Tổng Kiểm toán nhà nước: Sẽ tiếp tục quyết liệt thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 21:32, 08/09/2023
Nhìn nhận rõ trách nhiệm
Tại Phiên giải trình, các đại biểu ghi nhận sự nỗ lực của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương trong việc tăng cường chỉ đạo, đôn đốc, theo dõi các đơn vị thực hiện nghiêm túc, tích cực các kết luận, kiến nghị của KTNN. Đồng thời, đánh giá cao KTNN đã chủ động, tích cực trong việc theo dõi, kiểm tra, đôn đốc thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán, xử lý hoặc báo cáo cấp thẩm quyền để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán.
Báo cáo kết quả kiểm tra việc thực hiện kiến nghị kiểm toán cho thấy, các kiến nghị về xử lý tài chính và các xử lý khác đã được thực hiện bình quân từ 75-80% cho năm liền kề của năm kiểm toán và tiếp tục thực hiện trong các năm tiếp theo với tỉ lệ từ 15-20% số kiến nghị còn lại của mỗi năm. Tỷ lệ thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán năm sau cao hơn năm trước.
Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ rõ, nhiều Bộ, ngành, địa phương chưa theo dõi đầy đủ các kết luận, kiến nghị KTNN để làm cơ sở cho việc tổ chức thực hiện, chưa giao đơn vị đầu mối tổng hợp, đôn đốc việc thực hiện, dẫn đến thông tin, số liệu trong việc thực hiện kết luận, kiến nghị giữa KTNN và các Bộ, ngành, địa phương còn có sự chênh lệch khá lớn; chưa kịp thời chấn chỉnh, xử lý dứt điểm các tồn tại, hạn chế đã được KTNN phát hiện, kiến nghị… dẫn đến nhiều tồn tại kéo dài qua nhiều năm.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phạm Thúy Chinh nhận xét, ngay khi có kế hoạch rà soát, tổ chức phiên giải trình này, các đơn vị đều đẩy nhanh việc thực hiện kiến nghị. “Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra câu hỏi, nếu không có phiên giải trình thì việc thực hiện kiến nghị kiểm toán có được đẩy nhanh hay không? Quá trình 10 năm vừa qua, kiến nghị kiểm toán đã được các Bộ, ngành, địa phương quan tâm thực hiện như thế nào?” - bà Phạm Thúy Chinh đặt vấn đề và đề nghị cần làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan, trách nhiệm của các đơn vị được kiểm toán trong đôn đốc, thực hiện kiến nghị kiểm toán.
Phát biểu chỉ đạo tại Phiên giải trình, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá cao việc Ủy ban Tài chính - Ngân sách tổ chức Phiên giải trình; lần đầu tiên, KTNN và các Bộ, ngành, địa phương đã có cuộc rà soát tổng thể các kết luận, kiến nghị của KTNN chưa thực hiện; phát hiện được nhiều nội dung đã thực hiện, nhiều kiến nghị của các cơ quan nhiều năm chưa được tổng hợp, xử lý...
Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị KTNN giải trình làm rõ các nội dung về: kết quả kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của KTNN; công tác phối hợp với Bộ Tài chính, các Bộ, ngành, địa phương rà soát, tổng hợp thu thập chứng từ xác nhận kết luận, kiến nghị đã thực hiện; hướng dẫn, xử lý các vấn đề Bộ, ngành, địa phương kiến nghị, giải trình, khiếu nại...
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, lãnh đạo UBND TP. Hà Nội và các Bộ, ngành, địa phương có liên quan tập trung làm rõ lý do để xảy ra nhiều vi phạm trong quản lý, sử dụng NSNN, tài chính công, tài sản công tại Bộ, ngành, địa phương; công tác chỉ đạo điều hành trong tổ chức thực hiện các kết luận, kiến nghị của KTNN; nguyên nhân, lý do chậm trễ trong việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của KTNN; trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan có liên quan, các tổ chức, cá nhân vi phạm trong quản lý, sử dụng NSNN và việc không thực hiện nghiêm túc các kết luận, kiến nghị của KTNN theo các Nghị quyết của Quốc hội.
Tiếp thu, giải trình ý kiến của các đại biểu, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn nhấn mạnh, thời gian qua, theo quy định của Luật KTNN, hằng năm, KTNN đã rất nỗ lực, cố gắng trong theo dõi, đôn đốc thực hiện kiến nghị kiểm toán. Ngay từ khâu xây dựng kế hoạch kiểm toán, Ban cán sự Đảng, Đảng ủy KTNN đã chỉ đạo rất quyết liệt với phương châm “làm ít nhưng chất". Sau khi báo cáo xin ý kiến Quốc hội trước khi triển khai các kế hoạch, KTNN đều có kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thực hiện kết luận, kiến nghị của kiểm toán.
Đồng thời, trong thực hiện kế hoạch kiểm toán có lồng ghép nhiệm vụ đôn đốc việc thực hiện kiểm tra, công khai, minh bạch việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán.
