Thu nhập thấp, nhiều lao động tìm đến “tín dụng đen”

Xã hội - Ngày đăng : 20:24, 12/09/2023

(BKTO) - “Tín dụng đen” đã và đang âm thầm “bòn rút” tiền bạc của không ít người lao động, khiến họ rơi vào vòng xoáy nợ nần.
tin-dung-den.jpg
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Vòng xoáy nợ nần vì “tín dụng đen”

Báo cáo tình hình lao động, tiền lương, thu nhập, chi tiêu và đời sống công nhân lao động năm 2023 do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện cho biết, tổng chi tiêu 1 tháng của người lao động là 11.723.000 đồng; trong đó, chi cho ăn uống 3.697.000 đồng, thuê nhà (nếu có) 1.536.000 đồng, thuốc men 541.000 đồng, chi cho con cái học tập, gửi trẻ 2.752.000 đồng, vui chơi giải trí 682.000 đồng, chi phí đi lại và mua sắm đồ dùng 1.575.000 đồng; hỗ trợ người thân 939.000 đồng.

Tuy nhiên, tổng thu nhập trung bình hằng tháng của người lao động chỉ gần 8 triệu đồng. Thu không đủ chi, nhiều lao động “nhắm mắt” vay tiền nhanh theo quảng cáo trên mạng, tờ rơi.

“Từ 3 triệu đồng, chỉ sau 2 tháng, tôi đã phải trả cả gốc và lãi lên tới 7 triệu đồng. Vì không có tiền đóng học cho con nên tôi chấp nhận vay với mức lãi suất 10.000 đồng/ngày/1 triệu đồng, số tiền lãi này sẽ được nhân lên theo ngày vì cộng gốc, lãi mới, lãi cũ. Với phương thức này, ngoảnh đi ngoảnh lại, sau 2 tháng, tôi đã phải thanh toán gần 7 triệu đồng cho khoản vay 3 triệu đồng. Nghĩ xót lắm nhưng không vay được bạn bè vì ai cũng khó khăn nên tôi đành ‘nhắm mắt đưa chân’”, anh Tú - khu công nghiệp Bắc Ninh chua chát kể.

Cũng theo anh Tú, những người lỡ đưa chân vào vòng xoáy vay nóng với lãi “cắt cổ” khá phổ biến, nhất là thời gian gần đây, công việc không ổn định, nhiều người bị giảm thu nhập do không có việc làm. “Không có thu nhập, thậm chí có nhiều người phải vay “nóng” 500.000 đồng để cầm cự, sau 1 tháng, khoản vay từ 500.000 này lên tới tiền triệu”- anh Tú chia sẻ.

Nỗi khổ vì nạn “tín dụng đen” không còn là câu chuyện mới mà đã khá phổ biến, nhất là trong cụm khu công nghiệp, khu chế xuất - nơi tập trung đông công nhân. Hiện nay, các hình thức quảng cáo cho vay như dán trên cột điện, rải tờ rơi…đã giảm nhưng tình trạng quảng cáo cho vay trên không gian mạng có chiều hướng gia tăng.

Khi cho người khác vay tiền, các đối tượng thường kèm theo điều kiện: Người vay cho phép đối tượng truy cập đồng bộ vào danh bạ cá nhân, tài khoản mạng xã hội, khi người vay không trả được số nợ, các đối tượng sẽ gọi điện cho các số điện thoại có trong danh bạ để thúc ép đòi nợ. Hệ lụy là nhiều gia đình rơi vào tình cảnh “tan cửa nát nhà” vì bị xã hội đen quấy rối, khủng bố.

Giúp người lao động tiếp cận vốn vay ưu đãi

Một khảo sát của Ban Chính sách pháp luật cùng Viện Công nhân và Công đoàn thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam với gần 3.000 công nhân được công bố hồi đầu tháng 8 cũng cho thấy do khó khăn về đời sống, có 17,3% người lao động phải thường xuyên vay nợ, trong đó, hơn 3% thường xuyên bị đe dọa, khủng bố và 45,2% người vay nợ có tâm trạng lo lắng, bất an.

Theo quy định của pháp luật, lãi suất cho vay không được quá 20% khoản vay đó, nếu vượt quá 5% trở lên mức 20% này là có dấu hiệu vi phạm Bộ luật Hình sự. Đáng chú ý, theo quy định của pháp luật, mức xử phạt sẽ từ 10 - 30 triệu đồng đối với hành vi sử dụng mạng xã hội để lan tỏa, phát tán thông tin sai sự thật. Với những trường hợp nghiêm trọng, chủ thể sẽ bị xử lý về tội làm nhục, vu khống người khác. Chế tài đã có nhưng thực tế số vụ bị xử lý rất ít, chính vì vậy, nhiều đối tượng công khai cho vay, đi siết nợ công khai khi người lao động vay chưa trả đủ tiền lãi.

Thực tế thời gian qua, lợi dụng những khó khăn về tài chính của công nhân lao động cả nước, nạn cho vay nặng lãi “hoành hành” với nhiều chiêu thức ngày càng tinh vi, được quảng cáo công khai, rộng rãi, ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của công nhân lao động. Trong khi đó, người lao động không phải ai cũng có thể tiếp cận các khoản vay chính thức từ ngân hàng vì lý do không có tài sản thế chấp. Khi xảy ra những vấn đề đột xuất, họ rất cần những khoản tiền để xử lý và đã tìm đến nguồn vay không chính thống. Do đó, việc nhận diện các hiểm họa từ “tín dụng đen” là điều cần thiết.

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Công an đã phối hợp tích cực, chặt chẽ, triển khai nhiều giải pháp đấu tranh, phòng ngừa tội phạm trong hoạt động ngân hàng cũng như hoạt động liên quan đến “tín dụng đen” và triển khai Đề án số 06/QĐ-TTg “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030”. NHNN và Bộ Công an đã ký kết Kế hoạch triển khai các nhiệm vụ tại Đề án (Kế hoạch 01) với 11 nhiệm vụ lớn như: Làm sạch dữ liệu khách hàng, xác minh khách hàng, giải pháp chấm điểm tín dụng... Việc triển khai hiệu quả Kế hoạch 01 có ý nghĩa quan trọng, góp phần thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện 766/CĐ-TTg ngày 24/8/2023 về việc tăng cường các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hoạt động “tín dụng đen”.

Dưới góc độ tổ chức công đoàn, ông Tạ Văn Dưỡng - Trưởng Ban Chính sách Pháp luật và Quan hệ lao động, Liên đoàn Lao động TP. Hà Nội - cho rằng, nguồn tín dụng tin cậy nhất là các ngân hàng, các tổ chức tín dụng của Nhà nước. Đoàn viên, người lao động đăng ký qua công đoàn cơ sở để được bảo lãnh và hướng dẫn về thủ tục vay vốn từ Quỹ trợ vốn.

Ngoài ra, tổ chức công đoàn cũng triển khai Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm cho người lao động nghèo vay vốn, tạo việc làm tăng thêm thu nhập. Liên đoàn Lao động thành phố và các cấp công đoàn Thủ đô cũng thường xuyên đẩy mạnh hoạt động chăm lo, hỗ trợ cho người lao động bằng tiền mặt để giúp san sẻ phần nào với khó khăn của người lao động./.

THÀNH ĐỨC - MINH LONG