"Gánh nặng" an sinh xã hội khi lao động rời phố về quê

Xã hội - Ngày đăng : 17:19, 10/09/2023

(BKTO) - Gần đây, lao động ở một số thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Đà Nẵng… trở về nông thôn để tìm việc làm ngày càng nhiều. Điều đó góp phần giảm tải áp lực về việc làm, nhà ở, an sinh xã hội... cho các thành phố lớn nhưng lại chuyển một phần “gánh nặng” các vấn đề xã hội về khu vực nông thôn.
anh-minh-hoa.nguon.jpg
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Không đủ sống, nhiều lao động phải về quê

Đã 3 tháng, chị Nguyễn Thị Hiền - Khu công nghiệp (KCN) Quế Võ, Bắc Ninh không được tăng ca, số ngày đi làm cũng không đều vì công ty không có nhiều đơn hàng. Không đi làm đều và không làm tăng ca nên hằng tháng, chị chỉ có thu nhập vỏn vẹn 6 triệu đồng. Chồng chị làm công nhân cơ khí, thu nhập cũng chỉ cao hơn chị 1 - 2 triệu đồng.

Với thu nhập này, hằng tháng, chị phải cân đối chi tiêu may ra thì đủ. “Bắc Ninh tuy không phải khu đô thị, thành phố lớn nhưng tập trung nhiều KCN nên giá cả ở đây cũng tương đối đắt, trong khi đó, tiền học của con ở lớp, học thêm cũng tăng. Nhiều tháng rơi vào áp lực kinh tế, vợ chồng tôi đã nghĩ đến chuyện sẽ về quê sinh sống. Quê tôi ở Tuyên Quang, về giờ này cũng khó xin được việc nhưng ít ra về quê sẽ không phải thuê nhà, tiền sinh hoạt hằng tháng cũng sẽ giảm hơn rất nhiều” - chị Hiền chia sẻ.

Cũng theo chị Hiền, khu trọ chị thuê đã có nhiều cặp vợ chồng công nhân xin nghỉ việc để về quê sinh sống. Đa số khi xin nghỉ việc về quê đều xin rút bảo hiểm xã hội một lần để lấy vốn lập nghiệp.

Báo cáo thống kê 7 tháng đầu năm nay cho thấy, cả nước có 113,3 nghìn doanh nghiệp rút khỏi thị trường, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có 16,2 nghìn doanh nghiệp bỏ cuộc. Nhưng đó cũng chỉ là bề mặt của thực trạng, phía sau hơn nửa triệu người mất việc là những cảnh đời khốn khó của lao động nhập cư mà Hiền chỉ là một ví dụ.

Theo Tổng cục Thống kê, thực trạng giảm đơn hàng đã tác động đến lao động trong khu vực công nghiệp, đặc biệt là ngành dệt may, ngành chế biến gỗ và ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học. Số lao động ở các ngành này trong quý II/2023 đều giảm so với quý trước, trong đó, ngành dệt may chiếm tỷ lệ cao nhất là 142,5 nghìn người.

Trong khi đó, báo cáo nhanh từ các địa phương cho thấy số lao động giãn việc của các doanh nghiệp trên cả nước trong quý II năm nay khoảng 241,5 nghìn người, tập trung chủ yếu ở ngành da giày với 66,3%, tiếp theo là dệt may với 14,4%...

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam dự báo thị trường lao động những tháng cuối năm tiếp tục chịu nhiều rủi ro và thách thức. Sự sụt giảm sức mua ở các thị trường xuất khẩu, lạm phát, giá cả tăng cao, chính sách tiền tệ thắt chặt… dẫn đến tình trạng người lao động tiếp tục bị mất việc và giảm giờ làm, giảm thu nhập, đời sống gặp nhiều khó khăn. Cuộc sống gặp khó khăn khiến nhiều người lao động đã chọn giải pháp trở về quê.

Trước thực tế trên, để hỗ trợ người lao động, Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đề xuất tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ đoàn viên công đoàn, người lao động theo Nghị quyết số 06/NQ-TLĐ về việc hỗ trợ đoàn viên công đoàn, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng.

Thời gian thực hiện hỗ trợ dự kiến đến hết ngày 31/12/2023, tiếp nhận hồ sơ chậm nhất đến hết ngày 31/01/2024. Thời hạn hoàn thành thủ tục hỗ trợ cho đoàn viên công đoàn, người lao động chậm nhất trong ngày 31/3/2024.

Cần chính sách hỗ trợ lao động hồi hương

Các chuyên gia đánh giá việc triển khai chính sách hỗ trợ trên của Tổng Liên đoàn Lao động rất kịp thời, nhân văn và có ý nghĩa. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp hỗ trợ trước mắt, về lâu dài, cần có chính sách hỗ trợ cụ thể hơn. Trong đó, thực trạng "di dân ngược" của lao động ngoại tỉnh cần được xem xét ở trên nhiều bình diện khác nhau. Cần đảm bảo các yêu cầu quản lý dân cư, đến các giải pháp kinh tế, bố trí lại việc làm, cân đối thị trường lao động...

Chính sách ưu tiên cho tam nông, ly nông bất ly hương phải được xem là nền tảng quyết định nhằm tạo dựng niềm tin, sự gắn bó với quê hương của người dân.

Theo TS. Trần Hữu Hiệp - chuyên gia kinh tế, xét trên bình diện xã hội, người lao động không thể tự xoay chuyển cuộc đời mình trong lúc bí bách. Bởi vậy, rất cần những quyết sách, trợ lực lớn từ Chính phủ và doanh nghiệp. Vì suy cho cùng, những thành tựu vượt bậc của nền kinh tế nước nhà hôm nay có sự đóng góp của hàng triệu người lao động này. Tuy nhiên, các vấn đề về an sinh xã hội cho những người lao động lớn tuổi hồi hương, hay bám trụ với thành thị ở khu vực kinh tế phi chính thức dường như chưa được tính tới một cách thấu đáo.

Thực tế tại các địa phương, chúng ta ít nhiều xem nhẹ phát triển nông nghiệp nông thôn. Trong khi các quốc gia phát triển khác, người ta phát triển cả nông nghiệp và công nghiệp và đều mang lại thành tựu phát triển tốt.

Chính vì vậy, khi cuộc di dân “ngược” xảy ra, đa phần người dân chịu rất nhiều thiệt thòi vì không thể tìm được việc để ổn định cuộc sống. Đây cũng chính là lý do khiến hầu hết người lao động khi nghỉ việc đều chọn rút bảo hiểm xã hội một lần. Điều này cũng đồng nghĩa với việc gánh nặng về thiết lập lưới an sinh bền vững của Nhà nước ngày một khó khăn khi số lao động nằm ngoài độ bao phủ chính sách bảo hiểm xã hội gia tăng./.

THÀNH ĐỨC - MINH LONG