Tuy nhiên, Tổng Kiểm toán nhà nước cũng thẳng thắn cho rằng, dù đã nỗ lực song kết quả đạt được chưa như mong đợi. Vì vậy, trong thời gian tới, KTNN sẽ cố gắng thực hiện tốt hơn nữa trách nhiệm của mình trong đôn đốc thực hiện kiến nghị kiểm toán; quyết tâm nâng cao chất lượng báo cáo kiểm toán, đảm bảo các kiến nghị kiểm toán đưa ra rõ ràng, đúng người, đúng việc, từ đó nâng cao tỷ lệ thực hiện kiến nghị.
Cùng với đó, KTNN sẽ tiếp tục tăng cường công tác phối hợp nhằm hạn chế tối đa việc chồng chéo với các cơ quan thanh tra, kiểm tra, tránh phiền hà, ảnh hưởng đến đơn vị được kiểm toán.
Nâng cao trình độ của kiểm toán viên, tăng cường đạo đức công vụ, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ cũng được quán triệt, thực hiện quyết liệt trong Ngành. Đặc biệt, KTNN tăng cường công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán, yêu cầu thực hiện đầy đủ các quy trình, chuẩn mực, các hướng dẫn của ngành, thực hiện đầy đủ các quy định của đoàn kiểm toán; quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong thu thập bằng chứng, ghi nhật ký kiểm toán…
Năm 2022, số lượng kết luận, kiến nghị của KTNN được thực hiện có mức tăng cao (tăng 13% so với năm 2021); trong 6 tháng đầu năm 2023, các kết luận, kiến nghị của KTNN được triển khai tới hơn 60%, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, quá trình Ủy ban Tài chính - Ngân sách chuẩn bị thực hiện Phiên giải trình này đã tạo ra sự đốc thúc lớn để các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị chấp hành tốt hơn việc thực hiện kiến nghị kiểm toán.
Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn
KTNN cũng sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm toán; thường xuyên phối hợp, trao đổi với đơn vị kiểm toán, nhằm tạo sự thống nhất, đồng thuận để đưa ra kết luận rõ ràng, khả thi…
Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu
Cùng với sự nỗ lực, quyết tâm của KTNN, nhiều ý kiến cũng nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc chỉ đạo, đôn đốc thực hiện kiến nghị kiểm toán.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh, với sự vào cuộc rất quyết liệt không chỉ của UBND các tỉnh, thành phố mà còn của các Thành ủy, Tỉnh ủy, cũng như sự quan tâm của lãnh đạo các Bộ trong việc chỉ đạo, đôn đốc triển khai các kết luận, kiến nghị kiểm toán; giải quyết các vấn đề vướng mắc và thực hiện bổ sung, điều chỉnh, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật - đã cho thấy những kết quả hết sức tích cực trong thời gian gần đây.
“Điều này cho thấy, khi có sự quan tâm thực sự sâu sắc của lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương, của cấp ủy, chính quyền các cấp thì vấn đề mặc dù rất khó khăn nhưng cũng đã có được những kết quả rất khả quan, rất tích cực” - ông Lê Quang Mạnh khẳng định.
Đồng tình quan điểm trên, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn nhấn mạnh, để các kiến nghị kiểm toán được thực hiện tốt hơn thì phải có sự vào cuộc của cấp ủy, người đứng đầu đơn vị.
Tổng Kiểm toán nhà nước chia sẻ, cùng với thời điểm báo cáo kiểm toán được phát hành, Tổng Kiểm toán nhà nước cũng đã thông tin đến các Bộ trưởng, Bí thư Tỉnh ủy; trong đó nêu rõ những mặt được và tồn tại, hạn chế trong việc quản lý tài chính công, tài sản công của Bộ, ngành, địa phương; chỉ rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị trong việc xảy ra thất thoát, sai sót...
Với cách làm như vậy, nhiều địa phương như Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi… đã tổ chức họp, giao cho Ủy ban kiểm tra, Thanh tra tỉnh tiến hành rà soát, đôn đốc việc thực hiện kiến nghị kiểm toán… Nhờ đó, việc thực hiện kiến nghị kiểm toán đạt tỷ lệ rất cao. “Người đứng đầu cấp ủy giữ vai trò rất quan trọng đối với việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán” - Tổng Kiểm toán nhà nước khẳng định.
Kiểm toán nhà nước cũng kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, tiếp tục chỉ đạo các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương, đơn vị được kiểm toán thực hiện đầy đủ, kịp thời các kết luận, kiến nghị kiểm toán chưa thực hiện; nâng cao trách nhiệm giải trình, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, cá nhân liên quan; đề ra các giải pháp và phối hợp với KTNN để xử lý dứt điểm các kiến nghị, kết luận còn tồn đọng; chỉ đạo kiểm điểm, xử lý nghiêm các trường hợp chậm, kéo dài nhiều năm việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị để xảy ra sai phạm./.