Việc làm xanh bao giờ phổ biến?
Xã hội - Ngày đăng : 19:07, 10/09/2023
Có chuyển biến nhưng còn nhiều thách thức
Không chỉ giúp giảm tiêu thụ năng lượng, việc làm xanh còn là trọng tâm của phát triển bền vững và đáp ứng những thách thức toàn cầu để bảo vệ môi trường.
Chính vì vậy, Việt Nam đã có những cam kết lớn tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc lần thứ 26 (COP26) và ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, trong đó xác định những ưu tiên chính. Theo đó, Chiến lược xác định việc chuẩn bị lực lượng lao động với những kỹ năng xanh để đáp ứng yêu cầu của việc làm xanh và tăng trưởng xanh có vai trò quan trọng.
Các dữ liệu cho thấy xu thế việc làm xanh đã có những chuyển biến rõ rệt. Theo Báo cáo của Manpower Việt Nam về nhu cầu nhân sự xanh, thống kê trên 350 vị trí việc làm xanh tại Việt Nam trong nửa đầu năm 2023, nhu cầu việc làm xanh cao nhất đến từ các ngành sản xuất (30%), y tế (20%), công nghệ (17%), năng lượng và hóa dầu (15%), kinh doanh (9%), nông nghiệp (5%), vận tải và hậu cần (2%)...
Bà Nguyễn Thanh Hương - Giám đốc nhân sự toàn quốc, ManpowerGroup Việt Nam (công ty đa quốc gia trong lĩnh vực tuyển dụng) - cũng nhận thấy rõ nhu cầu phát triển bền vững. Đặc biệt, số lượng việc làm xanh ngày càng gia tăng tương đồng với sự ra đời của rất nhiều vị trí mới liên quan ESG có bộ kỹ năng xanh phù hợp.
Cũng theo bà Hương, việc làm xanh ngày nay trở thành một nhu cầu cấp thiết của thế giới việc làm, chứ không còn là một kỳ vọng xa vời. Điều này thể hiện rất rõ qua việc tìm kiếm việc làm hướng đến các doanh nghiệp xanh của ứng viên.
Kinh nghiệm thực tiễn từ quá trình tuyển dụng, bà Hương nhận thấy nếu như trước kia, ứng viên thường quan tâm nhiều hơn đến ngành nghề hoạt động của công ty, mức lương, địa điểm làm việc… thì nay, ngoài những yếu tố này, nhà tuyển dụng nhận được nhiều câu hỏi về các hoạt động xã hội của công ty hơn.
“Điều dễ nhận thấy là những quảng cáo tuyển dụng đề cập đến yếu tố doanh nghiệp có trách nhiệm cao với cộng đồng, môi trường thường thu hút số ứng viên đông đảo hơn, nhất là khi phỏng vấn. Nếu nhà tuyển dụng có những giải thích cụ thể về yếu tố này thì đây sẽ là điều rất hấp dẫn đối với các ứng viên, đặc biệt là lao động trẻ” - bà Hương dẫn chứng.
Mặc dù vậy, theo đánh giá của các chuyên gia, việc triển khai việc làm xanh tại Việt Nam vẫn còn rất nhiều thách thức. Dù Việt Nam đã đề ra mục tiêu chiến lược về việc làm xanh song hiện chưa có định nghĩa thống nhất về vấn đề này cũng như chưa có phân tích mang tính hệ thống về việc làm xanh, đặc biệt là ít có những phân tích kỹ năng cần thiết để thực hiện, áp dụng các chính sách phát triển xanh.
Trau dồi kỹ năng để nắm bắt cơ hội việc làm xanh
Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), việc làm xanh giúp nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và nguyên vật liệu; hạn chế phát thải khí nhà kính; giảm thiểu rác thải và ô nhiễm; bảo vệ và khôi phục hệ sinh thái, cũng như hỗ trợ thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu.
Ngân hàng Thế giới nhận định: Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất của biến đổi khí hậu và thiên tai trên toàn cầu. Hằng năm, bình quân, khoảng 852 triệu USD giá trị hoạt động kinh tế và 316.000 việc làm trong các lĩnh vực như nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, du lịch và công nghiệp phải chịu rủi ro từ biến đổi khí hậu.
“Việc thực hiện chuyển đổi lực lượng lao động để thúc đẩy nền kinh tế xanh và ít carbon là rất quan trọng”, bà Ramla Khalidi - đại diện thường trú của Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam - nhấn mạnh.
Cũng theo bà Ramla Khalidiy, quá trình chuyển đổi xanh và phát triển kinh tế bền vững sẽ mang lại nhiều cơ hội kinh tế mới cho giới trẻ cũng như khoảng 8,4 triệu việc làm mới cho thanh niên đến năm 2030.
Trước mắt, trong năm 2022-2023, số lượng việc làm xanh đã tăng 22%. Tuy nhiên, vì thiếu kỹ năng xanh nên rất nhiều lao động, đặc biệt là lao động trẻ không nắm bắt được cơ hội này. Vì vậy, việc trang bị kỹ năng cho người lao động thích ứng và làm việc trong nền kinh tế xanh là rất cần thiết.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Ngọc Duyên đến từ ILO tại Việt Nam cho rằng, khi nói đến việc làm xanh, nhiều bạn trẻ thường nghĩ đến các công việc trong ngành năng lượng tái tạo, kỹ sư, quản lý môi trường, quản lý rác thải.
Tuy nhiên, chuyển đổi xanh là một yêu cầu tất yếu ngay cả với các ngành nghề truyền thống. Ví dụ, trong ngành dệt may, việc làm xanh liên quan đến chuyển đổi các hóa chất độc hại sang các loại thân thiện hơn với môi trường. Như vậy, thanh niên Việt Nam cần gấp rút trang bị kiến thức căn bản về kinh tế xanh, kỹ năng xanh để tiến tới đáp ứng cho yêu cầu của mới của nền kinh tế./.