rà soát, xem xét trách nhiệm, xử lý, chấn chỉnh, khắc phục.
Từ góc nhìn của đại biểu Quốc hội, ông đánh giá thế nào về vai trò, ý nghĩa của kết luận, kiến nghị kiểm toán đối với công tác quản lý nhà nước, cũng như công tác giám sát?
Trên khía cạnh pháp luật, KTNN là cơ quan nhà nước hoạt động độc lập, chỉ tuân theo pháp luật; có chức năng kiểm tra tài chính công, tài sản công; thực hiện kiểm tra việc chi tiêu và đánh giá xác nhận báo cáo tài chính của các cơ quan thuộc lĩnh vực công. Hoạt động KTNN giúp thông tin tài chính nhà nước minh bạch, được quản lý chặt chẽ, hiệu quả và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
KTNN có vai trò quan trọng trong kiểm tra, kiểm soát, đánh giá, xác nhận, kết luận, kiến nghị; giúp cải thiện và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý sử dụng tài chính công, tài sản công quốc gia.
Thực tiễn hoạt động của KTNN cũng đã khẳng định vai trò, ý nghĩa của kết luận, kiến nghị kiểm toán đối với công tác quản lý nhà nước, đặc biệt trong xu thế đẩy mạnh hoạt động quản lý nhà nước theo mô hình quản lý công mới - với mục tiêu đổi mới toàn diện nhằm cung cấp dịch vụ công tốt nhất cho người dân, tăng cường quản trị công hiệu quả, hiệu lực, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia để thích ứng với bối cảnh, điều kiện, tình hình mới.
Theo đó, từ chức năng, nhiệm vụ của mình, thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN đã kiến nghị, đề xuất với Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước những giải pháp tổ chức quản lý các đơn vị được kiểm toán hiệu quả hơn dựa trên các quy định của pháp luật. Đồng thời, KTNN cũng kiến nghị ban hành, điều chỉnh pháp luật, các quy định quản lý nhằm cải thiện công tác quản lý, quản trị từ góc độ quản lý nhà nước.
Bên cạnh đó, KTNN kiến nghị các đơn vị trực tiếp được kiểm toán khắc phục, sửa chữa tồn tại, sai sót, sai phạm trong quản lý nguồn lực tài chính công, tài sản công được Nhà nước giao; kiến nghị áp dụng các biện pháp quản trị hiệu quả, qua đó giúp các đơn vị được kiểm toán quản lý đạt được mục tiêu kinh tế, hiệu quả, hiệu lực, phòng ngừa và hạn chế lãng phí, thất thoát, thiệt hại.
Vì vậy, có thể nói kết quả kiểm toán và các kiến nghị của KTNN có ý nghĩa, vai trò quan trọng đối với hoạt động quản lý nhà nước.
Ở góc độ giám sát của Nhà nước, các chủ thể giám sát có thể khai thác, sử dụng kết luận, kiến nghị kiểm toán như một nguồn dữ liệu, kênh thông tin quan trọng giúp cho công tác giám sát sát thực, thiết thực, hiệu quả.
Thực tế cho thấy, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội cũng đã sử dụng kết quả kiểm toán của KTNN khá nhiều trong hoạt động giám sát của mình. Đây là yếu tố rất tích cực, là nguồn động viên đối với KTNN nhưng cũng đòi hỏi KTNN phải nâng cao hơn nữa chất lượng kết luận, kiến nghị của mình giúp hoạt động giám sát tốt hơn, đồng thời cũng khẳng định chất lượng, hiệu quả và vị thế của KTNN.
Ngày 08/9, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội tổ chức Phiên giải trình về thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN. Xin ông có thể chia sẻ về sự phối hợp giữa Ủy ban Tài chính - Ngân sách với KTNN và các cơ quan liên quan để chuẩn bị tốt nhất cho Phiên giải trình này?
Thực hiện yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, với trách nhiệm là chủ thể giám sát theo quy định của pháp luật, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã chủ động xây dựng chương trình, nội dung, kế hoạch tổ chức giải trình với đề cương rất cụ thể và đề nghị KTNN, các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán, các Bộ quản lý tổng hợp báo cáo thông tin phục vụ phiên giải trình.
Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng đã tổ chức khảo sát trực tiếp và đôn đốc việc báo cáo và rà soát thông tin báo cáo để có căn cứ, cơ sở đầy đủ phục vụ phiên giải trình. Theo đó, KTNN, các Bộ quản lý tổng hợp, các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán cũng đã rất tích cực phối hợp trong suốt quả trình chuẩn bị.
Với đối tượng, quy mô, phạm vi giải trình việc thực hiện kết luận kiến nghị kiểm toán rất lớn, thông tin dồn tích theo thời gian rất dài nên nếu không có sự phối hợp tốt thì rất khó thực hiện phiên giải trình có chất lượng. Trong đó, KTNN đã hết sức nỗ lực, trách nhiệm, đã cung cấp khá đầy đủ, toàn diện thông tin, dữ liệu, số liệu theo yêu cầu để phối hợp thực hiện tốt phiên giải trình này.
Ông kỳ vọng như thế nào từ Phiên giải trình này?
Việc tổ chức phiên giải trình đòi hỏi KTNN, các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán và các cơ quan, đơn vị, cá nhân hữu quan giải thích, làm rõ trách nhiệm của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao liên quan đến việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán.
Vì vậy, tôi kỳ vọng, thông qua hoạt động giải trình sẽ giúp KTNN và các cơ quan đơn vị rà soát lại tổng thể tình hình, kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán và xác định rõ tồn tại, hạn chế, vướng mắc, vi phạm.
Qua công tác rà soát sẽ xác định cụ thể nguyên nhân để thực hiện nghiêm túc, dứt điểm kết luận, kiến nghị kiểm toán; tăng cường các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn khuyết điểm, vi phạm; chấn chỉnh, khắc phục những sai sót, vi phạm.
Đồng thời, tăng cường phối hợp với các bên có liên quan để tổ chức thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán một cách hiệu lực, hiệu quả. Cùng với đó, đề xuất cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý những tồn tại, vướng mắc, bất cập trong tổ chức thực hiện theo đúng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền; xem xét xử lý trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, cá nhân thực hiện không nghiêm túc kết luận, kiến nghị kiểm toán nhằm giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương quản lý tài chính - ngân sách.
Tôi cũng mong rằng, thông qua hoạt động giải trình, KTNN sẽ tổng rà soát, đánh giá khách quan, toàn diện những mặt được và những hạn chế của hoạt động kiểm toán và công tác đôn đốc, kiểm tra thực hiện kết luận kiến nghị kiểm toán.
Trên cơ sở đó, KTNN phối hợp với đơn vị được kiểm toán và các cơ quan chức năng có thẩm quyền đôn đốc, kiểm tra, hỗ trợ việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán hiệu quả; rà soát, xử lý ngay những trường hợp kết luận, kiến nghị kiểm toán còn vướng mắc và chưa nhận được sự đồng thuận từ các đơn vị được kiểm toán.
Cùng với đó, KTNN sẽ hoàn thiện quy trình kiểm tra thực hiện kiến nghị, trong đó bổ sung các giải pháp kiểm tra, đôn đốc, phối hợp, thiết lập hệ thống hồ sơ mẫu biểu, ứng dụng công nghệ để quản lý, kiểm soát việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán được chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả và sát thực hơn trong điều kiện, tình hình mới.
Đặc biệt, thông qua phiên giải trình, một số tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc xuất phát từ cơ chế chính sách, quy định của pháp luật ảnh hưởng đến hoạt động quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công quốc gia và đến việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán sẽ được nhận diện và cụ thể hoá để KTNN, các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét xử lý.
Theo chức năng, thẩm quyền, các cơ quan quản lý nhà nước, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội sẽ đưa ra các giải pháp xử lý, giải quyết phù hợp với Hiến pháp, pháp luật, đồng thời tạo hành lang pháp lý để đảm bảo việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán ngày càng tốt hơn, hiệu lực hơn, qua đó thúc đẩy xây dựng nền tài chính công minh bạch, vững bền.
Trân trọng cảm ơn ông!